'Ngóng' chuyển động thị trường trái phiếu sau những đại án
Mới đây, Bộ Công an khẳng định trái chủ Tân Hoàng Minh sẽ được trả lại tiền mua trái phiếu; đồng thời, cơ quan này cũng thông báo tìm kiếm bị hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát với mục đích tương tự.
Tại Kết luận điều tra vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh do Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an công bố ngày 29/9 vừa qua, đơn vị này đề nghị truy tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của tập đoàn này cùng 14 bị can.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Dũng đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) và các bị can khác, thông qua ba công ty con (Công ty Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil), phát hành 9 lô trái phiếu riêng lẻ trị giá 10.300 tỷ đồng. Công ty mẹ Tân Hoàng Minh đã mua lại hết số trái phiếu trên (trở thành trái chủ sơ cấp), rồi bán lại cho nhà đầu tư cá nhân (trái chủ thứ cấp), thu về hơn 13.972 tỷ đồng.
Quá trình phát hành 9 lô trái phiếu nói trên, các bị can được cho là đã che giấu thông tin, gian dối trong hồ sơ phát hành; “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; sử dụng tiền huy động từ trái phiếu không đúng mục tiêu cam kết trong hồ sơ phát hành… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, trong kết luận điều tra, Cơ quan Công an xác định, vụ án có 6.631 bị hại, với số tiền bị chiếm đoạt hơn 8.645 tỷ đồng và các bị can đã nộp lại toàn bộ số tiền bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt này.
Tiếp đó, tại buổi họp báo công tác quý III/2023, nhiệm vụ công tác trọng tâm quý IV/2023 do Bộ Công an tổ chức chiều 2/10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế (C03, Bộ Công an) cũng xác nhận, cơ quan này đã thu hồi toàn bộ số tiền Tân Hoàng Minh chiếm đoạt của các nhà đầu tư. Theo ông Thành, đây là vật chứng trong vụ án, khi đưa ra xét xử, nếu Tòa án tuyên Tân Hoàng Minh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sau đó, các bị hại có thể nhận lại tiền.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công an cũng vừa phát thông báo tìm kiếm bị hại trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị liên quan. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định Vạn Thịnh Phát lừa đảo 30.000 tỷ đồng của khoảng 42.000 nhà đầu tư.
Thời điểm xảy ra vụ việc Vạn Thịnh Phát, chưa đầy nửa năm sau khi vụ Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam dường như đổ sập hoàn toàn do khủng hoảng niềm tin nặng nề. Nhiều doanh nghiệp vừa không phát hành được trái phiếu mới vừa chịu sức ép trả nợ do hàng loạt trái chủ yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn.
Liên thông với nó, hàng loạt cú sụt giảm kinh hoàng đã diễn ra trên thị trường cổ phiếu hồi tháng 11/2022. Thị trường bất động sản cũng gần như tê liệt từ quý III/2022 tới nay. Bởi vậy, chuyển động của các đại án Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát thu hút sự quan tâm của thị trường.
Vậy khi nào, các nhà đầu tư - những nạn nhân trong các vụ án trên được trả lại tiền? Theo luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, sau khi trải qua quá trình xét xử sơ thẩm (và phúc thẩm, giám đốc thẩm - nếu có), Tòa án sẽ có phán quyết cuối cùng về cả vấn đề hình sự và dân sự của vụ án. Các bị hại cần làm đơn đề nghị thi hành án dân sự theo bản án đã tuyên, gửi cơ quan thi hành án để có căn cứ thi hành án bồi thường.
Vị luật sư nói thêm, hiện vụ án Tân Hoàng Minh mới kết thúc giai đoạn điều tra, cần phải trải qua hai giai đoạn truy tố và xét xử thì mới kết luận được là có bao nhiêu bị hại, mỗi bị hại bị chiếm đoạt bao nhiêu tiền, trách nhiệm pháp lý liên quan như thế nào…
TS. Phan Phương Nam, Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM cho biết, về nguyên tắc, khi bị hại của vụ án có đơn đề nghị đền bù dân sự thì Tòa án sẽ yêu cầu chứng minh yếu tố lỗi và mức thiệt hại rồi tuyên mức bồi thường. Việc đền bù dân sự có thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào khả năng của người phải thi hành án. Trong vụ án này, Tân Hoàng Minh đã nộp lại toàn bộ số tiền hơn 8.645 tỷ đồng bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt, nhưng cần lưu ý rằng, doanh nghiệp này còn nhiều trách nhiệm khác phải khắc phục chứ không chỉ bồi thường nhà đầu tư.
“Dù sao đây cũng là một tín hiệu tốt. Nhà đầu tư trái phiếu kỳ vọng những vụ đại án xảy ra trên thị trường vốn sẽ sớm được đưa ra xét xử, từ đó có cơ sở để cơ quan thi hành án buộc các bị cáo phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại, lấy lại niềm tin và sự minh bạch trên thị trường”, ông Nam nói.