Ngừa sốt xuất huyết từ sớm
Tính đến hết tháng 6/2025, trên địa bàn cả nước ghi nhận hơn 30 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó có 5 trường hợp tử vong, giảm 1 trường hợp so với năm 2024. Chủ yếu các ca bệnh xuất hiện tại khu vực miền Trung và miền Nam, tuy nhiên bệnh sốt xuất huyết có thể xuất hiện ở bất kỳ địa phương nào khi có sự di chuyển, đi lại của người mang mầm bệnh và vật trung gian truyền bệnh.

Phun thuốc diệt muỗi là biện pháp hiệu quả phòng bệnh do muỗi đốt
Sốt xuất huyết được biết đến là một trong những bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, lây truyền từ người bệnh sang người lành qua các vết đốt của muỗi Aedes albopictus và Aedes aegypti (chủ yếu là muỗi Aedes aegypti), thời gian hoạt động của muỗi thường trong khoảng thời gian 6 - 8 giờ sáng và 16 - 18 giờ chiều. Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, người bệnh có biểu hiện sốt cao liên tục trên 2 ngày, kèm theo xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng. Trường hợp nặng hơn có thể nôn ra máu, đi ngoài, đi tiểu ra máu. Thậm chí có những trường hợp hết sốt nhưng người bệnh lại cảm thấy mệt mỏi li bì, chân tay lạnh, đi tiểu ít, đại tiện ra máu.
Điều đáng lo ngại là bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc - xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Các biến chứng của bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan, bộ phận nào trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe của người mắc cũng như chất lượng cuộc sống của cả gia đình.
Trên địa bàn tỉnh, trong ngày 26/6/2025 ghi nhận bệnh nhân đầu tiên trong năm 2025 có kết quả test nhanh dương tính với sốt xuất huyết là nam giới; ngày 30/6/2025, ghi nhận bệnh nhân thứ 2 có kết quả test nhanh dương tính.
Những trường hợp mắc sốt xuất huyết này rất dễ trở thành nguồn lây lan dịch bệnh trong công đồng nếu không đề cao cảnh giác chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Đối với bệnh nhân cần phải được thăm khám, cách ly và điều trị kịp thời. Đối với người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt như: nằm ngủ trong màn, mặc quần áo dài tay, phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường, che đậy dụng cụ chứa nước để không cho muỗi đẻ trứng và bọ gây phát triển.
Bệnh sốt xuất huyết được chia thành 4 tuýp cơ bản. Người mắc bệnh sốt xuất huyết lần đầu có thể gặp ở bất kỳ tuýp nào của vi rút. Sau khi mắc bệnh, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể, giúp cho người bệnh không thể tái mắc lại tuýp vi rút đã từng mắc. Tuy nhiên người bệnh có thể tái mắc bệnh sốt xuất huyết ở tuýp khác, khiến cho bệnh trở nên nặng nề hơn so với lần mắc trước đó, rất dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tới tính mạng của người bệnh.
Chính vì vậy, dù đã mắc bệnh sốt xuất huyết hay chưa, thì mỗi người cùng cần nêu cao cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng. Kịp thời thăm khám phát hiện bệnh tại các cơ sở y tế gần nhất khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như: sốt kèm theo xuất hiện các vết xuất huyết trên da hoặc chảy máu chân răng.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chu-dong-phong-chong-benh-sot-xuat-huyet-5052531.html