Ngôi sao rất cần, nhưng bóng đá là trò chơi tập thể

Hình ảnh đối lập của Bayern Munich và Barca tại trận bán kết Champions League vừa qua. Ảnh: Internet

Những ngày gần đây, thế giới bóng đá gần như bị cuốn hết vào câu chuyện đi hay ở lại của siêu sao Messi với CLB Barca. Messi đã góp công lớn mang về các chiến tích vinh quang cho CLB, câu chuyện của anh một lần nữa cho thấy một nguyên lý bất biến trong bóng đá là: Ngôi sao luôn rất cần, nhưng bóng đá là trò chơi tập thể.

đội bóng có thể xoay chuyển được tình thế, nhưng để mang vinh quang về cho đội bóng là kết quả của sự kết hợp hài hòa của cả đội trên tinh thần chung của chiến thuật hợp lý.

Tạm gác chuyện ra đi hay ở của Messi, hãy nhìn về cách kết thúc mùa giải Champions League của Barcelona thật ê chề với một trận thua điên rồ với tỉ số không tưởng 2-8. Đội bóng làm nên chiến thắng vĩ đại đó là Bayern Munich sau đó đã đăng quang ngôi vô địch một cách thuyết phục.

1. Câu chuyện thứ nhất từ đề dẫn trên, đó là vì sao có L.Messi mà đội bóng hùng mạnh xứ Catalan vẫn bị loại khỏi Champions League?

Trong bóng đá, sức mạnh không nằm ở một ngôi sao mà nó đến từ tập thể kết hợp hài hòa. Nếu trong tập thể ấy có một ngôi sao biết chia sẻ thì sức mạnh ấy càng nhân lên, bằng ngược lại, một ngôi sao chỉ là cá nhân, phần còn lại là những mảnh ghép xung quanh thì không sớm thì muộn cũng bị bẻ gãy và tan rã.

Với nhiều người quan tâm đến Barca cũng có thể dự cảm được kết quả tồi tệ vừa rồi. Không phải bởi Messi kém tài, khi anh càng chơi càng hay, dù tuổi tác đã bước sang bên kia sườn dốc. Barca sụp đổ là lỗi cả một bộ máy, từ thượng tầng lãnh đạo CLB, HLV cho đến các cầu thủ. Rất hỗn loạn, vô tổ chức. Giám đốc thể thao Eric Abidal thì đổ lỗi cho cầu thủ, khiến HLV Ernesto Valverde mất việc. Messi như một công thần bất khả xâm phạm “điều hành” ngược lại cả HLV, vô kỷ cương. Ở tầm vĩ mô, lãnh đạo CLB tiêu tiền không đúng chỗ khi tất cả những thương vụ bom tấn với Ousmane Dembele, Philippe Coutinho hay Antoine Griezmann không mang lại giá trị chuyên môn lẫn tài chính cho đội bóng.

Ngược thời gian, người hâm mộ cũng bắt đầu hình dung sự sụp đổ của một chuỗi thăng hoa. Mùa bóng trước, Barca từng thua Liverpool 0-4 trong trận lượt về bán kết Champions League, sau khi thắng lượt đi 4-1. Trước nữa, Barca cũng hứng chịu thảm họa ở sân chơi danh giá nhất châu lục, trước các đối thủ Juventus và Roma (cùng thua 0-3). Bốn mùa giải liên tiếp, Barca đều nói lời chia tay Champions League bằng những trận thua không thể chấp nhận.

Xa hơn một chút, cách đây hơn một thập kỷ, Barca lại là đội bóng mẫu mực, một gã khổng lồ bất khả chiến bại của bóng đá châu Âu. Bởi khi đó họ có Messi và có cả những người cộng sự hợp ý, tài năng như: Victor Valdes, Carles Puyol, Gerard Pique, Sergio Busquets, Xavi, Andres Iniesta… Tập thể ấy đặt dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola và phong cách tiqui-taca huyền ảo. Tất cả các yếu tố đó hợp lại đã tạo nên một Barca thần thánh.

Thế rồi Guardiola ra đi vào năm 2012, lần lượt những ngôi sao luống tuổi cũng chia tay CLB, Barca không còn quá mạnh, bất chấp Messi một mình có thể “cân” được cả đội. Mùa bóng 2014/2015 là mùa cuối cùng của chuỗi thăng hoa, gã khổng lồ xứ Catalan thêm một lần đoạt “cú ăn 3” và đến nay là chuỗi thất bại liên tục. Messi vẫn hiện diện, vẫn rất tuyệt vời nhưng một cánh én không làm nên mùa xuân.

2. Câu chuyện thứ hai, đó là thành công của Hùm xám Bayern Munich. Đội bóng có truyền thống bậc nhất nước Đức lừng lững bước đến đỉnh cao danh vọng của Champions League bằng một đội hình không có những ngôi sao vượt trội với giá tiền “bom tấn” như các đối thủ của họ.

Bất chấp Barca có L.Messi, Bayern đã chơi một trận quá hay và hoàn toàn bóp nát đối thủ ở từng vị trí trên sân. Barca có thể yếu nhưng phải nói Hùm xám quá xuất sắc đã khiến cho sự chênh lệch ấy càng xa. “Chúng tôi đã chạm đáy, đội bóng cần phải có những sự thay đổi tổng thể. Nếu đội bóng cần một dòng máu mới, tôi sẽ là người đầu tiên đề nghị ra đi”, trung vệ Gerrard Pique phát biểu đầy chua chát sau trận đại bại lịch sử (2-8) của đội bóng xứ Catalan.

Robert Lewandowski có 15 bàn thắng, 5 đường kiến tạo ở Champions League mùa này, có thể coi là ngôi sao phía Munich. Nhưng xét về đẳng cấp thật sự cũng chỉ tầm tầm bậc trung. Hay Thomas Muller, Serge Gnabry, Kingsley Coman, Jerome Boateng, Niklas Sule, Joshua Kimmich… cũng chưa thể sánh với những siêu sao tầm thế giới như Neymar, Mbappe, Messi. Nhưng chính sự “tầm tầm” của họ là nền tảng của sức mạnh, cộng với một HLV Hans-Dieter Flick không quá nổi bật, nhưng là trung tâm đoàn kết các cầu thủ, thổi ngọn lửa nhiệt huyết vì màu cờ sắc áo đã mang lại sức mạnh vô địch.

Ở góc độ tài chính, thống kê cho thấy giá trị chuyển nhượng của cả đội hình Munich có mặt trong trận chung kết Champions League chỉcó 123 triệu euro, nó thậm chí chưa bằng mức phí chuyển nhượng của Mbappe (145 triệu euro) hay Neymar (222 triệu euro).

Trong bóng đá, sức mạnh không nằm ở một ngôi sao mà nó đến từ tập thể kết hợp hài hòa. Nếu trong tập thể ấy có một ngôi sao biết chia sẻ thì sức mạnh ấy càng nhân lên, bằng ngược lại, một ngôi sao chỉ là cá nhân, phần còn lại là những mảnh ghép xung quanh thì không sớm thì muộn cũng bị bẻ gãy và tan rã.

Dù cho Messi được gọi là thiên tài cũng không ngoại lệ, bởi bóng đá là trò chơi tập thể!

THẾ NHƠN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/88/245031/ngoi-sao-rat-can-nhung-bong-da-la-tro-choi-tap-the.html