Ngư dân Sa Huỳnh gặp khó

Hiện đang là vụ biển chính trong năm, nhưng tại cảng cá Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) lại vắng lặng, đìu hiu. Nguyên nhân là do luồng lạch bị cát bồi lấp, khiến tàu thuyền không thể cập cảng.Có cảng nhưng không về được

Những ngày này, tại cảng cá Sa Huỳnh - một trong 4 cảng cá lớn của tỉnh rất vắng lặng. Trên bờ, chỉ có vài người đang sửa chữa lại con tàu nhỏ chuyên đánh bắt gần bờ. Dưới biển, một số ngư dân chuẩn bị các vật dụng để đợi khi thủy triều lên sẽ điều khiển tàu ra khỏi luồng lạch, đi đánh bắt cá ở vùng lộng.

Ngư dân Nguyễn Văn Tín, ở phường Phổ Thạnh chia sẻ, nhà ở sát cảng cá Sa Huỳnh nhưng sau mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt, tàu tôi không thể chở cá về cảng gần nhà để bán. Neo đậu tàu ở các tỉnh khác, chúng tôi phải tốn tiền thuê người trông coi nhưng vẫn không yên tâm. Đó là chưa kể, mỗi lần muốn sơn sửa lại tàu, tôi phải thuê thợ từ quê ra vì thuê người quen sẽ tin tưởng hơn.

Tàu cá công suất lớn không về được cảng Sa Huỳnh, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh bị giảm sút. Ảnh: HỒNG HOA

Tàu cá công suất lớn không về được cảng Sa Huỳnh, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh bị giảm sút. Ảnh: HỒNG HOA

Phường Phổ Thạnh hiện có khoảng 1.300 tàu cá nhưng chỉ có khoảng 400 - 500 chiếc cập cảng cá Sa Huỳnh để bán cá và sửa chữa tàu, làm nước (bao gồm tàu cá của tỉnh Bình Định). Hầu hết tàu công suất lớn trên 200CV không thể cập cảng. Diện tích cảng cá vốn đã hẹp nay lại càng hẹp hơn khi những năm gần đây, người dân ở khu vực ven cảng đã tự thả bè nuôi cá, hàu, giăng kín nhiều khu vực mặt nước dành cho tàu cá neo đậu. Có nhiều trường hợp tàu cá di chuyển va quệt vào các lồng bè nuôi thủy sản, dẫn đến cãi vã, gây mất an ninh trật tự. Trong khi đó, cảng cá Sa Huỳnh có chức năng là nơi neo đậu tàu thuyền, đồng thời là điểm xác nhận nguồn gốc thủy sản cho hàng nghìn tàu cá xa bờ và gần bờ của ngư dân phường Phổ Thạnh và các địa phương khác.

Dịch vụ hậu cần nghề cá gặp khó

Nhiều năm trước, Hợp tác xã (HTX) Viễn Đông Sa Huỳnh từng là nơi sửa chữa, đóng mới tàu thuyền sôi động ở phía nam của tỉnh. Thế nhưng, từ ngày cửa biển bị bồi lấp nặng, tàu lớn không về cảng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX dần sa sút. Trên các triền đà, không còn cảnh tấp nập tàu thuyền lên xuống sửa chữa, làm nước. Trong khuôn viên của HTX hiện nay, ngoài 2 chiếc tàu cũ đang được thợ sửa chữa thì còn 3 chiếc tàu công suất lớn khác đã nằm chờ thanh lý 6 năm nhưng vẫn chưa xong. Hiện các con tàu này đã mục nát, chỉ có thể bán phế liệu.

Giám đốc HTX Viễn Đông Sa Huỳnh Nguyễn Hoài Nam cho biết, trước đây, mỗi ngày có vài chục chiếc tàu được kéo lên bờ để sửa chữa, làm nước. Có thời điểm, khoảng 60 chiếc tàu được đưa lên bờ để sửa chữa. Thợ mộc, thợ sơn, cơ khí... làm không hết việc. Còn bây giờ, mỗi ngày HTX chỉ có vài công nhân, thợ máy đến làm. Doanh thu của HTX giảm đi phân nửa so với trước. Không có việc làm, nhiều công nhân, thợ mộc của HTX lần lượt rời bỏ quê đến các tỉnh, thành phố khác tìm việc làm. Chỉ có những thợ mộc lớn tuổi là còn bám trụ với nghề. Tuy nhiên, công việc của họ cũng không thường xuyên và phải di chuyển từ phường Phổ Thạnh ra tận TP.Đà Nẵng để làm nghề rồi lại quay trở về quê.

“Những tàu công suất lớn ở đây không cập cảng cá Sa Huỳnh được mà cập cảng Đà Nẵng. Do vậy, tôi và một số anh em phải ra tận nơi đó để sửa tàu. Tiền xe và chi phí đi lại sẽ do chủ tàu trả. Tuy đi lại vất vả, nhưng có việc làm vẫn hơn là không có”, ông Phùng Đình Vũ, người có thâm niên hơn 30 năm ở phường Phổ Thạnh, chia sẻ.

Trước thực trạng hạ tầng cảng cá Sa Huỳnh vừa thiếu, vừa yếu, luồng lạch không đảm bảo cho người và phương tiện tàu thuyền ra, vào cảng, năm 2022, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt đầu tư dự án Đê chắn cát, giảm sóng và nạo vét thông luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cảng cá Sa Huỳnh. Dự án được tỉnh đưa vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự án hiện đang được triển khai. Hy vọng, dự án hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng để giúp ngư dân yên tâm cho tàu cá ra, vào cảng, góp phần hướng đến nghề cá bền vững.

Các tàu cá không về cảng Sa Huỳnh neo đậu và lấy phí tổn kéo theo hàng loạt các ngành nghề, dịch vụ khác trên bờ gặp khó. Các thương lái phải ra tận Đà Nẵng, Quảng Bình hoặc vào Bình Định để thu mua cá, chở về Sa Huỳnh chế biến dẫn đến chi phí tăng. Chị Lê Thị Bích Nhung, chủ một cơ sở chuyên thu mua hải sản và chế biến các sản phẩm khô, ở tổ dân phố Thạch By 1, phường Phổ Thạnh chia sẻ, mỗi lần tàu cá về, các chủ tàu lại điện thoại cho tôi ra Đà Nẵng thu mua cá. Nếu cảng Sa Huỳnh không bị bồi lấp, tàu về đây thì việc thu mua cá, mực thuận lợi hơn nhiều. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm đầu tư nạo vét luồng lạch để việc ra, vào cảng cá Sa Huỳnh được thuận lợi, tạo điều kiện phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

H.HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/bien-kinh-te-bien/202405/ngu-dan-sa-huynh-gap-kho-d37146d/