Ngôn ngữ của loài người đã tiến hóa ra sao?

Trong cuốn sách 'The Language Puzzle', nhà khảo cổ học Steven Mithen đã trình bày những nghiên cứu của ông về cách ngôn ngữ hình thành và kiến thiết đời sống con người.

 Ảnh minh họa. Nguồn: SciTech.

Ảnh minh họa. Nguồn: SciTech.

Nhiều học giả từng cho rằng "Ngôn ngữ đã tiến hóa như nào?" là một câu hỏi quá phức tạp. Để đưa ra một lời giải đáp, các nhà khoa học có thể phải tổng hợp rất nhiều kiến thức liên ngành. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 20, con người đã bắt đầu thu thập những bằng chứng để giải thích câu hỏi lớn này.

Sự phát triển của sinh học lý giải nguồn gốc ngôn ngữ

Trong cuốn sách The Language Puzzle, nhà khảo cổ Steven Mithen đã chỉ ra rằng ngôn ngữ của loài người có những thay đổi kể từ giai đoạn phân kỳ của người hominids (thuộc chi Homo) và tinh tinh (thuộc chi Pan). Bằng chứng hóa thạch cho thấy sự khác biệt về kích thước não và hình dạng đường hô hấp giữa Homo sapiens, người Neanderthal, Homo erectus và các nhánh khác trong chi Pan.

Mithen nhận thấy bộ não lớn hơn không chỉ cung cấp nhiều tế bào thần kinh hơn mà còn tăng cường khả năng xử lý thông tin. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các kỹ năng nhận thức phức tạp như tư duy trừu tượng, ghi nhớ và giải quyết vấn đề, những yếu tố cơ bản cho việc hình thành và sử dụng ngôn ngữ.

 The Language Puzzle đã ra mắt ngày 18/6. Ảnh: Amazon.

The Language Puzzle đã ra mắt ngày 18/6. Ảnh: Amazon.

Đồng thời, sự biến đổi của cơ quan hô hấp cũng dẫn tới những ngữ âm đa dạng hơn. Một bảng màu âm thanh đặc trưng được hình thành. Theo GS Steven Mithen, đây là nguyên nhân dẫn đến các đặc trưng ngôn ngữ hiện đại ngày nay. Chẳng hạn tiếng Anh sử dụng 44 âm vị riêng biệt hay ngôn ngữ Taa của Botswana có 144 âm vị.

Cụ thể, trong quá trình tiến hóa, thanh quản của người đã hạ thấp xuống cổ họng, tạo ra một khoang họng (pharynx) rộng hơn. Sự thay đổi này làm tăng khả năng tạo ra các âm thanh phức tạp hơn, cho phép con người phát triển các âm vị đa dạng hơn. Hộp thanh quản thấp hơn cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của nguyên âm và phụ âm khác nhau, giúp hình thành các hệ thống ngôn ngữ phức tạp.

Bên cạnh đó, Sự phát triển của cơ quan hô hấp và các cơ liên quan đã cho phép con người kiểm soát hơi thở một cách chính xác hơn. Khả năng này rất quan trọng trong việc phát âm và điều chỉnh âm lượng, nhịp điệu và ngữ điệu của giọng nói. Việc kiểm soát tốt hơi thở giúp tạo ra các âm thanh đa dạng và phức tạp, góp phần vào sự phong phú và đa dạng của ngôn ngữ.

Ngôn ngữ tạo nên thế giới hiện đại

Theo tác giả của nhà khảo cổ Steven Mithen, ngôn ngữ đã đặt nền móng cho sự phát triển của loài người ở nhiều phương diện khác nhau.

“Tổ tiên của chúng ta đã chuyển từ việc tạo ra những tiếng kêu giống như vượn của Australopithecus afarensis 4 triệu năm trước, từ ngữ biểu tượng của Homo erectus 2 triệu năm trước và chuỗi âm thanh từ người Neanderthal 50.000 năm trước, đến khoảng 7.000 ngôn ngữ được nói ngày nay. Não bộ, ngôn ngữ và văn hóa vật chất đã hỗ trợ lẫn nhau tạo nên thượng tầng của thế giới hiện đại”, GS. Steven Mithen viết trong cuốn The Language Puzzle.

Tác giả cũng cho rằng ngôn ngữ là yếu tố đã kiến tạo nền nông nghiệp khoảng 10.000 năm trước. Sự phát triển của ngôn ngữ được ví như “ngã tư đường của Trái đất”, dẫn con người tới quá trình hình thành các thị trấn, nền văn minh, đế chế, cách mạng công nghiệp và toàn cầu hóa.

 Chữ người Ai Cập cổ đại. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Chữ người Ai Cập cổ đại. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Câu chuyện về ngôn ngữ của GS Mithen còn dẫn độc giả tới thời đại 10.000 năm trước. Những người săn bắn hái lượm ở Lưỡi liềm màu mỡ (vùng đất tại Lưỡng Hà và Ai Cập ngày nay) đã trở thành nông dân sau khi sáng tạo ra ngôn ngữ. Họ đã sử dụng các từ để xây dựng nhiều khái niệm. Với những cuộc trò chuyện liên tục, dù là đối thoại, ngồi lê đôi mách, diễn văn hay hội thoại, chắc chắn rằng những khái niệm mới đã xuất hiện.Từ đó dẫn đến những phát minh được tạo ra và lối sống thay đổi.

Sự hình thành và phát triển của ngôn ngữ đã có tác động sâu sắc đến các lĩnh vực quan trọng của loài người, từ giao tiếp xã hội, tri thức và giáo dục, khoa học và công nghệ, nghệ thuật và văn hóa, đến kinh tế và nhận thức. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là nền tảng cho sự tiến bộ và phát triển của toàn bộ nền văn minh nhân loại.

Dù đã trình bày nhiều kết quả nghiên cứu trong cuốn sách dày hơn 500 trang, nhà khảo cổ học Steven Mithen vẫn thừa nhận rằng việc trả lời cho câu hỏi ngôn ngữ đã tiến hóa như nào vẫn là dấu hỏi lớn của khoa học. Nguyên nhân đến từ hồ sơ hóa thạch còn thưa thớt, mô não tổ tiên đã biến mất từ lâu chỉ giúp các nhà khoa học suy luận được một lượng thông tin hạn chế về giống loài cách đây 6 triệu năm. Sự thật là một số ngôn ngữ đã có thể biến mất cùng trong lịch sử.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngon-ngu-cua-loai-nguoi-da-tien-hoa-ra-sao-post1483264.html