Chở khách chiêm bái xá lợi Phật, anh công nhân phấn khởi có thêm thu nhập

Được nghỉ làm, một số công nhân và người dân sống gần khu vực diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tranh thủ chạy xe ôm chở khách thập phương đến chiêm bái xá lợi Phật.

Hôm nay (8/5) là ngày chạy “xe ôm thời vụ” cuối cùng của anh Trần Văn Tuấn (40 tuổi, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM) trong dịp Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.

Từ ngày 3-8/5, anh Tuấn cũng như một số người dân, công nhân sống và làm việc trên địa bàn xã Lê Minh Xuân tận dụng sự kiện này để tăng thu nhập.

Họ tranh thủ những ngày diễn ra đại lễ để chạy xe ôm đưa người dân, phật tử vào lễ chùa, chiêm bái xá lợi Phật.

Những ngày qua, khách tham quan và phật tử tập trung về chùa Thanh Tâm để chiêm bái xá lợi Phật. Ảnh: Hà Nguyễn

Những ngày qua, khách tham quan và phật tử tập trung về chùa Thanh Tâm để chiêm bái xá lợi Phật. Ảnh: Hà Nguyễn

Mỗi lượt chở khách từ đầu đường Trần Văn Giàu đến nơi đón xe trung chuyển (khoảng 2km) để vào chùa Thanh Tâm (đường Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân), họ thu khoảng 30.000 đồng.

Trong khi đó, lượt chở khách từ Học viện Phật giáo Việt Nam TPHCM và chùa Thanh Tâm đến khu vực giữ xe trên đường Mai Bá Hương, ra đầu đường Trần Văn Giàu có giá từ 30.000-40.000 đồng.

Anh Tuấn làm công nhân cho một xưởng mộc nằm gần khu vực diễn ra đại lễ. Những ngày này, xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu không thể lưu thông ra vào nên xưởng tạm nghỉ.

Tranh thủ những ngày không đến xưởng làm việc, anh chuyển qua chạy xe ôm thời vụ. Nhờ thông thuộc đường sá, nắm rõ các tuyến đường được phép di chuyển trong thời gian Đại lễ Vesak 2025, anh Tuấn có thể đưa đón người dân, phật tử thuận lợi.

Vì còn bỡ ngỡ nên anh Tuấn thẹn thùng khi đón khách. Ảnh: Hà Nguyễn

Vì còn bỡ ngỡ nên anh Tuấn thẹn thùng khi đón khách. Ảnh: Hà Nguyễn

Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi ở nhà trọ, con còn nhỏ nên phải nghĩ cách kiếm tiền. Mấy hôm trước nắng quá, chạy xe nhiều, tôi bị cảm nắng, nằm bẹp một chỗ. Hai hôm nay khỏe lại, nên tôi ra chạy tiếp.

Mấy hôm nay đông khách tham quan, phật tử đến chùa. Nếu cố gắng, mỗi ngày tôi chạy được khoảng 300.000-400.000 đồng, có khi nhỉnh hơn chút”.

Lần đầu chạy xe ôm, anh Tuấn thẹn thùng khi ngỏ lời mời khách lên xe. Anh cũng không biết thỏa thuận giá cả, tùy khách trả bao nhiêu cũng được.

Người phụ nữ khoảng 50 tuổi cũng tranh thủ làm xe ôm thời vụ. Ảnh: Hà Nguyễn

Người phụ nữ khoảng 50 tuổi cũng tranh thủ làm xe ôm thời vụ. Ảnh: Hà Nguyễn

Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Nhã (45 tuổi, xã Lê Minh Xuân) nhận đón khách tham quan, phật tử từ Học viện Phật giáo Việt Nam TPHCM ra khu vực có xe trung chuyển cho biết, anh cũng tranh thủ nửa ngày được nghỉ để chạy xe ôm.

Anh làm việc ở xưởng vải nên chỉ khi xưởng cho phép nghỉ, anh mới chuyển qua chạy xe ôm.

Anh chia sẻ: “Mấy hôm nay khách đông lắm, chạy không xuể. Tôi không phải là xe ôm chuyên nghiệp nên không quen chạy xe giữa trời nắng gắt. Trưa nắng, tôi sợ ngất xỉu do oi bức nên tạm nghỉ. Buổi chiều và tối, tôi mới tiếp tục chạy”.

Đến vị trí có xe trung chuyển, khách vừa trả nón cho anh Nhã thì lập tức có thêm nhiều xe ôm thời vụ khác chạy đến đề nghị được phục vụ.

Nhiều "bác tài" nghiệp dư mời khách đi xe ôm. Ảnh: Hà Nguyễn

Nhiều "bác tài" nghiệp dư mời khách đi xe ôm. Ảnh: Hà Nguyễn

Trong số đó, một người phụ nữ khoảng 50 tuổi nhanh chóng đề nghị được chở khách ra đến đầu đường Trần Văn Giàu.

Người này cho biết, chị là người địa phương, thông thuộc đường sá tại khu vực. Chị liên tục đề nghị những “bác tài” khác nhường khách cho mình. Thấy thế, mọi người cũng hoan hỉ, tạo điều kiện cho chị kiếm thêm thu nhập.

Các xe ôm thời vụ hoạt động cả ngày lẫn đêm và đặc biệt đông vào đầu giờ chiều khi các sự kiện quan trọng tại Đại lễ Vesak 2025 khép lại.

Nhiều người đội nắng, thức đêm chạy xe ôm chở khách chiêm bái xá lợi Phật. Ảnh: Hà Nguyễn

Nhiều người đội nắng, thức đêm chạy xe ôm chở khách chiêm bái xá lợi Phật. Ảnh: Hà Nguyễn

Lúc đầu nghe xưởng cho tạm nghỉ để địa phương tổ chức sự kiện quan trọng, anh Tuấn và anh Nhã đều lo lắng mất thu nhập. Thế nhưng, hai anh và nhiều người khác lại bất ngờ có thu nhập khá hơn ngày thường.

“Tiền trọ, sữa, tã… cho hai con nhỏ của tôi xem như cũng tạm ổn”, anh Tuấn cười hiền lành, tâm sự.

Ngoài xe ôm thời vụ, các bãi giữ xe cũng mọc lên nhiều trên đường Trần Văn Giàu đoạn gần đường Kinh A, Lê Đình Chi. Hai bên đường Kinh A cũng có nhiều điểm giữ xe với giá từ 10.000-20.000 đồng/chiếc.

“Chúng tôi chỉ nhận giữ xe mấy hôm diễn ra đại lễ thôi. Ngày thường, xe cộ lưu thông bình thường, người dân, phật tử muốn chiêm bái chùa đều chạy xe đến gửi vào các bãi giữ xe gần đó”, chủ một bãi giữ xe tự phát chia sẻ.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cho-khach-chiem-bai-xa-loi-phat-anh-cong-nhan-phan-khoi-co-them-thu-nhap-2399076.html