Ngồi yên trong lửa: Câu chuyện xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức làm rơi lệ

Giữa lòng TPHCM rực nắng, dòng người đổ về Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TPHCM) như một cuộc hành hương trầm mặc. Không chỉ để chiêm bái những biểu tượng của đạo Phật, mà để đứng thật lặng trước xá lợi trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Trái tim ấy, từng ở giữa “biển” lửa cách đây hơn 60 năm và hôm nay lại ẩn chứa một ngọn lửa khác: ngọn lửa thiêng liêng của tinh thần bất bạo động, tự nguyện dâng mình vì hòa bình, vì công lý và vì đạo pháp.

Sinh năm 1897 tại Khánh Hòa, Hòa thượng Thích Quảng Đức xuất gia từ nhỏ. Ông đã xây gần 30 ngôi chùa, gieo ánh sáng từ bi vào những vùng đất còn chao đảo bởi chiến cuộc.

Nhưng ánh sáng lớn nhất mà hòa thượng để lại cho hậu thế lại bừng lên từ ngọn lửa ngày 11/6/1963 ở giữa ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, nay là Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám (TPHCM).

Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi yên, hai tay vẫn an trú trong thiền định. Ảnh tư liệu: Malcolm W. Browne

Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi yên, hai tay vẫn an trú trong thiền định. Ảnh tư liệu: Malcolm W. Browne

Năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm ra công điện cấm treo cờ Phật giáo, khiến cộng đồng tín đồ phản đối. Ngày 8/5, vụ đàn áp tại Đài phát thanh Huế khiến 8 người thiệt mạng. Trước tình hình căng thẳng, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo được thành lập, yêu cầu khôi phục quyền tự do tôn giáo nhưng không được đáp ứng.

Hòa thượng Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quán Thế Âm (Phú Nhuận) đã gửi đơn xin tự thiêu để bảo vệ đạo pháp. Trong thư để lại ngày 4/6/1963, ông viết: “Tôi là một tu sĩ mệnh danh trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong...”.

Trưa 11/6 năm ấy, một chiếc ô tô dừng lại nơi ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, Hòa thượng Thích Quảng Đức bước xuống, khoan thai ngồi kiết già. Chư tăng vây quanh niệm Phật. Can xăng được rưới lên thân thể gầy gò. Hộp quẹt trong túi hòa thượng ướt đẫm xăng. Một vị sư ném hộp quẹt khác đến. Hòa thượng mỉm cười và bật lửa.

Ngọn lửa bốc cao. Nhưng khuôn mặt ấy không biến sắc. Lưng hòa thượng vẫn thẳng. Hai tay vẫn an trú trong thiền định. Như thể thân xác bốc cháy, nhưng tâm thì đã vượt thoát khỏi cõi vô thường.

Nhà báo chiến trường Malcolm W. Browne đã chụp được bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Ngay lập tức, bức hình được đăng tải trên trang nhất của rất nhiều tờ báo trên thế giới.

Tạp chí Life đăng hình Hòa thượng Thích Huyền Quang đang nâng trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức sau khi thiêu lại lần hai vẫn không cháy

Tạp chí Life đăng hình Hòa thượng Thích Huyền Quang đang nâng trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức sau khi thiêu lại lần hai vẫn không cháy

Truyền thông quốc tế thời điểm đó sững sờ với hình ảnh ngọn lửa bốc lên giữa phố Sài Gòn. Không ai còn có thể phớt lờ sự thật: chính quyền Ngô Đình Diệm đang đàn áp Phật giáo. Và từ ngọn lửa đó, một làn sóng phản kháng dâng lên khắp Việt Nam.

Sau sự kiện lịch sử ngày 11/6, nhiều vị tăng sĩ đã tiếp nối con đường hy sinh vì chính nghĩa. Đại đức Thích Nguyên Hương tự thiêu ngày 4/8 cùng năm tại tòa tỉnh trưởng Bình Thuận. Đại đức Thích Quảng Hương thiêu thân ngày 5/10 tại bùng binh chợ Bến Thành (Sài Gòn). Đại đức Thích Thiện Mỹ tiếp bước vào ngày 27/10 cũng tại Sài Gòn. Cùng thời gian đó, nhiều vị tử đạo khác như Thượng tọa Thích Tiêu Diêu, Đại đức Thích Thanh Tuệ, Sư cô Thích Nữ Diệu Quang... đã ngã xuống trong niềm tin vững chắc vào chân lý và lý tưởng phụng sự đạo pháp, dân tộc.

Vì sao gửi xá lợi trái tim trong ngân hàng?

Nhục thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức được cung thỉnh về chùa Xá Lợi, rồi đưa đến hỏa táng tại Phú Lâm. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra - trái tim vẫn đỏ hồng.

Những hòa thượng lãnh đạo Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo quyết định đưa trái tim của ngài vào thiêu thêm lần nữa. Nhưng trái tim vẫn tiếp tục nguyên vẹn và trở thành một khối rắn chắc như đá.

Phật giáo Việt Nam gọi đó là “trái tim bất diệt”.

Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức. Ảnh: Huế Ex

Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức. Ảnh: Huế Ex

Sau khi được thỉnh về chùa Xá Lợi, xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được cất giữ cẩn mật trong tủ sắt của cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

Đêm 20/8/1963, cảnh sát đột nhập chùa, bắt bớ các hòa thượng và lục lọi nhưng kỳ lạ không phát hiện được trái tim.

Sau đó, xá lợi được chuyển về Việt Nam Quốc Tự và đặt trong một tháp đồng niêm phong bởi Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết.

Nhằm bảo đảm an toàn, Hòa thượng Thích Từ Nhơn đã gửi tháp đồng chứa xá lợi vào chi nhánh Ngân hàng Pháp tại Sài Gòn, cất trong két sắt chỉ có hai chìa khóa - một do ông giữ, một do trụ sở ngân hàng ở Pháp nắm.

Sau năm 1975, trái tim được Nhà nước tiếp nhận. Đến năm 1991, xá lợi chính thức được bàn giao cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM bảo quản cho đến nay, trong tình trạng nguyên vẹn, chưa từng bị mở ra.

Hòa thượng Thích Quảng Đức

Hòa thượng Thích Quảng Đức

Hôm nay, trái tim ấy trở lại với nhân dân, dưới vòm đại lễ Vesak. Người dân xếp hàng dài trong yên lặng. Không một lời phát nguyện to tiếng. Không một bức xúc chính trị. Chỉ có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Một câu hỏi vang lên trong lòng mỗi người: Điều gì có thể khiến một con người sẵn sàng ngồi yên trong lửa nóng?

Và câu trả lời, có lẽ nằm trong chính sự hiện diện của trái tim ấy với lời nhắn gửi vượt thời gian: Sự hy sinh lớn lao nhất là sự hy sinh không cho bản thân, mà cho niềm tin, cho công lý và cho an lành của người dân.

Chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức đến hết ngày 10/5

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại TPHCM với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu trong và ngoài nước. Lễ chiêm bái xá lợi trái tim Hòa thượng Thích Quảng Đức là một trong những điểm nhấn của sự kiện.

Người dân được chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức đến ngày 10/5 tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10).

Thành Huế

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngoi-yen-trong-lua-cau-chuyen-xa-loi-trai-tim-bo-tat-thich-quang-duc-lam-roi-le-2399041.html