Ngừng bắn Israel-Iran: Lâu dài hay chỉ khoảng lặng ngắn?

Chuyên gia quan ngại thỏa thuận ngừng bắn Israel-Iran chỉ là sự tạm dừng trong giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh dài hơi và kêu gọi các biện pháp ngoại giao.

Gần 2 tuần kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thỏa thuận ngừng bắn “cuộc chiến 12 ngày” giữa Israel và Iran. Căng thẳng đã lắng xuống nhưng giới quan sát vẫn lo ngại liệu thỏa thuận ngừng bắn này sẽ kéo dài hay chỉ là sự tạm dừng trong giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh dài hơi.

Nhiều câu hỏi sau thỏa thuận ngừng bắn Israel-Iran

Không lâu sau thỏa thuận ngừng bắn, ngày 2-7, Tổng thống Iran - ông Masoud Pezeshkian đã chính thức ký ban hành một đạo luật đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), chỉ một tuần sau khi quốc hội Iran thông qua dự luật.

Theo hãng thông tấn IRNA, ông Pezeshkian đã gửi chỉ thị đến Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao và Bộ Ngoại giao Iran để triển khai đạo luật.

Không rõ luật mới sẽ được thực hiện khi nào và như thế nào, nhưng quyết định này có thể mở đường cho Iran xây dựng lại chương trình hạt nhân mà không cần sự thanh tra hoặc giám sát của IAEA.

Iran là bên ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), trong đó yêu cầu các thành viên cho phép giám sát và thanh tra các cơ sở để xác nhận bản chất hòa bình của các chương trình hạt nhân. Động thái của Iran khiến giới quan sát lo ngại về viễn cảnh Tehran sẽ rút khỏi NPT.

“Chúng tôi biết về những báo cáo này. IAEA đang chờ thông tin chính thức tiếp theo từ Iran” - một phát ngôn viên của IAEA nói với đài CNN.

 Thủ đô Tehran (Iran) ngày 24-6 sau thỏa thuận ngừng bắn Israel-Iran. Ảnh: WANA

Thủ đô Tehran (Iran) ngày 24-6 sau thỏa thuận ngừng bắn Israel-Iran. Ảnh: WANA

Trước đó, ngày 1-7, Ngoại trưởng Iran - ông Seyyed Abbas Araghchi nói rằng cuộc không kích gần đây của Mỹ vào cơ sở hạt nhân Fordow đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở này. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Iran có thể nối lại hoạt động làm giàu uranium trong vòng vài tháng hay không, ông Araqchi nhấn mạnh rằng dù cơ sở hạ tầng có thể bị phá hủy, nhưng kiến thức và công nghệ vẫn còn nguyên vẹn.

“Nếu chúng tôi có quyết tâm, và thực tế là có, để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp này, thì chúng tôi hoàn toàn có thể nhanh chóng khắc phục thiệt hại và bù đắp khoảng thời gian đã mất. Hiện tại, không ai nói rằng các cơ sở vẫn còn nguyên vẹn; điều vẫn còn, chính là công nghệ và tri thức” - ông Araghchi nói với đài CBS.

Dù Tehran nhiều lần khẳng định rằng chương trình hạt nhân của Iran luôn mang tính chất hòa bình, giới quan sát cho rằng đòn tấn công từ Mỹ và Israel đặt giới lãnh đạo Iran trước câu hỏi quan trọng: liệu có nên tìm kiếm lá chắn hạt nhân để đảm bảo an ninh hay không?

Ngoài ra, chiến dịch của Mỹ và Israel cũng cũng khơi gợi tinh thần dân tộc của Iran, khiến người dân Iran đoàn kết hơn.

Các chuyên gia lo ngại rằng chỉ cần có một dấu hiệu cho thấy Iran đang tái xây dựng chương trình hạt nhân, Israel sẽ không ngại tấn công lần nữa và nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Tel Aviv.

Ngày 27-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông sẵn sàng cân nhắc việc ném bom Iran một lần nữa nếu Tehran làm giàu uranium ở mức độ đáng lo ngại.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2-7 gọi quyết định của Iran ngưng hợp tác với IAEA là “không thể chấp nhận được” và kêu gọi Tehran “hợp tác đầy đủ mà không trì hoãn thêm nữa”. “Chúng tôi sẽ sử dụng từ không thể chấp nhận được vì Iran đã chọn cách đình chỉ hợp tác với IAEA vào thời điểm nước này có cơ hội để đảo ngược tình thế và lựa chọn con đường hòa bình và thịnh vượng” - theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce.

Ngày 7-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng để thảo luận về chương trình hạt nhân Iran và cuộc chiến tại Gaza, theo trang tin Axios.

Ngoại giao là chìa khóa

 Một tấm biển quảng cáo cho Hiệp định Abraham ở TP Tel Aviv (Israel). Ảnh: AFP

Một tấm biển quảng cáo cho Hiệp định Abraham ở TP Tel Aviv (Israel). Ảnh: AFP

Các chuyên gia cho rằng tương lai của thỏa thuận ngừng bắn còn mơ hồ, phụ thuộc vào khả năng Mỹ duy trì hòa bình và tính toán của Iran lẫn Israel.

Với Iran, cuộc chiến có thể khiến nước này tin rằng chỉ vũ khí hạt nhân, dù ở dạng sơ khai, mới giúp khôi phục sức răn đe. Với Israel, nếu chưa thấy kết quả rõ rệt, Tel Aviv có thể tiếp tục dùng vũ lực, thậm chí nối lại kế hoạch gây bất ổn từ bên trong Iran.

Dù kịch bản nào, nguy cơ bất ổn khu vực là hoàn toàn hiện hữu. Nếu không có một tiến trình đàm phán toàn diện nhằm giải quyết những vấn đề cốt lõi, đặc biệt tranh cãi quanh năng lực hạt nhân của Iran, thì khoảng lặng ngừng bắn này có thể chỉ là tạm thời.

“Thế cân bằng răn đe lẫn nhau có thể giúp ngăn chặn một cuộc chiến kéo dài vào lúc này, nhưng nó vẫn rất bấp bênh và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào” - theo ông Ali Mamouri, nhà phân tích về Trung Đông tại ĐH Deakin (Úc).

Đồng quan điểm PGS Hossein Dabbagh tại ĐH Northeastern London (Anh) cho rằng nếu không điều chỉnh ngay lập tức, thế giới sẽ đối mặt một chuẩn mực mới đầy nguy hiểm: chiến tranh thay vì lý trí, nỗi sợ thay vì sự thật.

“Hiến chương Liên Hợp Quốc đặt nền tảng trên sự tin tưởng lẫn nhau rằng việc sử dụng vũ lực chỉ là biện pháp cuối cùng. Mỗi cuộc tấn công đều bào mòn niềm tin đó, dẫn đến chạy đua vũ trang và các hành động tấn công mang tính phản xạ” - ông Dabbagh nói với kênh Al Jazeera.

Vị chuyên gia vạch ra ba điều kiện để duy trì thỏa thuận ngừng bắn Israel-Iran. Thứ nhất, phải có cơ chế xác minh minh bạch. Theo PGS Dabbagh, nếu bên nào tuyên bố có một “mối đe dọa sắp xảy ra”, thì điều đó phải do các tổ chức trung lập - như thanh sát viên của IAEA hoặc các ủy ban điều tra độc lập - kiểm chứng.

Thứ hai, ngoại giao phải được đặt lên hàng đầu. “Trước khi dùng đến vũ lực, phải chứng minh rằng mọi giải pháp khác như đàm phán, thương lượng hậu trường, gây sức ép, hoặc cấm vận đều đã được thử và thất bại. Đây không phải là lựa chọn tùy ý, càng không phải là điều viện dẫn sau khi đã tấn công” - ông Dabbagh nhấn mạnh.

Cuối cùng, phải đánh giá công khai về rủi ro với dân thường, trong đó, các chuyên gia về môi trường và y tế phải được tham vấn trước khi giới hoạch định quân sự ra quyết định khai hỏa.

Giới phân tích cũng nhận định rằng ngoài vai trò kiềm chế của Mỹ với Israel và Iran, các nước Vùng Vịnh cũng có thể góp phần duy trì hòa bình trong khu vực.

Qatar đã thành công trong vai trò trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn vừa qua, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - vốn là quốc gia ký kết Hiệp định Abraham - được đánh giá có vị thế đặc biệt trong việc đóng vai trò cầu nối giữa Israel và Iran.

Mỹ công bố đợt trừng phạt đầu tiên với Iran từ sau thỏa thuận ngừng bắn

Ngày 3-7, Mỹ áp đặt một loạt lệnh trừng phạt mới đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran và nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) trong đòn trừng phạt đầu tiên kể từ thỏa thuận ngừng bắn Israel-Iran có hiệu lực, theo tờ USA Today.

Mỹ cho biết sẽ trừng phạt các công ty và tàu thuyền liên quan đến việc giao và bán dầu bí mật của Iran. Washington cũng trừng phạt tổ chức tài chính được cho là có liên quan đến Hezbollah.

Trong số những đối tượng bị nhắm đến có doanh nhân Iraq Salim Ahmed Said và công ty của ông có trụ sở tại UAE. Mỹ cáo buộc công ty buôn lậu dầu Iran bằng cách pha trộn với dầu Iraq.

“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nhắm vào các nguồn thu của Tehran và gia tăng áp lực kinh tế nhằm làm gián đoạn khả năng Tehran tiếp cận tài chính để nuôi dưỡng các hoạt động gây mất ổn định trong khu vực” - theo tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.

Iraq và Iran chưa bình luận về lệnh trừng phạt của Mỹ.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ngung-ban-israel-iran-lau-dai-hay-chi-khoang-lang-ngan-post858705.html