Ngợp điểm 10, lo nhiều hơn mừng
Để đạt được điểm tuyệt đối thì đương nhiên tất cả điểm thường xuyên (vấn đáp, thực hành, viết), điểm định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) đều đạt điểm 10.
Khi tham khảo bảng điểm một số môn học ở một trường trung học cơ sở, tôi không tin vào mắt mình bởi nhiều lớp có điểm trung bình môn đều trên 9,0 điểm và điểm 10 tuyệt đối rất nhiều. Để đạt được điểm tuyệt đối thì đương nhiên tất cả điểm thường xuyên (vấn đáp, thực hành, viết), điểm định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) đều đạt điểm 10.
Tất nhiên có những em giỏi thực sự và đạt được điểm này nhưng gần cả lớp đạt được điểm trung bình môn tuyệt đối thì nó không còn bình thường nữa. Bởi lẽ, trường tôi tham khảo bảng điểm không phải là trường chuyên, trường điểm, chỉ là trường huyện, nơi mà điều kiện kinh tế còn có những khó khăn. Điều kiện giảng dạy và học tập còn nhiều thiếu thốn, hạn chế.
Vì thế, điểm cao không phải là điều đáng mừng mà đó là nỗi trăn trở của nhiều người bởi vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà một bộ phận giáo viên quá hào phóng trong việc đánh giá, cho điểm học trò. Từ đây, rất khó có thể đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh. Việc hướng nghiệp cho học sinh cũng gặp khó khăn vì điểm số của học sinh cao ngất ngưởng.
Hướng dẫn việc đánh giá, xếp loại học lực hiện nay ra sao?
Theo hướng dẫn của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục đang áp dụng cho học sinh lớp 9 và lớp 12 (các em đang học Chương trình 2006) ở năm học này thì việc xếp loại học sinh có 5 loại.
Loại giỏi, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau: Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường trung học phổ thông chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên; Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5; Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ (Đạt).
Loại khá, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau: Điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 6,5 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường trung học phổ thông chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 6,5 trở lên; Không có môn học nào điểm trung bình dưới 5,0; Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
Loại trung bình, nếu có đủ các tiêu chuẩn: Điểm trung bình các môn học từ 5,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 5,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường trung học phổ thông chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 5,0 trở lên; Không có môn học nào điểm trung bình dưới 3,5; Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
Loại yếu: Điểm trung bình các môn học từ 3,5 trở lên, không có môn học nào điểm trung bình dưới 2,0. Loại kém: Các trường hợp còn lại.
Cuối học kỳ hoặc cả năm học, nếu đạt hạnh kiểm loại tốt và học lực loại giỏi sẽ đạt danh hiệu Học sinh Giỏi. Những học sinh đạt danh hiệu Học sinh Tiên tiến thì cuối học kỳ hoặc cả năm học, nếu đạt hạnh kiểm từ loại khá trở lên và học lực từ loại khá trở lên.
Đối với các lớp 6,7,8,10,11 đang thực hiện chương trình 2018 đang thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Học lực của học sinh sẽ có 4 mức: tốt; khá; đạt; chưa đạt.
Mức Tốt: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt; Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có ĐTBmhk, ĐTBmcn đạt từ 8,0 điểm trở lên.
Mức Khá: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt; Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có ĐTBmhk, ĐTBmcn đạt từ 6,5 điểm trở lên.
Mức Đạt: Có nhiều nhất 01 (một) môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt; Có ít nhất 06 (sáu) môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 5,0 điểm trở lên; không có môn học nào có ĐTBmhk, ĐTBmcn dưới 3,5 điểm.
Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.
Cuối học kỳ, cuối năm học, học sinh nếu đạt các điều kiện sẽ được khen thưởng theo các danh hiệu: Học sinh Xuất sắc; Học sinh Giỏi.
Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có ĐTBmcn đạt từ 9,0 điểm trở lên.
Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt. Khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.
Với những hướng dẫn về đánh giá, xếp loại, khen thưởng học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông như vậy, chúng ta thấy có nhiều ràng buộc, điều kiện và nếu được đánh giá thật, chính xác thì danh hiệu Học sinh Giỏi; Học sinh Xuất sắc sẽ không nhiều- nhất là những trường không thuộc trường chuyên, lớp chọn.
Học sinh giỏi (tốt) nhiều có đáng mừng không?
Nhìn chung, dạy chương trình, học chương trình nào thì điểm trung bình môn cuối học kỳ, cuối năm học của học sinh vẫn luôn có điểm cao ngất ngưởng. Nhiều môn học có đến trên dưới 90% học sinh được xếp loại học lực giỏi (tốt).
Nếu học sinh giỏi thực sự thì đây là điều đáng mừng. Nhưng, thực tế cho thấy nhiều trường không phải là trường chuyên, lớp chọn thì tỉ lệ học sinh giỏi (tốt) quá cao là điều không bình thường. Giáo viên vẫn gọi đây là điểm "ảo" vì chạy theo thành tích.
Áp lực thành tích theo phương châm năm nay phải bằng và cao hơn năm trước. Nếu không đạt được tỉ lệ học sinh giỏi (học lực tốt) bằng hoặc cao hơn năm trước cũng đồng nghĩa tổ chuyên môn, giáo viên sẽ bị ảnh hưởng trong việc xét thi đua.
Thời gian qua, điểm số, xếp loại học lực của học sinh cao thường xuất hiện ở các trường trung học phổ thông chuyên vì đầu vào thường được tuyển chọn gắt gao. Những em thi đậu vào trường chuyên vẫn thường là những học sinh giỏi.
Những trường trung học phổ thông không chuyên thường có điểm đầu vào thấp, thậm chí là nhiều trường có tỉ lệ chọi thấp nên thực hiện tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Những học sinh trung học cơ sở thì tuyển đầu vào nhẹ nhàng hơn nhiều. Đa phần các em hoàn thành chương trình tiểu học là được tuyển sinh. Chỉ một số trường ở những đô thị lớn mới thực hiện hình thức khảo sát đầu vào.
Thế nhưng, điều nghịch lí là nhiều học sinh trường thường thường bậc trung nhiều khi điểm lại cao hơn nhiều học sinh trường chuyên. Bởi lẽ, dù học cùng 1 chương trình như nhau nhưng thông thường đề kiểm tra ở các trường chuyên vẫn thường khó hơn. Người viết được biết, nhiều trường chuyên học sinh luôn cạnh tranh nhau để đạt được học bổng trong lớp nên có lẽ việc đánh giá, xếp loại cũng chặt chẽ và chính xác hơn.
Trong khi đó, nhiều trường trung học phổ thông không chuyên hoặc nhiều trường trung học cơ sở hiện nay, giáo viên đang cho điểm khá hào phóng. Nhiều môn học chủ yếu là điểm 9, điểm 10.
Nhiều môn học hiện nay giáo viên cho trắc nghiệm 100% khi kiểm tra thường xuyên, khi kiểm tra định kỳ thì điểm trắc nghiệm cũng chiếm tới 6-7 điểm/ thang điểm 10.
Nhiều giáo viên làm sẵn câu hỏi cho học trò từ trước, đến tiết ôn tập học kỳ cho học sinh cùng làm “nháp”. Đề cương và đề kiểm tra gần như giống nhau, chỉ khác đề cương có thêm vài câu trắc nghiệm, đề kiểm tra chính thức bớt đi vài câu trắc nghiệm.
Vì thế, nhiều học sinh chẳng cần học nhiều, trong phòng kiểm tra chỉ cần một vài em học tốt sẽ nhân bản đáp án đúng ra cả phòng. Các em khác chỉ cần nhìn bạn ngồi bên cạnh khoanh tròn đáp án hoặc viết vài chữ cái vào ô đáp án trên bài làm là đạt điểm tuyệt đối phần trắc nghiệm.
Phần tự luận thì cũng giới hạn ngắn gọn, giáo viên đã “ôn” trong tiết ôn tập kĩ lưỡng và yêu cầu học sinh học thuộc. Một khi điểm học sinh cao, dẫn đến xếp loại cao, cuối học kỳ, cuối năm được khen thưởng dẫn đến một bộ phận học sinh không biết mình hạn chế ở chỗ nào.
Đối với phụ huynh thấy con em mình điểm cao như vậy thì mừng nên khi được nhà trường, giáo viên chủ nhiệm tư vấn hướng nghiệp thì chẳng mấy phụ huynh muốn con em mình học trường nghề. Vì thế, công tác hướng nghiệp luôn gặp khó khăn.
Nếu không có những định hướng đúng đắn, các trường, tổ bộ môn, giáo viên mải mê với điểm ảo, với bệnh thành tích sẽ tạo ra những hệ lụy khó lường cho tương lai. Nhìn học sinh điểm cao không phải giáo viên, phụ huynh nào cũng mừng mà nhiều khi cảm thấy lo lắng cho những môn học mà gần như cả lớp đều có điểm thường xuyên và định kỳ đều đạt điểm tuyệt đối.
Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ngop-diem-10-lo-nhieu-hon-mung-post240254.gd