'Ngọn hải đăng' tỏa sáng
Là kỹ sư trẻ nhất Công ty CP Dịch vụ Khai thác Dầu khí PTSC (PPS) thuộc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), đảm nhiệm vị trí Máy trưởng tàu chứa và xử lý dầu thô FPSO Ruby II khi mới 30 tuổi, Mai Hải Đăng đã cùng các bộ phận vận hành tàu an toàn, đạt hiệu suất tối đa 100% trong 3 năm liên tiếp.
Năm 2015, kỹ sư Mai Hải Đăng vừa tròn 30 tuổi, được đơn vị tin tưởng giao trọng trách đảm nhiệm chức danh Máy trưởng - Trưởng bộ phận bảo dưỡng làm việc trên tàu chứa và xử lý dầu thô FPSO RUBY II. Năm 2020, anh cũng là người trẻ nhất PPS đảm nhiệm vị trí quản lý (OIM) tàu chứa FSO.
Ngày 5/7/2020, Hải Đăng là 1 trong 13 gương mặt dầu khí được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI. Trong khi các bạn của anh được đứng trên bục vinh danh, đeo vòng nguyệt quế, Hải Đăng vẫn đang làm nhiệm vụ ở Malaysia.
PTSC trúng thầu Dự án cung cấp và cho thuê kho nổi chứa và xuất sản phẩm dầu khí (FSO) phục vụ Dự án phát triển cụm mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt, Lô 05-1B và 05-1C. Tham gia vào Dự án hoán cải FSO, PTSC đã cử đội ngũ chuyên gia sang Malaysia để triển khai toàn bộ các công đoạn bao gồm thiết kế, mua sắm, chế tạo, lắp đặt và chạy thử. Nhóm của Hải Đăng gồm 7 người, qua Malaysia ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, nhưng do dịch Covid-19 nên từ 18/3, Malaysia đóng cửa biên giới, vì thế đến nay nhóm vẫn bám tàu ở lại Malaysia chờ lai dắt về Việt Nam.
Phải là người đi xa nhất có thể
Kỹ sư Mai Hải Đăng sinh ra tại Cà Mau, lớn lên ở Bình Phước. Khi còn là sinh viên, Hải Đăng thường nghe các thầy giáo trăn trở là sinh viên Việt Nam không có kiến thức thực tế, ra trường chỉ làm thủy thủ, thợ máy. Sự trăn trở đó thôi thúc chàng sinh viên hạ quyết tâm: “Mình không phải người giỏi nhất nhưng phải đi xa nhất có thể”. Với tâm niệm đó, khi học tập hay làm bất cứ việc gì, Hải Đăng cũng kiên trì, dù gặp khó khăn quyết không lùi bước, làm việc gì cũng bài bản và khoa học nhất có thể.
Tốt nghiệp loại ưu Trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, chỉ sau 12 tháng thực tập, Hải Đăng được Công ty Vận tải biển Teekay (công ty vận tải dầu thô lớn nhất thế giới) cấp hàm sỹ quan. Năm 2013, anh chuyển về làm kỹ sư bảo dưỡng trên tàu FPSO của MODEC Việt Nam. Năm 2014, anh được thăng chức lên làm Máy trưởng FPSO MV19 của MODEC Viet Nam, thay thế người nước ngoài. Năm 2015, anh chuyển sang làm Máy trưởng FPSO RUBY II của PPS. Năm 2019, anh được thăng chức lên làm FSO Master cho dự án mới của công ty - tàu FSO GOLDEN STAR (hiện tại tàu đang hoán cải tại MMHE Yard).
Con đường sự nghiệp đẹp như một giấc mơ ấy được biết bao người ao ước, ngưỡng mộ. Mấy ai hiểu rằng, để có được thành quả đó, Hải Đăng phải đánh đổi rất nhiều công sức. Với nghị lực và bản lĩnh thép, anh quyết sánh vai cùng các chuyên gia người nước ngoài để làm chủ công nghệ, làm chủ con tàu giữa biển khơi đầy nguy hiểm.
Đam mê sáng tạo
Người quản lý trẻ, kỹ sư Mai Hải Đăng nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và PTSC. Đó là những thành quả của lao động sáng tạo, những sáng kiến tiêu biểu như: Sáng kiến thay đổi thiết kế đường ống nước ngưng tụ hồi về két trực nhật nước nồi hơi giá trị làm lợi 360-480 triệu đồng/năm. Sáng kiến thay đổi kích thước chi tiết dẫn hướng của van một chiều nồi hơi áp lực trên tàu FPSO RUBY II, làm cho việc chuyển đổi nhiên liệu nồi hơi từ đốt dầu sang đốt khí diễn ra an toàn, nhanh chóng, tin cậy, giá trị làm lợi 240 triệu/năm.
Đặc biệt, Hải Đăng tham gia xây dựng các quy trình bảo dưỡng trên tàu FPSO RUBY II, hướng dẫn nâng cao kỹ năng bảo dưỡng, sửa chữa vận hành cho nhân sự của bộ phận bảo dưỡng trên tàu; phối hợp với các bộ phận liên quan bảo đảm công tác vận hành an toàn và vượt các chỉ tiêu khai thác khắt khe do công ty, khách hàng yêu cầu. Trong 3 năm liền (2015, 2016, 2017), hiệu suất vận hành tàu đạt 100%.
Mai Hải Đăng còn là tác giả và đồng tác giả của rất nhiều sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, nhưng với mọi người, anh luôn khiêm tốn: “Tôi chưa bao giờ là người giỏi nhất, tôi chỉ là người kiên trì, luôn phấn đấu đi xa nhất có thể”.
Tàu FSO Golden Star là dự án mới, khi đưa vào khai thác sẽ là 1 trong 4 kho chứa nổi do PPS vận hành khai thác (bao gồm FSO Biển Đông, FPSO Lam Sơn, FPSO Ruby II, FSO Golden Star). Hải Đăng chia sẻ: “Dự án này tôi có nhiều kỷ niệm nhất, vì đây là lần đầu tiên đi nhận bàn giao tàu, hơn nữa lại là vị trí FSO Master, người chịu trách nhiệm cao nhất cho hoạt động của tàu chứa sau này, cũng như cho sự an toàn của tất cả thuyền viên trên tàu chứa. Tôi cảm thấy tự hào xen lẫn áp lực”.
Với phương châm “trên đường thành công không có bước chân của kẻ lười biếng”, người quản lý trẻ ấy luôn chủ động hỗ trợ các đồng nghiệp, nhân viên phát huy sở trường, đề cao sự sáng tạo. Bởi anh cho rằng, kiến thức chuyên môn chưa đủ để đi đến thành công. Trong các cuộc họp với đội nhóm, Hải Đăng thường nhắc nhở anh em đồng nghiệp: “Không phải mình không có kiến thức, mà vì mình chưa đủ quyết tâm thôi. Kiến thức ở trường dạy rất tốt, nếu chịu khó học tập, làm việc một cách khoa học thì sẽ rất nhanh nắm bắt, làm chủ công nghệ. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều vị trí, chức danh cao vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài bởi mình chưa làm chủ được hệ thống, chưa đủ chuyên môn, chưa đủ bản lĩnh chịu trách nhiệm lớn. Vì vậy, hãy học tập không ngừng, làm việc với tinh thần hăng say nhất, thành công sẽ mỉm cười với chúng ta”.
Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/ngon-hai-dang-toa-sang-575979.html