Hơn một nửa người dân Đức muốn di cư vì vấn đề kinh tế và nhập cư
Di cư và các vấn đề kinh tế là lý do phổ biến nhất khiến người dân Đức muốn rời bỏ đất nước, theo khảo sát của YouGov.

Tình hình kinh tế và vấn đề nhập cư khiến nhiều người dân Đức muốn rời khỏi đất nước. Ảnh: Getty.
Hơn một nửa người dân Đức đang cân nhắc khả năng ra nước ngoài sinh sống, tờ Die Welt dẫn kết quả khảo sát mới từ YouGov hôm 23/5 cho hay. Những người tham gia khảo sát chỉ ra rằng vấn đề nhập cư và những thách thức kinh tế là những nguyên nhân chính khiến họ muốn rời bỏ đất nước.
Cụ thể, 31% số người được hỏi cho biết họ sẽ “chắc chắn” chuyển ra nước ngoài nếu có toàn quyền lựa chọn mà không bị ràng buộc bởi công việc, đời sống cá nhân hay tài chính. Thêm 27% nữa nói rằng họ “có thể” sẽ rời đi. Ngược lại, 22% trả lời “có lẽ không” và 15% cho biết họ “chắc chắn không” xem xét việc di cư.
Trong nhóm người cho rằng họ nhìn chung có thể tưởng tượng hoặc có khả năng sẽ rời khỏi Đức, 36% cho biết ý nghĩ rời bỏ đất nước đã xuất hiện thường xuyên hơn trong những tháng gần đây.
Trong số này, 61% cho biết tình hình người nhập cư ở Đức là nhân tố lớn khiến họ muốn rời đi. Ngoài ra, 41% chỉ ra rằng cuộc suy thoái kinh tế kéo dài hiện nay là một lý do khiến họ cân nhắc ra nước ngoài. Các mối lo ngại chính trị cũng xuất hiện rõ nét, với 29% đề cập đến sự trỗi dậy của đảng cực hữu Sự thay thế cho nước Đức (AfD) và 22% lo ngại về mối đe dọa quân sự từ Nga.
12% người tham gia khảo sát bày tỏ lo ngại rằng sự bảo hộ của Mỹ đối với châu Âu có thể suy giảm dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong khi 36% viện dẫn “các lý do khác” cho mong muốn rời khỏi Đức.
Theo khảo sát, những người cân nhắc rời đi thường lựa chọn các quốc gia có nói tiếng Đức làm điểm đến ưa thích. Thụy Sĩ đứng đầu danh sách với 30%, tiếp theo là Áo (23%). Tây Ban Nha (22%) và Canada (17%) cũng nằm trong nhóm lựa chọn phổ biến.
Đức hiện là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 không ghi nhận tăng trưởng kinh tế trong hai năm qua, khiến việc phục hồi kinh tế trở thành ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới do Thủ tướng Friedrich Merz đứng đầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Đức sẽ tiếp tục tụt lại so với các nước G7 khác trong năm 2025, với mức tăng trưởng chỉ đạt 0,1%.
Dù nền kinh tế trì trệ, Đức vẫn là điểm đến hàng đầu trong Liên minh châu Âu cho người xin tị nạn. Trong năm 2024, nước này đã tiếp nhận hơn 237.000 đơn xin tị nạn – chiếm hơn một phần tư tổng số đơn nộp trên toàn khối 27 thành viên EU.
Đầu tháng này, chính phủ Berlin đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hơn nhằm hạn chế số lượng người xin tị nạn nhập cảnh, đảo ngược chính sách biên giới mở được cựu Thủ tướng Angela Merkel khởi xướng vào năm 2015.