'Ngược dòng' giữa mùa Covid-19: Bài 2 - Từ giải cứu đến… quân bài chiến lược
Ý định ban đầu chỉ là giải cứu nông sản Việt bị ùn ứ do dịch Covid-19. Chẳng ai ngờ, từ ý định giải cứu ấy, những dòng sản phẩm chiến lược lại xuất hiện...
Cơ hội phát triển kênh phân phối
Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) đã bước qua dịch Covid-19 với những thành công ngoài tưởng tượng. Một dòng sản phẩm hoàn toàn mới xuất hiện, tạo ra một hiệu ứng tích cực, đưa tên tuổi Duy Anh Food (DAF) lên một tầm cao mới. Đó chính là bún dưa hấu và bánh tráng thanh long - những sản phẩm kết hợp giữa hoa quả Việt (cần giải cứu) và bột mì truyền thống.
10 ngày thử nghiệm sản phẩm bún dưa hấu liên tục thất bại đã từng khiến ông chủ trẻ của DAF chán nản, muốn buông tay. Nhưng khao khát muốn mở thêm một cánh cửa tiêu thụ nông sản Việt lại lớn hơn nên Toàn vẫn quyết tâm thực hiện và thành công. Ngay lập tức, Toàn gửi sản phẩm cho đối tác ở Hàn Quốc để chào hàng. “Không ngờ nhận được đơn đặt hàng lên đến 4 tấn bún dưa hấu, ngay trong lần xuất hàng đầu tiên của sản phẩm này”, Toàn chia sẻ.
Trò chuyện với PV Báo PLVN, Toàn vẫn còn giữ nguyên sự ngạc nhiên khi thị trường quốc tế lại đón nhận rất nhanh dòng sản phẩm mới này. Hầu hết các đối tác đã từng nhập sản phẩm bún, mì truyền thống từ DAF đều không ngần ngại “OK” ngay khi Toàn đặt vấn đề.
“Khó khăn duy nhất tôi gặp phải là chuẩn bị giấy tờ để sản phẩm có thể qua được cửa khẩu hải quan của các nước, phải trình bày thế nào để họ hiểu được ngay độ an toàn của dòng sản phẩm này và cho thông quan”, Toàn nói.
Các sản phẩm truyền thống của DAF đã có mặt ở 42 quốc gia, bún dưa hấu mới xuất hiện ở 12 nước nhưng tín hiệu hồi âm đều rất tốt. Hiện Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga đã nhập lô hàng thứ 3 và dòng sản phẩm này đã chính thức lên kệ trên trang thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu Amazon.
Ngoài ra còn chưa kể một số nước khác cũng đã đồng ý nhập thử sản phẩm này, nhưng chưa thể xuất hàng đi do lô hàng họ đặt đến tháng 10 mới… lên đường. Doanh số của dòng sản phẩm này đã chiếm đến 30% doanh số của DAF dù mới chỉ gia nhập thị trường vài tháng.
Đáng chú ý hơn, khi Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp chìm dần thì DAF lại nổi lên như một hiện tượng lạ. Toàn cho biết: “Trước đây hàng của chúng tôi xuất khẩu là chính, tiêu thụ trong nước rất ít và chưa vào được các siêu thị. Không thể ngờ Covid chính là cơ hội để DAF phát triển kênh bán hàng trong nước thuận lợi như thế”. Chỉ vài tháng chống dịch Covid, DAF đã mở rộng được địa bàn tiêu thụ lên đến 35 tỉnh thành trong nước.
“Bún dưa hấu chắc chắn sẽ là sản phẩm chiến lược của DAF”, chàng trai trẻ khẳng định với PLVN. Hiện Toàn đã sẵn sàng sản xuất sản phẩm với giá - không - giải - cứu (dưa hấu đã lên đến 15.000 đồng/kg, trong khi thời điểm nghiên cứu ra dòng sản phẩm này, dưa hấu chỉ có 5.000 đồng/kg).
Toàn cũng rất tự tin sản phẩm chiến lược này sẽ được thị trường đón nhận do giá mới được điều chỉnh chỉ tăng 2.000-3000 đồng/sản phẩm so với trước đây. Đồng thời DAF cũng đã tìm được vùng nguyên liệu riêng trồng dưa hấu và thanh long để có thể kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào.
Đưa bánh mỳ thanh long đi khắp thế giới
Ông Kao Siêu Lực (nhà sáng lập ABC Bakery) với sản phẩm bánh mì thanh long cũng đã mang đến cho Việt Nam một tín hiệu tích cực trong mùa dịch Covid-19. Tất cả chỉ bắt đầu từ những lời kêu gọi giải cứu thanh long, dòng sản phẩm bánh mỳ thanh long độc đáo đã xuất hiện. Ngay sau khi hoàn thành thử nghiệm mẻ đầu tiên, ông đưa vào bán tại cửa hàng ABC Nguyễn Trãi (TP Hồ Chí Minh).
Và phản ứng của khách hàng là điều mà người đàn ông đã ngoài 60 tuổi chưa bao giờ nghĩ đến. Dòng người nối tiếp nhau, xếp hàng chờ mua để khám phá sản phẩm. Ngày đầu tiên mới chỉ sử dụng khoảng 30 kg thanh long nhưng chỉ 2 ngày sau, số lượng thanh long đã 2-3 trăm kg mỗi ngày. Thời điểm làn sóng dịch Covid lần thứ nhất, ABC Bakery thống kê đã có 30 tấn thanh long được thu mua để sản xuất bánh mỳ.
Ông Lực chia sẻ, chính nhờ sản phẩm bất ngờ này mà doanh thu ở các cửa hàng của ABC Bakery vào thời cao điểm dịch lần đầu tiên không hề sụt giảm, thậm chí có thời điểm còn tăng chút ít. Do đó, ban đầu ông chỉ định sản xuất thử khoảng 200-300 ổ bánh nhưng không ngờ thị trường đón nhận rất mạnh nên ông đã phải mua thêm một máy sản xuất bánh mì hiện đại của Đức để tiếp tục công việc sản xuất dòng sản phẩm bất ngờ này.
Ông Lực khẳng định, chiếc máy sản xuất bánh mỳ mà ông mua thêm là máy có tiêu chuẩn rất cao, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, sẽ cho ra đời những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế vì ông không định dừng lại chế biến ra bánh mỳ thanh long chỉ để giải cứu quả thanh long. Điều mà ông đang nghĩ đến chính là xuất khẩu bánh mì thanh long ra thị trường thế giới.
(còn tiếp)