Ngược dòng xu hướng: Đa số thí sinh TPHCM chọn tổ hợp KHTN ở kỳ thi tốt nghiệp

'Ngược dòng' với bức tranh chung của cả nước, TP.HCM là một trong số ít địa phương có số lượng thí sinh chọn tổ hợp KHTN lớn hơn KHXH trong kỳ thi tốt nghiệp.

Năm 2017, lần đầu tiên bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (lúc này gọi là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia), bên cạnh 3 môn thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Hai năm đầu triển khai, tỉ lệ thí sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội chênh lệch không nhiều. Cụ thể, năm 2017, có 57% thí sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, 43% thí sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội. Năm 2018, tỉ lệ thí sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội lần lượt là 52% và 48%.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019 trở đi, tỉ lệ thí sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội ngày càng cao hơn so với tỉ lệ thí sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên. Năm 2024, thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có tới 63% số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Như vậy, cứ 10 thí sinh dự thi tốt nghiệp thì có 6 em lựa chọn bài thi Khoa học xã hội. Đây là tỉ lệ cao nhất trong 6 năm trở lại đây. (Với các năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023, những học sinh chỉ thi một số môn để xét tuyển đại học, hoặc cần để xét tốt nghiệp trung học phổ thông do năm trước đó đã dự thi và được bảo lưu điểm một số môn sẽ không được thống kê).

“Ngược dòng” với bức tranh chung của cả nước, hiện Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số ít địa phương có số lượng thí sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên lớn hơn so với số thí sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, tỉ lệ học sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên của thành phố này chiếm 60,85%, tức là chỉ 39,15% thí sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội.

Vì sao nhiều học sinh Thành phố Hồ Chí Minh "chuộng" bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên?

 Thí sinh Thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Ảnh: Việt Dũng

Thí sinh Thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Ảnh: Việt Dũng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Tường Quyên - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trưng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên tại trường luôn áp đảo và giữ ổn định (chiếm gần 70%).

Theo cô Quyên, kết quả này hoàn toàn do năng lực, sở trường của học sinh. Trên cơ sở nguyện vọng đăng ký của các em, nhà trường tạo điều kiện ôn tập, giúp học sinh nắm vững kiến thức và đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi.

Tương tự, tại Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Thành phố Hồ Chí Minh), thầy Hà Hữu Thạch - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội của trường lần lượt là 60% và 40%”.

Còn tại Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Thành phố Hồ Chí Minh), tỉ lệ thí sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội lần lượt là 80% và 20%. Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường lý giải, một trong những lý do chính khiến tỷ lệ thí sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên nhiều hơn so với địa phương khác trên cả nước là do điều kiện đời sống, cũng như đặc điểm kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo đó, rất nhiều học sinh được gia đình tạo điều kiện đầu tư học tập từ nhỏ. Ngoài ra, các em cũng được tiếp xúc sớm với công nghệ, từ đó dễ dàng tìm kiếm các tài liệu học cũng như tiếp cận với đa dạng các kiến thức khác nhau.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng tác động vì Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố năng động, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của đất nước. Do vậy, học sinh cũng thường có định hướng chọn các ngành nghề có tính chất năng động như kinh tế, kỹ thuật. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, đa số các trường xét tuyển bằng tổ hợp chứa môn tự nhiên. Đó là một trong những lý do khiến học sinh có xu hướng học sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên nhiều hơn.

“Thực tế cũng cho thấy, chương trình học các môn Khoa học tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh... trong thời gian qua khá nặng. Bởi vậy, đa phần học sinh muốn học tốt đều phải ôn tập, rèn luyện rất nhiều. Trong khi đó, việc tự học và tự lĩnh hội được kiến thức không phải học sinh nào cũng thực hành tốt được, vì vậy đa số đều phải đi học thêm bên ngoài để nắm chắc kiến thức.

Nhưng với học sinh ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, không có điều kiện học thêm nhiều thì việc học tốt các môn tự nhiên với phần đông học sinh sẽ khó hơn. Mà các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý,... lại gần gũi với học sinh hơn, và thực tế tính chất học kiểu thuộc lòng các môn này vẫn còn nhiều. Do đó, nếu học sinh chăm chỉ ôn luyện thì sẽ dễ dàng học tốt các môn này hơn so với các môn tự nhiên”, thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ thêm.

Lý giải về xu hướng phần đông thí sinh thành phố lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng lựa chọn của thí sinh phản ánh định hướng nghề nghiệp của các em.

“Công tác định hướng nghề nghiệp luôn được Thành phố chú trọng triển khai thường xuyên, song quyết định lựa chọn nghề nghiệp là chuyện của từng cá nhân học sinh. Xu hướng lựa chọn bài thi Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội phản ánh định hướng nghề nghiệp của học sinh, gắn liền với đặc điểm phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, cũng như xu hướng hội nhập quốc tế ngày nay”, ông Quốc cho hay.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, sở dĩ ở nhiều địa phương, tỉ lệ thí sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học xã hội nhiều hơn là do định hướng các em chỉ thi với mục đích xét tốt nghiệp. Do đó, việc lựa chọn tổ hợp Khoa học xã hội sẽ giúp thí sinh dễ dàng đạt kết quả tốt hơn.

Lo ngại thiếu nhân lực STEM

Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và quốc tế, đã khẳng định phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam cũng xác định con người là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực, mục tiêu của sự nghiệp xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, xu hướng thí sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội có chiều hướng gia tăng đang làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ khủng hoảng thừa nguồn nhân lực Khoa học xã hội trong tương lai, kéo theo đó là sự thiếu hụt về nhân lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM). Đặc biệt giữa bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ bùng nổ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa và AI như ngày nay, nhu cầu về nhân lực STEM có vai trò quan trọng, tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của quốc gia.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu cả nước trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cũng bày tỏ lo ngại về nguồn tuyển khi thí sinh có xu hướng lựa chọn tổ hợp Khoa học xã hội ngày càng nhiều.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Phong Điền, một trong những giải pháp cần đẩy mạnh là công tác truyền thông, hướng nghiệp ngay từ sớm cho học sinh, giúp học sinh hiểu rõ về cơ hội nghề nghiệp và tiềm năng phát triển của các ngành STEM.

“Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho phép học sinh được lựa chọn môn học phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp của bản thân, bên cạnh 8 môn học bắt buộc. Vì vậy, công tác hướng nghiệp phải được tiến hành ngay từ trung học cơ sở để giúp học sinh có định hướng, lựa chọn tổ hợp môn phù hợp khi bước vào lớp 10.

Trong đó, một số cuộc thi như sáng tạo Robot, ngày hội STEM,... là một sân chơi rất bổ ích, giúp khơi gợi sự tìm tòi, tò mò, sáng tạo về khoa học và công nghệ cho học sinh”, thầy Điền chia sẻ.

Đồng quan điểm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Mỏ – Địa chất cũng cho rằng hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh trung học là việc rất quan trọng và cần được quan tâm. Điều này giúp đảm bảo tính liên thông trong định hướng đào tạo giữa các trường phổ thông và trường đại học.

Đặc biệt, thầy Khoát nhấn mạnh cần có bức tranh tổng thể về nguồn nhân lực đất nước, phân tích xu hướng thị trường lao động, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như ngày nay sẽ tác động ra sao tới các ngành nghề trong tương lai. Đồng thời, có những thống kê về bức tranh về việc làm, thu nhập, nhu cầu nhân lực ở từng nhóm ngành, trong đó có nhóm ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật-công nghệ để người học có cơ sở dữ liệu tham khảo.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông quy định bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học, chủ đề và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Theo đó, từ lớp 10, học sinh sẽ phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Giáo dục địa phương.

Ngoài ra, học sinh chọn 4/9 môn học lựa chọn bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Đồng thời, lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.

Doãn Nhàn - Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nguoc-dong-xu-huong-da-so-thi-sinh-tphcm-chon-to-hop-khtn-o-ky-thi-tot-nghiep-post244650.gd