Ngược xứ Mường 'thưởng' Cao Sơn trà

LCĐT - “Núi Cao Sơn mây mù bao phủ/ Trà Cao Sơn ấp ủ tình người”

Trời đất hữu tình khiến cây chè Shan tuyết cổ thụ xứ Mường như có vị đượm, hương thơm của tình đất, tình người, gửi vào đó cả đam mê cũng như cách người làm chè đang tạo nên thương hiệu Cao Sơn trà ở vùng đất Tả Thàng, Cao Sơn, La Pan Tẩn. Đưa chúng tôi lên tận rừng chè cổ thụ, đi dưới những tán chè đã bén rễ hàng trăm năm, anh Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Cao Sơn kể lại sự bén duyên tình cờ với vùng đất này: Mường Khương từ trước đến giờ nổi tiếng với danh trà Thanh Bình, nhưng tôi muốn có một cách làm trà riêng, tạo nên sự đột phá mới, vừa bảo tồn vùng chè cổ Shan tuyết trên núi cao, vừa viết nên câu chuyện về văn hóa trà mang nét đặc trưng của vùng biên.

Thăm vùng chè cổ ở Tả Thàng.

Thăm vùng chè cổ ở Tả Thàng.

Nghĩ là làm, sau khi quyết định chọn vùng đất Cao Sơn, La Pan Tẩn, Tả Thàng làm nơi gửi trọn hy vọng về ước mơ xây dựng một thương hiệu trà, anh Quân đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, xây dựng vùng nguyên liệu. Sau khi khảo sát vùng chè với diện tích hơn 50 ha, anh đã liên kết với người dân địa phương đưa những giống chè cao cấp vào trồng để hình thành vùng nguyên liệu tiêu chuẩn từ giống đến kỹ thuật canh tác an toàn. Cả vùng nguyên liệu chè hiện ổn định phục vụ nhu cầu chế biến của công ty đạt gần 100 ha, trải dài trên địa bàn 3 xã…

Ngắt búp chè từ cây chè Shan tuyết cổ thụ, anh Quân bảo: Người dân vùng này đang lưu giữ một bảo vật thiên nhiên quý giá, ở đó chứa đựng cả truyền thuyết hấp dẫn về loại cây có vị chát, ngọt vẫn lưu truyền cho đến ngày nay. Từ trước đến nay, tuy sở hữu vùng chè cổ nhưng cách người dân chế biến chè và đưa sản phẩm ra thị trường vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Bởi vậy, để giữ được vùng chè cổ thì hơn bao giờ hết phải “định danh” về văn hóa trà mang bản sắc riêng của vùng núi cao này. Ấp ủ là thế, chặng đường phía trước cũng còn nhiều gian nan lắm…

Bên cạnh dòng sản phẩm từ nguồn nguyên liệu chè cổ Tả Thàng, anh Quân đã chọn cây chè Kim Tuyên làm dòng sản phẩm chính để đưa vào chế biến sâu theo hướng VietGAP và Organic. Với kinh nghiệm nhiều năm làm chè, anh hiểu hơn ai hết thị trường và người tiêu dùng ngày càng khắt khe, yêu cầu cao về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm. Hơn nữa, lý do lựa chọn Kim Tuyên là giống chè để làm nên sản phẩm Cao Sơn trà bởi giống chè đặc sản này hội tụ đủ 3 yếu tố là hương thơm, vị đậm, nước xanh.

Khi tôi thắc mắc tại sao cả vùng chè của Cao Sơn, Tả Thàng và La Pan Tẩn, mà tên công ty và sản phẩm trà chỉ lấy là Cao Sơn. Anh Quân lý giải rằng: Thực ra, tôi muốn mang đến cho mọi người một sản phẩm trà đặc biệt trồng trên “núi cao” mà thôi. Đơn giản, Cao Sơn trà mang hàm ý trà trên núi cao. Bởi cả vùng này, ở cả 3 xã, cây chè đều trồng trên núi có độ cao từ 1.400 đến 1.700 mét so với mực nước biển.

Đặc biệt, từ khi cây chè Kim Tuyên bén rễ xanh tốt, được đánh giá thích hợp trồng ở vùng núi này, thì điều anh Nguyễn Hồng Quân và các cộng sự của Công ty Cổ phần Chè Cao Sơn đặt niềm tin và mong chờ đã không phải quá xa vời. Công việc còn lại là làm thế nào thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến ra các dòng sản phẩm chè hữu cơ đảm bảo chất lượng, cũng như phù hợp với nhu cầu thưởng trà theo nhiều cách khác nhau của người tiêu dùng. Lựa chọn giống chè mới có năng suất, chất lượng vượt trội, tạo ra sản phẩm chè đặc sản của huyện Mường Khương đã khẳng định vai trò của doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới và góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.

“Mục sở thị” sản phẩm trà Cao Sơn.

“Mục sở thị” sản phẩm trà Cao Sơn.

Sau khi “mục sở thị” rừng chè cổ thụ, trở về Nhà máy chế biến Cao Sơn trà đặt tại thôn Bãi Bằng, xã La Pan Tẩn, chúng tôi được anh Lù Văn Hiếu, người Nùng chính gốc xứ Mường đang giúp việc giám đốc Quân đưa đi tham quan khu chế biến trà. Anh Lù Văn Hiếu cho biết: Công ty đã có dây chuyền máy, thiết bị nhập khẩu từ Đài Loan và Nhật Bản, công suất chế biến 2 tấn chè búp tươi/ngày. Sản phẩm của công ty được đóng gói trên bao bì là túi giấy theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Chè núi Cao Sơn hiện được đóng gói hút chân không, túi Grap, trọng lượng 50 gam - 200 gam. Đặc biệt, sản phẩm chè Shan tuyết Cao Sơn đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ đó, từ cây chè rừng mọc hoang, nay đã cho người dân ở vùng Cao Sơn, La Pan Tẩn, Tả Thàng có thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/ha/năm.

Công ty Cổ phần Chè Cao Sơn đã hướng dẫn quy trình chăm sóc, thu hái thâm canh diện tích trồng và phát triển sản xuất chè đặc sản là 150 ha, trong đó khoảng 50 ha chè Shan tuyết đã có từ lâu đời. Quy trình trồng và chăm sóc chè được quản lý chặt chẽ, theo đúng kỹ thuật, bón phân hữu cơ theo quy trình kiểm soát nghiêm ngặt của Đài Loan, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các chất kích thích khác, thực hiện quy trình sản xuất chè sạch để tạo nên sản phẩm mang thương hiệu “Cao Sơn trà” đậm đà hương vị núi rừng, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Rót ấm trà Shan tuyết mới pha mời khách, chúng tôi đã cảm nhận hương thơm lan tỏa khắp phòng làm việc. Giám đốc Nguyễn Hồng Quân còn cho biết: Hiện tại, công ty đã chế biến và đưa ra thị trường một số sản phẩm, như trà Ô long, trà xanh Shan tuyết cổ thụ, trà phổ nhĩ lam ống nứa, trà xanh Kim Tuyên… Mỗi sản phẩm trà có một hương vị đặc trưng, sẽ mang đến cho người thưởng trà cảm nhận đủ vị của sương mây, mưa nắng bốn mùa trên núi cao ngấm vào từng búp chè, qua từng công đoạn chế biến của người làm chè lại gửi vào đó “tình người”. Đơn giản nhất, khâu thu hái chè búp tươi để chế biến cũng đòi hỏi công phu. Chúng tôi hướng dẫn bà con khi thu hái phải lựa lúc còn sương, rồi phải hái nhanh, nếu để ánh nắng rọi lên lá sẽ làm tăng vị chát, mất mùi hương, giảm chất lượng chè nguyên liệu…

Khí hậu và cảnh quan thiên nhiên được ví như Đà Lạt của Lâm Đồng và Sa Pa của Lào Cai, khu vực Cao Sơn, Tả Thàng, La Pan Tẩn đang được những người làm chè tâm huyết như anh Quân, anh Hiếu và chính quyền huyện Mường Khương không chỉ ấp ủ xây dựng thương hiệu Cao Sơn trà, mà còn hình thành địa chỉ trải nghiệm hấp dẫn trên bản đồ du lịch Mường Khương. Mới đây, các sản phẩm trà của công ty đã được huyện Mường Khương đưa vào đánh giá chất lượng, mẫu mã để lựa chọn làm sản phẩm OCOP của tỉnh. Dự kiến năm 2021, với vùng nguyên liệu chè hiện có, sản lượng ước đạt 100 tấn búp tươi, công ty sẽ chế biến được 22 tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt từ 750 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Việc tạo vùng nguyên liệu chè ở khu vực cụm xã Cao Sơn đã bổ sung vào cơ cấu giống chè trên địa bàn, giúp huyện Mường Khương có thêm sản phẩm chè mới và vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, việc huyện đầu tư trồng chè giống mới thực hiện biện pháp sản xuất chè hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch và kinh tế. Đặc biệt, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, Organic sẽ giúp quản lý sản xuất theo hướng giảm thiểu tình trạng mất an toàn vệ sinh sản phẩm và môi trường sinh thái.

Giờ đây, đến với xứ Mường, du khách phương xa không chỉ ngắm cảnh non nước, mây trời mà còn được thưởng thức hương trà Cao Sơn, sản phẩm được chắt chiu từ tinh hoa của đất trời ở chốn non cao. Được trồng nên núi cao, quanh năm mây phủ, sương giăng nên sản phẩm trà đặc sản Cao Sơn có hương thơm kỳ diệu, vị ngọt hậu. Thú thật, giữa tiết trời thu nơi miền cao núi nhọn se se lạnh, được thưởng thức chén trà Cao Sơn nồng ấm, tôi như có cảm giác đang được uống cả những giọt sương mai trên đỉnh núi vậy.

minh hà

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/nguoc-xu-muong-thuong-cao-son-tra-z5n20200929102335981.htm