Ngôi trường hơn 50% học sinh được dự lễ khai giảng

Lê Văn Thọ nổi tiếng là một trong những trường tiểu học đông học sinh nhất TPHCM. 100% các lớp chỉ học 1 buổi/ngày. Lễ khai giảng năm học mới này, chỉ có hơn 50% học sinh trong trường được tham dự.

Năm học 2019-2020, Trường tiểu học Lê Văn Thọ có tổng số 4653 học sinh (HS), bao gồm 90 lớp (19 lớp 1; 17 lớp 2; 18 lớp 3; 16 lớp 4 và 20 lớp 5).

Sĩ số trung bình của các lớp là 52 học sinh, trong đó có những lớp, sĩ số lên tới 58-59 em.

Sĩ số trung bình của các lớp là 52 học sinh, trong đó có những lớp, sĩ số lên tới 58-59 em.

Để kê thêm vài bộ bàn ghế, thêm vài em nhỏ được đến trường, bục giảng của thầy cô cũng phải thu hẹp lại.

Để kê thêm vài bộ bàn ghế, thêm vài em nhỏ được đến trường, bục giảng của thầy cô cũng phải thu hẹp lại.

Năm nay, riêng lớp 1, trường được giao chỉ tiêu tuyển 638 HS, tuy nhiên, lượng HS nhận vào thực tế lên tới 1030 em, vượt chỉ tiêu tuyển sinh 392 em. Chưa kể, vào năm học mới, khối nào cũng có HS từ trường khác, địa phương khác chuyển đến.

Chia sẻ với VietNamNet, bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Thọ cho biết, vốn dĩ trường được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn của một trường tiểu học hiện đại, với mô hình bán trú, các lớp học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, do thực tế tăng dân số cơ học quá cao, nhà trường phải tiếp nhận tất cả HS của phường Tân Thới Hiệp, cùng với HS tạm trú. Tổng số HS quá đông, dù đã chia thành 90 lớp, nhưng sĩ số trung bình vẫn lên tới 52 em, có lớp lên tới 58 – 59 em.

Những năm này, cánh cửa kính đã cũ là tấm vách, ngăn nhà ăn bán trú thành phòng học tạm cho các em.

Những năm này, cánh cửa kính đã cũ là tấm vách, ngăn nhà ăn bán trú thành phòng học tạm cho các em.

Lâu nay, trường chỉ có 40 phòng học được xây dựng đúng tiêu chuẩn, trong khi 90 lớp chia thành 2 ca, trường cần số lượng 45 phòng học. Vậy là, trong “cái khó ló cái khôn”, nhà trường đành phải bỏ đi mục tiêu cho trẻ học bán trú, sử dụng nhà ăn, ngăn vách tạm để làm thành 4 phòng học, đồng thời “trưng dụng” phòng học chức năng (vốn để giành riêng cho các môn nghệ thuật, Tin học). Như vậy, trường tạm thời đủ phòng cho 90 lớp học.

“Đa số phụ huynh có con em học trong trường là công nhân ở các khu công nghiệp, hoặc những gia đình buôn bán nhỏ lẻ, đời sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, nhà trường chỉ có thể giải quyết vấn đề trước mắt là đủ số lượng phòng học cho HS, để phụ huynh ổn định tâm lý, an tâm làm việc”, bà Hoa chia sẻ.

Phòng học được xây dựng theo tiêu chuẩn ban đầu với số lượng 35 em/lớp, vì vậy, khi phải tăng thêm khoảng 15 học sinh, kê thêm bàn ghế, căn phòng chỉ còn chừa lại lối đi rất hẹp cho giáo viên. Điều này dẫn đến thiệt thòi lớn cho học sinh khi không được tiếp cận với các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại.

Trong một lượt giáo viên gọi HS lên kiểm tra bài, các em phải đứng sát cạnh nhau, để kịp giờ những bạn học khác cũng được cô chỉ dạy.

Trong một lượt giáo viên gọi HS lên kiểm tra bài, các em phải đứng sát cạnh nhau, để kịp giờ những bạn học khác cũng được cô chỉ dạy.

Thậm chí, do lớp quá đông, nhiều giáo viên bị mất thời gian vào việc quản lý, ổn định trật tự, khiến thời gian dạy học giảm xuống. Hết giờ mà bài giảng vẫn đang dang dở, giáo viên chỉ còn cách giao bài cho HS về làm, hoặc trao đổi với phụ huynh để kèm cặp thêm cho con. Việc phổ cập tiếng Anh và dạy kỹ năng sống, các giáo viên cũng chỉ biết cố gắng làm hết sức mình.

Điều may mắn cho đến hiện tại theo bà Hoa là, nhà trường đã nhận được sự quan tâm của Phòng GD - ĐT quận 12, của chính quyền địa phương, cũng như sự hỗ trợ của phụ huynh. “Các phụ huynh đều thấu hiểu sự khó khăn của nhà trường nên không có ai trách móc về sĩ số lớp, chỉ mong giáo viên dạy tốt nhất cho các con”, bà Hoa nói.

Tôi từng chứng kiến một lớp học thể dục thú vị. Hết giờ, các em nối thành hàng dài như con tàu, đi mãi chưa thấy toa cuối, uốn lượn mà chẳng ngắt đuôi nhau, cùng trở về lớp học.

Tôi từng chứng kiến một lớp học thể dục thú vị. Hết giờ, các em nối thành hàng dài như con tàu, đi mãi chưa thấy toa cuối, uốn lượn mà chẳng ngắt đuôi nhau, cùng trở về lớp học.

Do có số HS quá đông, năm học mới này, Phòng GD - ĐT quận 12 đã có chỉ đạo riêng với Trường tiểu học Lê Văn Thọ, tăng cường dạy và học ngày thứ 7. Tuy nhiên, bà Hoa khá băn khoăn. Bởi vì, khi dạy và học thêm thứ 7, nhà trường sẽ phải cân nhắc, sắp xếp thời khóa biểu cho hợp lý, để phụ huynh có điều kiện đưa đón con đi học. Đồng thời, nhà trường cũng phải huy động giáo viên đi dạy, mà đáng lý, đó là ngày họ được phép nghỉ theo Luật Lao động.

Bà Hoa tiết lộ, hiện nay, Phòng GD – ĐT quận 12 và lãnh đạo địa phương đã kiến nghị lên UBND Quận 12, xây dựng thêm một trường tiểu học ở phương Tân Thới Hiệp. Nếu được chấp thuận, trong tương lai, trường Lê Văn Thọ có thể giảm tải lượng học sinh, nhà trường có thể đảm bảo điều kiện để đưa tiếng Anh và Tin học thành môn bắt buộc theo chương trình mới.

Giờ tan lớp, học sinh đứng chờ ba mẹ chật kín cổng trường. Có nhiều hôm, đoạn đường Nguyễn Thị Kiểu trước cổng Trường tiểu học Lê Văn Thọ ùn tắc rất lâu vì phụ huynh đỗ xe chờ con.

Giờ tan lớp, học sinh đứng chờ ba mẹ chật kín cổng trường. Có nhiều hôm, đoạn đường Nguyễn Thị Kiểu trước cổng Trường tiểu học Lê Văn Thọ ùn tắc rất lâu vì phụ huynh đỗ xe chờ con.

Lễ khai giảng năm học 2019-2020, Trường tiểu học Lê Văn Thọ chỉ tổ chức ngắn gọn trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Bởi vì sân trường khá nhỏ, vì vậy, ngoài sự tham gia của tất cả các thầy cô giáo, các lớp học buổi sáng (bao gồm HS khối 1, HS khối 5 và 7 lớp của HS khối 2), thì với các lớp học buổi chiều, mỗi lớp chỉ cử đại diện 5 em tham dự. Tổng số học sinh tham dự khai giảng khoảng 2.500 em (hơn 50% số HS toàn trường).

Khánh Hòa - Thanh Tùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/ngoi-truong-giua-long-thanh-pho-chi-hon-50-hoc-sinh-duoc-du-le-khai-giang-564719.html