Ghi nhận của phóng viên ngày 25/9, dọc theo tuyến đường Võ Nguyên Giáp ở phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) có hàng trăm tàu, thuyền và phương tiện đi biển khác được ngư dân hối hả đưa lên bờ để phòng, chống trước khi bão Noru có thể vào gây thiệt hại.
Thuyền, thúng được ngư dân để úp, dọc ven biển.
Ngoài việc các ngư dân tự giúp đỡ nhau thì một số đã gọi xe cẩu để không tốn sức, nhanh chóng đưa tàu, thuyền vào sâu trong khu dân cư.
Theo các ngư dân, việc thuê xe cẩu đưa tàu, thuyền, thúng vào bờ có giá từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/chiếc.
Một chiếc thuyền của ngư dân được xe cẩu hạ xuống dọc tuyến đường ven biển để tránh bão vào có thể gây thiệt hại.
Ngư dân Ngô Văn Ông cho biết: Giống như mọi năm, khi có tin từ chính quyền thành phố Đà Nẵng thông báo sắp có bão thì ông và gia đình nhanh chóng gọi xe cẩu đưa tàu vào bờ chèn chống kĩ. Để đưa tàu vào bờ mất gần 1 triệu đồng, dù tốn kém nhưng yên tâm tài sản không thiệt hại khi có bão. Từ hôm qua đến nay, mọi người đưa phương tiện vào bờ rất nhiều.
Nhằm chủ động đối phó với diễn biến của bão, UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Theo đó, tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng đối phó với bão.
UBND các quận, huyện, đặc biệt các quận ven biển tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân trong thiên tai, nhất là tại các khu vực trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố…
Chỉ đạo lực lượng của địa phương phối hợp với các lực lượng quân đội, công an hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn; sẵn sàng triển khai các lực lương, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để tổ chức phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra.
Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết. Khuyến cáo người dân thu hoạch sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tiếp tục thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn; chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Đà Nẵng, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh bão đã được quy hoạch; khẩn trương di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.
Công an thành phố phối hợp với các đơn vị, địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện các giải pháp, biện pháp, bố trí lực lượng thường trực phòng cháy, chữa cháy khi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, không để xảy ra tai nạn, cháy nổ.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức chốt chặn ở những vị trí nguy hiểm, ngập sâu trên các tuyến giao thông cầu, đường quan trọng để bảo đảm an toàn; tổ chức bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tài sản của Nhà nước và nhân dân tại các khu vực trọng điểm, các khu vực sơ tán dân đi và dân đến. (Trong ảnh, ngoài tàu, thuyền, thúng thì các phương tiện đánh bắt hải sản khác của ngư dân cũng đã được đưa lên bờ tránh bão có thể vào gây thiệt hại).
Video ngư dân Đà Nẵng đưa phương tiện vào bờ phòng chống bão:
Văn Luận