Ngư dân ven biển Thanh Hóa rốt ráo chằng chống, di chuyển tàu bè tránh bão

Ngư dân Thanh Hóa đã đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú, bè mảng lên đường và chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Lực lượng biên phòng cùng dân quân giúp dân kéo bè mảng vào bờ an toàn

Lực lượng biên phòng cùng dân quân giúp dân kéo bè mảng vào bờ an toàn

Trưa ngày 2/8, thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, vào hồi 10h ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Một phụ nữ ở huyện Hoằng Hóa đang kiểm tra lại các khung nhôm đề phòng gió cuốn đi

Một phụ nữ ở huyện Hoằng Hóa đang kiểm tra lại các khung nhôm đề phòng gió cuốn đi

Dự báo trong 12 giờ tới,bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 22h ngày 2/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào.

Sức gió mạnh nhất gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Trong 12-24 giờ tới,áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Ngư dân Sầm Sơn đưa thuyền nhỏ lên đường tránh bão

Ngư dân Sầm Sơn đưa thuyền nhỏ lên đường tránh bão

Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, trước đó ngày 1/8, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ để có các biện pháp phòng, tránh nhất là ở khu vực ven biển, vùng núi.

Sáng 2/8, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho hay, tính đến 5h hôm nay, hơn 7.200 tàu thuyền với gần 26.400 lao động địa phương đã vào bờ tránh trú an toàn trước khi bão số 2 đổ bộ.

Tính đến 11h40', tại các vùng biển Thanh Hóa, thủy triều đang dâng cao kèm theo gió giật cấp 6-7, mưa lớn. Công tác phòng, chống lụt bão được các địa phương triển khai quyết liệt trước khi bão đổ bộ vào.

Ngư dân xã Hoằng Trường đang chằng chéo dây neo cho tàu thuyền

Ngư dân xã Hoằng Trường đang chằng chéo dây neo cho tàu thuyền

Ghi nhận tại TP Sầm Sơn, các tàu thuyền công suất lớn được đưa vào Lạch Hới neo đậu, còn những chiếc thuyền hay bè mảng nhỏ thì người dân đẩy lên bờ, cách xa mép nước.

Một phần vỉa hè và lòng đường Hồ Xuân Hương (dài khoảng 200 - 300m) tại các khu vực bãi tắm A, C được trưng dụng làm nơi để thuyền bè và ngư lưới cụ. Phần lòng đường, chính quyền vẫn dành chỗ để phương tiện giao thông đi lại bình thường dù có đoạn tầm nhìn bị hạn chế.

"Bão có thể không lớn song để an toàn, suốt chiều tối và đêm qua chúng tôi đã đẩy hết bè mảng lên đường và chằng buộc cẩn thận", một ngư dân ở đây cho hay.

Bè mảng được người dân xã Hoằng Trường đưa lên bờ an toàn

Bè mảng được người dân xã Hoằng Trường đưa lên bờ an toàn

Còn tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), để chủ động phòng chống bão, ngư dân ở đây đã neo cột tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn, bè mảng cũng được đưa lên đường. Nhà cửa được ngư dân chằng chống cẩn thận trước khi bão đổ bộ.

Ông Lê Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho hay: Hiện nay trên địa bàn xã có 100 tàu và 450 chiếc bè mảng đã được đưa vào nơi an toàn. "Công tác phòng chống bão ở xã được chuẩn bị sốt sắng, hiện có 1 số tàu thuyền chưa đánh vào âu tránh trú vì do nước cạn nhưng được cột chặt ở bến bãi an toàn", ông Hoàng cho hay.

Phúc Tuấn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngu-dan-ven-bien-thanh-hoa-rot-rao-chang-chong-di-chuyen-tau-be-tranh-bao-d474286.html