Ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc bệnh viện phải đóng cửa!
Một cuộc khủng hoảng y tế đang lan rộng nếu không chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo vào ngày 2/12 của XDI, một công ty phân tích dữ liệu về rủi ro khí hậu, hàng nghìn bệnh viện trên toàn thế giới có nguy cơ phải đóng cửa toàn bộ hoặc một phần, do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nếu con người không từ bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu khí đốt vào cuối thế kỷ 21.
Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28) diễn ra tại Dubai với trọng tâm hướng đến đối phó tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người và các biện pháp giảm thiểu.
Từ việc phân tích rủi ro của biến đổi khí hậu đối với khoảng 200.000 bệnh viện trên trên toàn cầu, XDI cho biết khoảng 1/12 trong số đó – tương đương 16.000 bệnh viện – sẽ buộc phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ do thời tiết khắc nghiệt, phần lớn đến từ sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch.
Cũng theo báo cáo này, nguy cơ thiệt hại cho các bệnh viện do thời tiết khắc nghiệt đã tăng 41% kể từ năm 1990 do phát thải nhà kính.
Nhấn mạnh giải pháp khắc phục, công ty này cho biết: “Việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch sẽ hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,8 độ C, dẫn đến giảm một nửa nguy cơ thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng bệnh viện so với việc phát thải cao”.
Báo cáo tiết lộ rằng các bệnh viện gần bờ biển hoặc sông sẽ có nguy cơ đóng cửa cao nhất, đồng thời 71% trong số 16.000 bệnh viện có nguy cơ đóng cửa cao nằm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong đó, khu vực có nguy cơ cao nhất là Đông Nam Á, với tỷ lệ đóng cửa bệnh viện lên đến 18%.
Gần đây, Trung tâm Y tế Tondo tại thủ đô Manila, Philippines đang có nguy cơ phải đóng cửa. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số 300 bệnh viện trên khắp đất nước này rơi vào tình trạng như vậy.
Trả lời phỏng vấn Reuters, Maria Isabeliata Estrella, giám đốc của bệnh viện cho biết: “Bệnh viện có nguy cơ phải đóng cửa cao do nằm gần các vùng nước và khu vực khai hoang”.
Bà cho biết thêm bệnh viện thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, thậm chí có lúc phải sử dụng xe tải để vận chuyển bệnh nhân và nhân viên y tế đến đây.
Nhằm giải quyết những gián đoạn do biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho biết bệnh viện cần phải có các biện pháp để điều chỉnh dịch vụ y tế cần thiết.
Theo Giám đốc Khoa học và Công nghệ XDI, Karl Mallon, bằng cách đánh giá và phân cấp rủi ro của biến đổi khí hậu đối với hơn 200.000 bệnh viện trên toàn cầu, các nhà quản lý bệnh viện và chính phủ có được dữ liệu cần thiết để đưa ra biện pháp ứng phó kịp thời với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Renzo Guinto, chuyên gia về sức khỏe toàn cầu tại Đông Nam Á, cho biết báo cáo này là lời cảnh báo khẩn cấp nhất cho toàn bộ ngành y tế.
“Chúng ta không thể coi thường những tác động của biến đối khí hậu đối với hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cũng như tính an toàn của hệ thống y tế. Do vậy, cần phải đưa ra kế hoạch tốt hơn về những địa điểm xây bệnh viện trong tương lai, hoặc di dời các bệnh viện hiện có đến nơi an toàn hơn” – Ông cho biết.
Ông cũng gợi ý rằng việc nâng sàn bệnh viện và gia cố mái nhà sẽ giúp giải quyết lũ lụt và gió giật mạnh, thay vì một biện pháp tốn kém khác là di dời khỏi các con sông và bờ biển để đến vùng đất cao hơn.
“Chính phủ cần có nhiệm vụ đảm bảo việc cung cấp liên tục các dịch vụ quan trọng cho người dân. Không những vậy, cộng đồng toàn cầu cần phải phối hợp chặt chẽ với chính phủ các nước để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu” – Ông nhấn mạnh.