Ngóng Tết

Năm nào cũng vậy, tuần học giáp Tết Nguyên đán, giáo viên luôn nhận được những câu hỏi xoay quanh thời gian nghỉ Tết của học trò.

Học sinh tham gia hoạt động mừng xuân trước kỳ nghỉ Tết. Ảnh: L.T.

Học sinh tham gia hoạt động mừng xuân trước kỳ nghỉ Tết. Ảnh: L.T.

- “Cô ơi, sắp nghỉ Tết chưa?”; “Tết được nghỉ lâu không cô?”.

Năm nào cũng vậy, tuần học giáp Tết Nguyên đán, giáo viên luôn nhận được những câu hỏi xoay quanh thời gian nghỉ Tết của học trò. Chúng hỏi ngay cả khi nhà trường đã công bố lịch nghỉ Tết. Dường như hỏi chỉ là cái cớ để chúng được nhắc đến Tết, được sống trong tâm trạng háo hức, trông ngóng, chờ đợi Tết.

Hiểu được tâm trạng “ngóng Tết” của học trò, tiết sinh hoạt của lớp 12a4, tôi quyết định cho các em “tọa đàm” về Tết. Nói là tọa đàm cho trang trọng chứ thực ra tôi cho các em ngẫu hứng bày tỏ cảm nhận của mình về ngày Tết cổ truyền. Không khí lớp háo hức, sôi nổi, rộn ràng hẳn lên.

Tôi bắt đầu dẫn dắt: “Có ý kiến cho rằng nên bỏ Tết Nguyên đán để hội nhập”, các em có đồng tình không? Gần như ngay tức khắc, 45 cánh tay đồng loạt giơ lên xin được phát biểu, vừa giơ cao cánh tay, chúng vừa nhao nhao: “Không đồng tình”; “Không thể bỏ”. Đây chính là điều tôi hướng đến.

Tôi nêu ra ý kiến “bỏ Tết” khi học trò đang từng ngày, từng giờ “ngóng Tết”, hiển nhiên chúng sẽ phản biện quyết liệt. Trong khí thế hừng hực, học trò của tôi đưa ra quan điểm về ngày Tết cổ truyền một cách chân thực chứ không màu mè, sách vở, hoa mỹ.

Cánh tay giơ cao nhất, thằng Nhã như nhổm cả người lên để giành được phát biểu trước. Nó là thằng hoạt ngôn, hay nói, hay cười nhất lớp và đương nhiên cũng hay mắc lỗi mất trật tự nhất trong các giờ học. “Mời Nhã”, tôi gọi nó phát biểu đầu tiên.

Như chỉ chờ có vậy, nó đứng thẳng người lên dõng dạc: “Thưa cô em không đồng tình ạ. Bởi vì Tết Nguyên đán là ngày học sinh chúng em được nghỉ học ạ. Chúng em mong đợi lâu rồi nên không thể bỏ ạ”. “Biết ngay mà những thằng láu táu là những thằng nghĩ chưa sâu”.

Tôi thầm nghĩ vậy, rồi vui vẻ tiếp tục: “Các em thấy ý kiến bạn Nhã thuyết phục chưa?”; “Chưa ạ, chưa ạ”. “Em, cô ơi”. Tôi đưa mắt một lượt quanh lớp, dường như số lượng cánh tay giơ lên đã giảm đi. Nhiều đứa bắt đầu thấy cần suy nghĩ thấu đáo hơn để tránh đưa ra câu trả lời hời hợt như Nhã. Những lời trao đổi, bàn tán bắt đầu râm ran, đã có nhiều cái đầu chụm lại, nói, gật, lắc…

Trên dãy bàn đầu, Bình “ngủ gật” hôm nay lại tỉnh như sáo. Nó vẫn giữ nguyên khí thế ban đầu, cánh tay giơ thẳng, mở to đôi mắt dấp dính mọi ngày nhìn thẳng về phía cô. Chả mấy khi trò “ngủ gật” tỉnh, lại còn xung phong phát biểu. Tôi hồ hởi: “Mời ý kiến của Bình”.

Bình tự tin đứng lên, dứt khoát hất tay đứa bên cạnh đang níu nó ngồi xuống suy nghĩ thêm. Hành động của nó kiểu như: “Kệ tao, tao có chính kiến của tao”. Nó cất giọng ồ ồ của thằng con trai vỡ giọng muộn: “Em thưa cô, không thể bỏ Tết được vì em không có tiền mừng tuổi”.

Cả lớp cười vang. Thấy vậy, nó càng ra sức giải thích: “Tớ nói có sai đâu, không có Tết lấy đâu tiền mừng tuổi, không có Tết cũng không được đi làm tóc, mua giầy mới, quần áo mới”. Lần này thì cả lớp cười nghiêng ngả. Đúng là tư duy của Bình “ngủ gật”, cơ mà ngẫm ra nó phát biểu chân thực đấy chứ.

Cuối lớp, Phát, cậu học trò điềm đạm học khá đều tất cả các môn, vẫn kiên định giơ tay dù cậu chẳng vồn vã “em, em” như các bạn khác. “Mời ý kiến của bạn Phát” tôi như vô tình lướt qua, vô tình gọi.

Phát đứng lên thong thả nói: “Em thưa cô, em không đồng tình ạ. Hội nhập với thế giới thể hiện ở nhiều khía cạnh, chứ không phải cứ vứt bỏ cái ta có, chỉ vì thế giới không có mới là hội nhập. Tết Nguyên đán là nét văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam, gìn giữ Tết là gìn giữ văn hóa dân tộc.

Mặt khác, ngày Tết là dịp gia đình sum vầy, những bạn trẻ như chúng em thấy được giá trị của tình cảm gia đình. Khi con người biết yêu gia đình, họ sẽ yêu quê hương, yêu đất nước. Bởi vậy, theo em chúng ta nên giữ Tết Nguyên đán”. Phát nói dứt câu, cả lớp vỗ tay rào rào hưởng ứng.

 Cô trò lớp 12a4 Trung tâm GDTX tỉnh Bắc Ninh 'tọa đàm' sôi nổi về Tết Nguyên đán. Ảnh: Vũ Huế.

Cô trò lớp 12a4 Trung tâm GDTX tỉnh Bắc Ninh 'tọa đàm' sôi nổi về Tết Nguyên đán. Ảnh: Vũ Huế.

Thành ngồi bên cạnh thì nói thật to để bày tỏ sự đồng tình: “Đúng rồi, Tết còn đi viếng mồ mả tổ tiên, đi chơi, đi chúc Tết họ hàng, các bác các bủng”. Cả lớp lại cười khoái trá: “Các bủng là gì Thành ơi”. Thành gãi gãi đầu giải thích: “Thì là đi thăm họ hàng đấy”.

Chờ cho không khí lớp lắng xuống, tôi tiếp tục: “Mời ý kiến tiếp theo?”. Dường như cả lớp đã thấy hài lòng với ý kiến của Phát. Mà không hài lòng sao được khi từ văn hóa Tết, Phát đã đề cao tình yêu gia đình, tình yêu quê hương và trên hết là tình yêu đất nước. Không nhao nhao giơ tay như lúc đầu nhưng chúng lại nhao nhao nói: “Bạn Phát nói đúng rồi ạ, bọn em giống ý kiến bạn Phát”.

Bỗng Ánh, cô học trò có tâm hồn mơ mộng đứng lên: “Em thưa cô, em có ý kiến. Em đồng tình với bạn Phát nhưng ý kiến của bạn chưa đủ ạ. Theo em, Tết còn đem đến cho con người một tâm hồn đẹp, nhờ có Tết con người biết hướng đến vạn vật, biết quan tâm đến tất cả những gì diễn ra xung quanh mình.

Như cả tuần nay, khi đi học trên con phố bán buôn ngập tràn đào, quất em thấy yêu con phố ấy hơn. Em như thấy được mồ hôi công sức của người làm vườn sau vẻ đẹp yêu kiều của những bông hoa, chậu cảnh, để em biết nâng niu, trân trọng từng gốc cây mà họ trồng ra.

Nếu không có Tết, em khó nhận ra điều hiển nhiên ấy. Tết về, khắp nơi trên dải đất hình chữ S của chúng ta diễn ra nhiều hoạt động chung tay chia sẻ “Tết yêu thương” đến những hoàn cảnh khó khăn. Em như thấy ánh mắt rưng rưng của người mẹ bệnh nhân tâm thần khi đón nhận gói quà Tết từ tay đội tình nguyện. Gói quà không có giá trị nhiều về vật chất nhưng nó đem lại giá trị to lớn về tinh thần.

Sự ấm áp, đồng cảm của cộng đồng, giúp người mẹ bệnh nhân được tiếp thêm hy vọng trong hành trình tìm lại nét tinh anh trong ánh mắt ngây dại của đứa con. Tết cho chúng em biết cảm nhận, mở lòng, thấu hiểu và sẻ chia. Tết cho chúng em tâm hồn lương thiện. Bởi tất cả những điều đẹp đẽ ấy, nên em không đồng tình với quan điểm bỏ Tết Nguyên đán ạ”.

Ý kiến của Ánh khiến không khí lớp có phần lắng đọng. Có gì đó len lỏi vào sự vô tư, hồn nhiên của bọn chúng. Có thể là sự đồng cảm với nỗi vất vả người làm vườn, có thể là sự cảm thương người mẹ bệnh nhân tâm thần…

Thời gian tiết học không còn nhiều, tôi lên tiếng để chốt lại. “Đứng trước một vấn đề đặt ra sẽ có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Quan trọng là khi đưa ra quan điểm của mình các em phải có kiến thức, phải lập luận, lý giải, thuyết phục được người khác.

Giống như hôm nay, các em đã thuyết phục được cô đồng tình với quan điểm của các em “Không bỏ Tết Nguyên đán”. Cả lớp vỗ tay hỉ hả. Đúng lúc, tiếng trống hết tiết học vang lên. Tôi tin học trò của tôi đã có những giây phút vui vẻ và suy nghĩ trưởng thành hơn từ chính tiết học “ngóng Tết” ngẫu hứng ấy.

Vũ Thị Huế (Giáo viên Trung tâm GDTX tỉnh Bắc Ninh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngong-tet-post716217.html