Những ngày gần đây lượng sò huyết từ ngoài khơi rồi dạt vào khu vực ven biển xã Cương Gián rất nhiều.
Mặc dù mưa rét nhưng thời điểm này, người dân tại xã Cương Gián và các xã lân cận ở huyện Nghi Xuân tranh thủ ra biển vớt "lộc trời".
Vật dụng người dân dùng để đánh bắt chủ yếu là dùng bằng vật dụng thủ công, tự chế.
Trung bình mỗi ngày một người có thể vớt được khoảng hơn 1 tạ sò. Theo người dân nơi đây giá sò được bán từ 15-20 ngàn đồng/kg.
Anh Bùi Văn Hạnh SN 1972 (trú tại thôn Đại Đồng, xã Cương Gián) cho biết, loại sò này nằm sâu dưới đáy biển, hiếm khi đánh bắt được. Do ảnh hưởng của bão số 8 vừa qua nên dòng nước bị thay đổi khiến sò này trôi dạt vào bờ.
Được biết, thời điểm sò bị trôi dạt vào nhiều nhất là lúc rạng sáng từ 3h đến 5h.
Sau khi ngư dân vớt sò từ ngoài biển vào sẽ được người thân trên bờ phân ra từng loại.
Sau khi thu gom, phân loại, sò huyết sẽ được người dân bán cho thương lái hoặc sử dụng trong gia đình.
Sò huyết là loại nhuyễn thể hai mảnh, sống ở vùng trung triều ven biển và các đầm phá... ở độ sâu 1-2 mét so với mặt nước.
Sò huyết có giá trị dinh dưỡng cao, bổ máu, được chế biến thành nhiều món ăn như sò luộc, sò hấp, bò xào sò huyết, cháo sò huyết... Những món ăn này còn có tác dụng chữa bệnh tốt như tăng huyết áp, suy nhược cơ thể, lao phổi.
Ngư dân Hà Tĩnh ra biển vớt "lộc trời" sau bão