Ngư dân chuẩn bị vào vụ bấc
Đã bước sang tháng 10 ÂL, gió mùa đông bắc thổi, báo hiệu vụ cá bấc của ngư dân trong tỉnh sắp bắt đầu. Đây cũng là vụ đánh bắt chính trong năm, tuy sản lượng không nhiều như vụ cá nam, nhưng thu hoạch được nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao dẫn đến thu nhập của ngư dân cũng khấm khá hơn.
Vụ cá nam thuận lợi
Những ngày đầu tháng 11/2023, tại cảng cá Cồn Chà, cảng cá Phú Hải (TP. Phan Thiết), không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp, vận chuyển hải sản lên xuống như 1 tháng trước đó. Thêm thông tin dự báo có gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển khiến hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ nằm san sát dọc sông Cà Ty những ngày qua. Năm nào cũng thế, tới mùa biển động, ngư dân lại tranh thủ kéo tàu thuyền lên ụ tu sửa, vá lại lưới, mua sắm ngư thiết bị cần thiết và nghe ngóng thời tiết cho chuyến biển trong vụ bấc.
Tàu thuyền neo đậu chưa dám vươn khơi vì thời tiết bất lợi.
Ngư dân Lê Phước (phường Đức Thắng) chia sẻ: “Từ giữa tháng 3 đến nay, thời tiết và ngư trường khá thuận lợi nên hầu hết tàu thuyền lớn nhỏ đều vươn khơi, đánh bắt hải sản. Dù đã cuối vụ cá nam, nhưng sản lượng hải sản từ tháng 6 đến nay khá nhiều, nên ngư dân trong tỉnh tranh thủ đi đánh bắt. Tàu tôi hành nghề giã cào, năm nay sản lượng có nhưng giá hải sản lại rẻ hơn mọi năm. Vì thế, sau mỗi chuyến biển tầm 7 – 10 ngày, bạn thuyền được chia từ 6 - 8 triệu đồng/người, so với mấy năm trước thì thu nhập không cao bằng. Mấy ngày qua nghe dự báo có gió mạnh trên biển, nên tôi tranh thủ kiểm tra, sửa chữa tàu thuyền bảo đảm an toàn, chờ thời tiết thuận lợi lại tiếp tục ra khơi”.
Vụ cá nam sản lượng hải sản nhiều nhưng không được giá.
Đang ngồi vá lưới trong cảng cá Phú Hải, anh Lê Văn Thành – phường Phú Hài cho biết: Vụ cá bấc năm nào thời tiết cũng khắc nghiệt, thường có bão do đó, để chuyến biển ra khơi an toàn, việc kiểm tra, tu sửa máy móc là hết sức cần thiết. Ở vụ khai thác này, các nghề như lồng bẫy, rê đáy, pha xúc, lưới rút… là hoạt động chính vì đa số khai thác các loại cá tầng đáy có giá trị kinh tế hơn vụ cá nam như: cá thu, cá ngừ… Nếu bình quân mỗi chuyến biển từ 10 - 15 ngày trúng phải luồng cá, khai thác được 3 - 4 tấn sẽ giúp ngư dân thu về khoảng 300 - 400 triệu đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi cạn kiệt, giá nhiên liệu lại tăng, nên ngư dân phải tính toán kỹ và khuyến khích đi đánh bắt theo tổ đoàn kết, nếu may mắn gặp phải luồng cá lớn thì ngư dân sẽ lãi to.
Qua theo dõi thông tin thời tiết, dự báo từ 13/11 và những ngày tiếp theo sẽ có gió mạnh, khu vực ngoài khơi và huyện đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, nên anh Thành thông tin cho anh em trong tổ đoàn kết dời ngày vươn khơi. Kéo dài từ tháng 10 ÂL năm trước đến tháng 3 ÂL năm sau, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, nhưng vụ cá bấc vẫn được ngư dân trong tỉnh xem là vụ chính trong năm, bởi trời càng động, những đàn cá nổi và nhiều loại cá tầng đáy có giá trị kinh tế cao thường xuất hiện nhiều.
Ngư dân tranh thủ vá lại lưới, tu sửa máy móc để chuyến biển an toàn, hiệu quả.
Tạo đà cho vụ bấc bội thu
Nhiều ngư dân trong tỉnh chia sẻ, vụ cá nam vừa qua được đánh giá là thuận lợi về thời tiết lẫn ngư trường. Không chỉ trúng cá cơm, các nghề truyền thống như vây rút chì, mành đèn, mành chà cũng trúng đậm cá bạc má, cá chỉ, cá nục gai, nục sồ… Tuy nhiên, sản lượng lại tỷ lệ nghịch với giá cả, nên trừ hết phí tổn, ngư dân chẳng lời được bao nhiêu sau mỗi chuyến biển. Do vậy, họ đã sẵn sàng tâm thế vươn khơi đón đầu vụ cá bấc với niềm tin cá tôm sẽ đầy khoang, kéo dài đến cuối năm để ngư dân đón cái Tết Nguyên đán ấm no, đủ đầy.
Ngư dân hy vọng vu bấc, cá cũng đầy khoang như vụ cá nam với nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao.
Theo Sở NN&PTNT, bên cạnh việc tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản đã phối hợp thường xuyên tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân về các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất, hiệu quả và nâng cao giá trị các sản phẩm khai thác. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017. Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo không theo quy định (IUU) thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa Bình Thuận với các tỉnh và lực lượng chức năng (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) trong công tác quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Các quy định về khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo đảm an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động khai thác trên biển. Khuyến khích các chủ tàu khai thác xa bờ mở thiết bị hành trình VMS 24/24 và đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ lẫn nhau khi thời tiết biến động…
Vụ cá bấc vẫn được ngư dân trong tỉnh xem là vụ chính trong năm.
Theo Sở NN&PTNT, tổng số tàu cá đã cấp đăng ký đến 30/9/2023 là 5.940 chiếc, trong đó tàu cá có chiều dài 15m trở lên là 1.958 chiếc. Từ giữa tháng 3/2023 đến nay, thời tiết và ngư trường thuận lợi hơn, hầu hết tàu thuyền khai thác đánh bắt hoạt động hiệu quả. Sản lượng thủy sản ước cả năm 2023 đạt 233.000 tấn/kế hoạch 210.000 tấn (111% KH), bằng 100,7% so năm 2022.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ngu-dan-chuan-bi-vao-vu-bac-114666.html