Ngóng chờ mùa nước nổi

Lũ tháng 8 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu hướng tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp và về cơ bản hệ thống ô bao, bờ bao đáp ứng bảo vệ sản xuất. Các chuyên gia dự báo năm nay ĐBSCL sẽ có lũ trung bình và cao hơn 2 năm qua.

Mưu sinh mùa nước nổi. Ảnh: T.N.

Mưu sinh mùa nước nổi. Ảnh: T.N.

Theo nhận định của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, lũ tại tân Châu và Châu Đốc (An Giang) trong tháng 8 có xu thế tăng với cường suất trung bình từ 3–5cm/ngày. Lũ tăng mạnh hơn vào nửa cuối tháng 8. Đến 31/8 mực nước lớn nhất dự báo đạt 2,6m tại Tân Châu, và 2,1m tại Châu Đốc.

Về lũ nội đồng, ở vùng Thượng ĐBSCL, mực nước lũ dự báo biến đổi từ 0,56 - 2,77m. Các huyện đầu nguồn phía trên như huyện An Phú, thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân của tỉnh An Giang, huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp, mực nước lớn nhất từ 1,5 - 2,77m. Các khu vực ở phía dưới mực nước ở mức thấp dưới 1,5m.

Ở vùng giữa ĐBSCL, mực nước lũ ở mức thấp và chịu tác động mạnh bởi thủy triều. Dự báo cuối tháng 8, mực nước lớn nhất biến đổi từ 0,52 -1,80m, mực nước cao biến đổi từ 1,0 - 1,8m tập trung ở khu vực ven sông chính và giáp vùng Thượng, các khu vực phía dưới và xa sông chính mực nước phổ biến dưới mức 1,0m.

Vùng ven biển ĐBSCL, mực nước lũ ở mức thấp và chịu tác động mạnh bởi thủy triều. Dự báo cuối tháng 8, mực nước lớn nhất biến đổi từ 0,47 - 1,80m, mực nước cao biến đổi từ 0,8–1,8m tập trung ở khu vực cửa sông chính và ven biển Đông, các khu vực ven biển Tây và sâu trong nội đồng mực nước thấp dưới 0,8m.

Dự báo trong tháng 10, lũ đầu nguồn sông Cửu Long khả năng đạt đỉnh, sau đó xuống dần. Từ giữa tháng 11 đến tháng 12, mực nước tại các trạm sẽ xuống nhanh và chuyển sang chế độ triều.

Mùa nước nổi ở ĐBSCL thường rơi vào tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Mùa nước nổi, có những nơi, mực nước trên các cánh đồng sâu khoảng 2 - 3m, mang về cho ĐBSCL lượng phù sa màu mỡ; cá tôm dồi dào. Khi lũ tràn về, đồng ruộng ngập mênh mông là lúc bà con tranh thủ ra đồng giăng câu, giăng lưới, kéo lưới, đặt lờ, đặt dớn. Rồi hái điên điển, bông súng để mưu sinh...

Trong những năm gần đây, khu vực này chỉ trải qua lũ nhỏ hoặc thậm chí không có lũ. Lũ thấp khiến đồng bằng đối mặt nhiều nguy cơ thiếu phù sa và cát dẫn đến gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún mặt đất. Nguồn lợi thủy sản suy giảm mạnh. Nhiều người phải bỏ miền Tây lên thành phố mưu sinh ngay trong mùa lũ.

Nguyên nhân lũ không về được các chuyên gia chỉ ra là do biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa và việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên.

Song, thông tin đáng mừng đối với người dân ở vùng ĐBSCL, năm nay có lượng mưa dồi dào hơn so với những năm trước, dự báo từ nay đến cuối năm, lượng mưa sẽ tiếp tục bổ sung đáng kể vào dòng chảy. Vì vậy, dự báo mực nước lũ năm nay sẽ cao hơn so với 2 năm gần đây.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ, nhiều người cho rằng năm nay là năm Thìn nên sẽ có lũ lớn, song điều này còn tùy thuộc vào cường độ bão. “Tôi cho rằng lũ năm nay ở ĐBSCL sẽ ở mức trung bình, cao hơn 2 năm qua, dù vậy còn tùy thuộc vào sự vận hành của các đập thủy điện” – ông Tuấn nhận định.

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam nhận định, đỉnh lũ chính vụ năm nay có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10. Đỉnh lũ chính vụ trên dòng chính khu vực đầu nguồn ĐBSCL được dự báo ở mức cao nhất đạt 3,5m tại Tân Châu - An Giang (tương đương mức báo động 1, cao hơn đỉnh lũ năm 2023 là 0,41m). Đỉnh lũ tại Châu Đốc - An Giang đạt 3,2m (cao hơn mức BĐ1 là 0,2m, xấp xỉ hoặc cao hơn đỉnh lũ năm 2023 là 0,27m).

T.H

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngong-cho-mua-nuoc-noi-10287294.html