Ngọn đồi xanh màu lá
Truyện ngắn của Bùi Huy
Truyện ngắn của Bùi Huy
Vừa chạy xe qua khúc ngoặt của mé đồi, chị gặp Thùy tất tả ngược dốc, tay xách, nách mang:
- Ôi trời, bà đi đâu đấy? Mà xe máy đâu?
Họ là bạn nhau từ thời ấu thơ nên có cách xưng hô như vậy từ hồi đi học. Thùy hơi bối rối: Đang đưa mấy đồ cho gia đình Hoan. Bà ốm…
- Sao cứ đày đọa mình như thế. Thôi ngồi lên đây tôi đèo đi cho nhanh. Ông ấy đâu?
- À lão nhà mình đi làm công trình ở huyện bên. Mà cũng chẳng sao đâu vì ông ấy cũng từng bảo: Bạn bè với nhau, không dễ mà dứt bỏ được đâu…
Con đường men theo đồi dẫn về nhà Hoan đã được đổ bê tông. Ngày trước mà men theo lối này vào ngày mưa thì chả vồ ếch mấy lần. Cuối con đường là đến quốc lộ dẫn về thành phố. Xa xa chút là dòng sông nhỏ uốn lượn dọc theo chân đồi. Hồi Hoan lên đường nhập học, rồi ngày bạn ấy xách ba lô về thành phố miền Trung làm việc, cả 3 chả từng nấn ná ở đây mãi, bịn rịn… Phía đỉnh đồi bạt ngàn cây mua, cây sim. Hồi trước, bộ 3: Hoan - Thùy và chị chẳng từng bao lần lên đó nhặt củi, hái mua, hái sim. Chiều về môi, răng tím đen mà mắt thì long lanh sáng, nói cười. Lần nào, Hoan cũng cố hái những quả sim chín tím mọng, ngọt lịm nhất dành cho 2 bạn gái. Và Thùy bao giờ cũng nhiều hơn. Chiều nào, trước ngày đi thi đại học, bộ 3 lại ngồi dàn hàng ngang trên mép đỉnh đồi, nơi có những vạt cỏ xanh rì, nhìn ra con đường xa tít tắp, nhìn dòng sông lượn quanh… chỉ để nghe gió rì rào, chỉ để nghe tiếng chim hót líu lo đâu đây. Ngày mai, Hoan về vùng huyện để đi thi đại học. Cố gắng nhé…
Nói dăm ba câu chuyện, chiếc xe Way đã lượn ngay sân nhà Hoan.
- Phải Thùy đấy không? Tiếng mẹ Hoan khá yếu, mệt mỏi vọng ra.
- Bác trai đi đâu vậy ạ? Bác mệt sao không gọi bác sỹ khám cho yên tâm? Thùy khẽ khàng hỏi.
Mẹ Hoan rầu rầu: "Bệnh già ấy mà cháu. Thế bọn trẻ ngoan không? Sao không đưa chúng lên chơi. Nhà chỉ có 2 thân già… vắng quá". Thoảng trong không gian có tiếng thở dài rất nhẹ, phải tinh ý mới cảm nhận được.
Ngôi nhà được xây khá kiên cố, rộng rãi. Ở miền sơn cước này mà làm được ngôi nhà khang trang quả là điều kỳ công. Đồ đạc cũng khá "độc”: ti vi màn hình phẳng 55 in, dàn loa, âm ly khá hiện đại. Trong nhà có đủ máy giặt, tủ lạnh. Hai ông bà sinh hoạt như thế khá ổn.
Bà khoe: "Tháng trước thằng Hoan nhờ người về làm thêm nhà vệ sinh tự hoại ở sát mé buồng. Tiện lợi lắm". Nghe câu chuyện của gia đình ông bà như thế, chuyện của Thùy… chị hiểu, có thể đây cũng là duyên nghiệp đời người. Nghe bà nói và cung cách của Thùy, rõ ràng mối nhân duyên này có nguồn cơn của nó: họ quý mến và trân trọng nhau bởi từ một người, đó là Hoan. 3 người, họ vốn là bạn thân từ thời ấu thơ. Trước đó, thân sinh của cả 3 cũng từng qua nhiều cung đường giao thông để rồi cùng chọn nơi này "an cư, lạc nghiệp”. 3 đứa trẻ được sinh lên ở mé đồi này, lớn lên, đi học và cùng ôm ấp những ước mơ về hạnh phúc, về tương lai. Hồi đó, các cụ nhà Thùy và Hoan cũng có ước hẹn về mối nhân duyên của hai người con của mình.
Tưởng các cụ đùa trong lúc có hơi men, nhưng khi chuẩn bị cho ngày ra trường, tiếng sét ái tình thực sự đã nổ ra. Hoan, chàng trai nổi trội nhất xóm Đồi có dáng vóc cao to, bờ vai rộng, gánh 60 kg ngô vượt dốc vẫn phăm phăm đã "cảm” cô bạn thân có tên thật hiền lành: Thùy. 3 năm THPT không thay đổi kiểu tóc tết thả 2 bên, dày và dài. Một người sẵn sàng đạp xe 10 km đường rừng để chỉ mang cho cô bạn thân của bạn mình bộ váy dân tộc để bạn ấy biểu diễn văn nghệ. Nhìn Hoan và Thùy cũng có người ghen tỵ đấy. Nhưng lực học của Thùy chỉ ở mức trên trung bình, nên con đường học hành cũng không rộng mở lắm. Với lại điều kiện kinh tế của bố mẹ cũng eo hẹp, vì vậy việc đi học lên là cả vấn đề. Thùy cũng là người con duy nhất, nên cô cũng thấy việc không thoát ly là điều bình thường. Còn Hoan lại hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi: học giỏi, nhiều triển vọng...
Nhưng... khi vào cuộc đời rộng lớn, với bao mối quan hệ mới, việc lựa chọn đầu tiên chưa hẳn là lựa chọn tối ưu nhất. Mấy năm học đại học Hoan vẫn tốt, chân thành với bạn bè và đủ sự tin cậy để Thùy yên tâm. Mối tình đó cũng là đề tài để mọi người xóm Đồi này bàn tán. Thùy không nghĩ nhiều, nhưng có lần nghe bố cô tặc lưỡi, bâng quơ mà phải để tâm: "Nồi nào vung ấy... phải hợp người, hợp cảnh. Không phải thích là được đâu. Cũng nên thẳng thắn nhìn nhận”. Mối tình học trò đó cũng nhạt dần theo năm tháng, nhất là khi Hoan vào một thành phố miền Trung nhận việc. Không thề thốt, hứa hẹn điều gì, nhưng Thùy cũng linh cảm thấy điều cần nên làm... Chính cô không đẩy Hoan vào thế khó khi chủ động im lặng (dù vẫn nhận đầy đủ những cánh thư). Linh cảm người mẹ đã nhận ra điều đó. Bà mẹ Hoan đã từng hỏi thẳng Thùy, cô chỉ nói: "Chúng cháu xác định là bạn thôi…”. Nói thế thôi sao trong đôi mắt cô là cả một trời buồn bã. Chiều ấy, con đường xuôi dốc sao thật dài, bước chân thõng thượt…
Nhưng rồi, nhiều năm qua bước chân của Thùy vẫn tháng đôi lần ngược dốc. Không phải vì tình yêu, không phải vì Hoan… mà còn điều gì đó lớn hơn. Chị đã có lần hỏi: "Có phải vẫn còn lưu luyến người xưa? Không sợ người đời đánh giá và đồn thổi à. Con gái cũng phải giữ giá chứ”. Thùy dứt khoát: "Không. Việc nào ra việc đó… Hai bác và bố mẹ mình còn là bạn đồng nghiệp. Hồi bố tôi nằm viện, bệnh nặng… không có 2 bác chăm và giúp đỡ, hỗ trợ thì sao qua khỏi. Hồi đó tôi mới 10 tuổi, mẹ tôi cũng yếu. Bác ấy có điều kiện hơn nhưng không bao giờ thể hiện là "bề trên” kiểu ban ơn, phân phát mà ân tình. Điều đó khiến mình quên tất cả những chuyện khác… Đến với bác nhiều mới thêm cảm nhận: đâu phải con cái cứ gửi đồ, gửi tiền về là làm bố mẹ vui, ấm lòng. Hoan thật ra cũng chưa hiểu hết bố mẹ mình… Lâu lắm chưa trở về thăm nhà…
Chị choàng vai bạn mà cảm thấy bờ vai ấy mạnh mẽ và vững vàng đến không ngờ. Hồi ấy cứ tưởng bạn buồn bã, thiếu đi sự tự tin cần thiết. "Thân gái” mà cũng lo đủ cho bố mẹ mọi điều, lại còn là điểm tựa cho nhiều người. Chị bỗng thấy mình cạn hẹp, nghĩ không hết lẽ thường của đời người khi từng hỏi, truy vấn bạn. Làm bạn lâu năm mà không hiểu hết về bạn.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/171846/ngon-doi-xanh-mau-la.htm