Sự trở lại của Hiệp định Abraham sau cuộc chiến 12 ngày Israel-Iran

Hậu xung đột với Iran, liệu Israel có thể bình thường hóa quan hệ với Syria và Lebanon nhờ sự hỗ trợ của Mỹ?

Khi khói bụi sau cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran lắng xuống chưa lâu, hoạt động ngoại giao trên khắp Trung Đông sôi nổi trở lại. Ngày 29-6, Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu nói rằng “chiến thắng [trước Iran] mở ra con đường để mở rộng đáng kể các thỏa thuận hòa bình”.

Những ngày này, các bảng quảng cáo mới trên khắp Israel đã xuất hiện hình ảnh các nhà lãnh đạo Ả Rập với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở vị trí trung tâm, kèm theo dòng chữ “Liên minh Abraham: Đã đến lúc cho một Trung Đông mới”.

Thuật ngữ “Hiệp định Abraham” được đặt ra vào năm 2020 để chỉ các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao do Mỹ làm trung gian giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập, như Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Morocco và Sudan.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc thiết lập quan hệ giữa Israel với Syria hoặc Lebanon không phải là câu chuyện dễ dàng.

“Các bên ký kết Hiệp định Abraham trước đây vốn không thực sự có xung đột, trong khi Israel và Lebanon, cũng như Israel và Syria, đã ở trong tình trạng xung đột suốt hàng thập niên. Và xung đột đó vẫn đang nóng” - ông Neil Quilliam, thành viên chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Chatham House (Anh), nói với đài DW.

 Một tấm biển quảng cáo cho Hiệp định Abraham ở Israel. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Một tấm biển quảng cáo cho Hiệp định Abraham ở Israel. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Triển vọng thỏa thuận hòa bình Syria-Israel

Về mặt chính thức, Syria và Israel vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1967. Năm đó, Israel kiểm soát Cao nguyên Golan – một vùng đất chiến lược nằm sát biên giới với Syria – và tuyên bố sáp nhập khu vực này.

Liên Hợp Quốc chưa bao giờ công nhận hành động này, nhưng Mỹ đã công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel vào năm 2019, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Sau khi ông Ahmed al-Sharaa - hiện là tổng thống lâm thời Syria - dẫn dắt một liên minh dân quân lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad vào tháng 12-2024, quân đội Israel đã mở rộng hiện diện ở phía Syria từ ranh giới ngừng bắn năm 1974.

Bất chấp sự hiện diện của quân đội Israel tại Syria cũng như các cuộc tấn công lặp đi lặp lại trên lãnh thổ Syria, Tổng thống Trump ngày càng thúc đẩy một thỏa thuận an ninh tiềm năng giữa Tel Aviv và Damascus.

Hôm 2-7, truyền hình nhà nước Syria đưa tin rằng không thể nói tới “đàm phán về một thỏa thuận mới nếu như Israel không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn năm 1974 và rút khỏi các khu vực đã xâm nhập”.

Về phía Israel, Ngoại trưởng Gideon Saar nói rằng Tel Aviv quan tâm đến việc đưa Syria gia nhập Hiệp định Abraham. Tuy nhiên, ông Saar nhấn mạnh rằng “Cao nguyên Golan sẽ vẫn là một phần của Nhà nước Israel trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai”.

Theo bà Burcu Ozcelik – nghiên cứu viên cao cấp về An ninh Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI), tất cả những điều này có thể báo hiệu một bước tiến nhỏ hơn, song vẫn mang ý nghĩa quan trọng.

“Ngay cả một thỏa thuận sơ bộ về cam kết không gây hấn, chưa cần tới một hiệp định toàn diện giữa Syria và Israel, cũng sẽ tạo ra bước ngoặt trong khu vực” - bà Ozcelik nói với DW.

Theo bà Ozcelik, dù khả năng này hiện vẫn có vẻ xa vời, các kênh ngoại giao hậu trường trong những tháng gần đây đã tập trung vào các bước đi nhằm khởi động lại nền kinh tế Syria thông qua nới lỏng trừng phạt và thúc đẩy đối thoại giảm xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

“Tất cả điều này cho thấy nỗ lực ổn định Syria dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, vì lợi ích của người dân Syria đã kiệt sức vì chiến tranh. Những nỗ lực này là rất đáng kể” - bà Ozcelik kết luận.

 Một binh sĩ Israel đứng tại một điểm quan sát ở Cao nguyên Golan nhìn ra phía nam Syria. Ảnh: AFP

Một binh sĩ Israel đứng tại một điểm quan sát ở Cao nguyên Golan nhìn ra phía nam Syria. Ảnh: AFP

Khó gỡ rối quan hệ Israel-Lebanon

Chuyên gia Neil Quilliam không nhìn thấy bất kỳ cơ hội nào cho một thỏa thuận hòa bình sắp xảy ra giữa Israel và Lebanon.

“Tổng thống Lebanon Michel Aoun và tầng lớp chính trị xung quanh ông khó có thể mang lại hòa bình, bởi vì sẽ có quá nhiều sự phản đối trong nước” - ông Quilliam nói với DW.

Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10-2023, nhóm vũ trang Hezbollah bắt đầu tấn công Israel từ phía nam Lebanon.

Sau khoảng 12 tháng giao tranh lẻ tẻ, tình hình leo thang thành tám tuần chiến sự. Israel đã làm suy giảm sức mạnh của Hezbollah, hơn 3.000 người ở Lebanon thiệt mạng và nhiều khu vực ở miền nam Lebanon cũng như ngoại ô thủ đô Beirut bị phá hủy nặng nề do hỏa lực của Israel.

Cuối năm 2024, một thỏa thuận ngừng bắn đã chấm dứt phần lớn các cuộc tấn công, tuy nhiên một số điều kiện kèm theo thỏa thuận, như việc Israel rút quân và triển khai lực lượng vũ trang Lebanon ở miền nam, vẫn chưa được thực hiện.

“Israel vẫn kiểm soát năm chốt cao điểm trong lãnh thổ Lebanon và tiếp tục tấn công các mục tiêu ở Beirut” - ông Quilliam cho biết, nói thêm rằng “Hezbollah cũng không có ý định giải giáp, vì thế, hòa bình không nằm trên bàn đàm phán”.

Nỗ lực của Mỹ

“Việc Mỹ vừa dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, đồng thời bày tỏ mong muốn đạt thêm các thỏa thuận hòa bình với Syria và Lebanon, cho thấy một nỗ lực từ chính quyền ông Trump. Nỗ lực này phù hợp với lợi ích của các đồng minh thân cận của Mỹ, không chỉ Israel, mà còn bao gồm các nước vùng Vịnh như Saudi Arabia, UAE, và đặc biệt là Qatar” - theo bà Kelly Petillo, nhà nghiên cứu Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR).

Các quan chức Mỹ cho biết việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 24-6 đã mở ra triển vọng cho những nỗ lực hòa bình rộng lớn hơn trong khu vực.

Tuần qua, ông Tom Barrack – đặc phái viên Mỹ về Syria – nói với hãng thông tấn Anadolu Agency rằng ông al-Sharaa “đã cho thấy rằng ông không căm ghét Israel và rằng ông muốn có hòa bình ở khu vực biên giới hai nước”.

“Tôi cho rằng điều tương tự cũng sẽ xảy ra với Lebanon. Một thỏa thuận với Israel là điều cần thiết” - ông Barrack nói thêm.

Chính phủ Israel đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc chấm dứt các chiến dịch tấn công tại Dải Gaza.

“Giờ đây mọi người đang bắt đầu quay lại với Hiệp định Abraham, nhất là khi tình hình ở Gaza đang lắng xuống” - ông Barrack nói.

“Những gì vừa xảy ra giữa Israel và Iran là một cơ hội để tất cả chúng ta cùng nói: 'Tạm dừng lại. Hãy cùng nhau mở ra một con đường mới. Trung Đông đã sẵn sàng cho một cuộc đối thoại mới. Người dân đã mệt mỏi với những câu chuyện cũ lặp đi lặp lại” - theo đặc phái viên Mỹ.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/su-tro-lai-cua-hiep-dinh-abraham-sau-cuoc-chien-12-ngay-israel-iran-post858919.html