'Ngổn ngang' trước thềm năm học mới
Hôm qua (22/8), hàng trăm ngàn học sinh đầu cấp tại TPHCM đã tựu trường, chuẩn bị cho năm học mới 2022- 2023. Tuy nhiên, còn nhiều 'ngổn ngang' trước thềm năm học mới.
Thiếu trường lớp…
Tại Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Thạnh Lộc, quận 12) khối lớp 5 của trường này đều có sĩ số trên 50, thậm chí 58 học sinh/lớp. Chưa hết, do thiếu lớp học, khoảng hơn 400 học sinh, trong đó có học sinh lớp 5 của Trường tiểu học Hà Huy Giáp phải mượn một số phòng của Trường THCS Tô Ngọc Vân (phường Thạnh Xuân) để học tập trong năm học này.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 12 cho hay, đây là các lớp học tiếng Anh tăng cường, học 2 buổi/ngày, có bán trú. Phần lớn học sinh học lớp này đông là do nhu cầu của phụ huynh quá cao. “Trường THCS Tô Ngọc Vân là trường mới xây và được đưa vào sử dụng từ năm học tới. Do chỉ mới tuyển sinh có lớp 6, nên mới có được một số phòng học cho Trường tiểu học Hà Huy Giáp mượn học tạm”, ông Hùng thông tin.
Tại huyện Bình Chánh, tính đến năm học 2022 - 2023, số học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn vào khoảng 100.000 em, tăng hơn 22.000 học sinh so với năm học trước. Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh cho hay, ở một vài xã vẫn xảy ra tình trạng căng thẳng về mặt trường lớp.
Cụ thể, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có dân số là 170.000 người, nhưng chỉ có 2 trường THCS là Đồng Đen và Vĩnh Lộc A.
“Hai trường THCS này không thể tiếp nhận hết số học sinh lớp 5 của 4 trường tiểu học cùng xã. Một số em phải bố trí sang học tại các trường THCS ở các xã khác, có những em phải đi học xa 7km”, bà Châu nói.
Các xã Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai cũng có tình trạng tương tự. Tổng số học sinh từ mầm non đến THCS của cả 3 xã này là gần 35.000 em, nhưng cũng chỉ có 5 trường THCS và 10 trường tiểu học công lập, 1 trường tiểu học ngoài công lập. Để có phòng học cho học sinh, các trường học trên cả 3 xã này phải tận dụng hết công suất phòng học, kể cả các phòng chức năng. Sĩ số trung bình của học sinh lớp 6 trên địa bàn huyện thường cao nhất 46 hay 47 học sinh/lớp.
Tương tự, tại quận Bình Tân, dự kiến số học sinh trong năm học 2022 - 2023 là 122.362 em, tăng 9.491 em ở cả hệ công lập và ngoài công lập. Trong đó, mầm non tăng 7.062 học sinh, THCS tăng 2.778 học sinh. Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho biết, số lượng học sinh bậc tiểu học trên địa bàn quận trong năm học tới này là 57.082 em, chủ yếu vẫn học ở công lập.
Theo ông Tuyên, do công tác xây và sửa chữa trường lớp chưa theo kịp với thực tế, nên tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, nhất là đối với những khối lớp áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 luôn là một áp lực đối với quận Bình Tân. Toàn quận, số lượng học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày chỉ đạt 40% và tỷ lệ này với bậc trung học cơ sở chỉ đạt 20%.
“Cá biệt, tại phường Bình Hưng Hòa A, với tỷ lệ dân số vào khoảng 120.000 dân, nhưng chỉ có duy nhất một trường THCS, 3 trường tiểu học và không có trường ngoài công lập nào, dẫn đến một số học sinh bậc THCS của phường này phải sang học tại một số trường ở địa bàn phường lân cận”, ông Tuyên nói.
…thiếu giáo viên
Việc tăng học sinh này tập trung ở một số nơi như thành phố Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Do đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.
Ông Hà Tấn Minh, chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, chỉ riêng năm học 2021 - 2022, số học sinh không có hộ khẩu tại TPHCM là 343.894. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn, học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học.
Ngoài việc học sinh tăng dẫn đến thiếu trường, lớp thì hiện nay, một số nơi gặp khó trong việc tuyển giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Về nhu cầu tuyển dụng giáo viên, ông Minh cho biết năm học 2022 - 2023, thành phố có nhu cầu tuyển 892 giáo viên khối mầm non, 2.355 giáo viên tiểu học, 1.698 giáo viên THCS và 296 giáo viên THPT.
Hiện Sở GD&ĐT TPHCM đang đặt hàng các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực này và đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các nghệ sĩ, nghệ nhân tốt nghiệp đại học về chuyên ngành để giảng dạy.
Gia Lai thiếu giáo viên trầm trọng
UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ về kế hoạch số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2023. Theo báo cáo, từ năm 2018-2021 Gia Lai đã sáp nhập giảm 84 đầu mối trường học, trong đó: sự nghiệp giáo dục đã giảm 2.300 biên chế (đạt tỉ lệ giảm 10% theo yêu cầu của Trung ương). Đáng chú ý, từ năm 2015-2021 tổng số học sinh đến trường ở các cấp học của tỉnh này tăng 43.087 học sinh (tăng 12,4% so với năm 2015) nhưng biên chế giáo viên không được bổ sung cho đủ.
Riêng đối với năm học 2022-2023 dự kiến kế hoạch các bậc học trong toàn tỉnh Gia Lai tăng 234 lớp và tăng 12.583 học sinh so với năm học 2021- 2022. Các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh cũng đã tính toán nhu cầu giáo viên cần tăng thêm cho năm học 2022 – 2023 là 4.521 giáo viên, nhân viên. Do vậy, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ bổ sung 4.481 người làm việc cho sự nghiệp giáo dục, trong đó có 3.414 giáo viên, 1.067 nhân viên, quản lý.
“Mới đây Bộ Nội vụ đã có quyết định giao cho tỉnh 1.244 biên chế. Đây là tín hiệu vui, Sở đang tiến hành các thủ tục để sớm tổ chức thi tuyển biên chế giáo viên. Tuy nhiên, năm học mới đã cận kề nên nhiều khả năng việc tuyển giáo viên bổ sung cho các lớp sẽ không kịp”, ông Lê Duy Định – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết.TIỀN LÊ
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngon-ngang-truoc-them-nam-hoc-moi-post1463765.tpo