Người 10 lần chinh phục đỉnh Everest: Muốn cùng bạn trẻ Việt trên nóc nhà thế giới
Cuối tháng 12/2023, Temba Bhote (SN 1980) - một nhà leo núi chuyên nghiệp nổi tiếng người Nepal đến Việt Nam. Trong quán cà phê nhỏ giữa Thủ đô Hà Nội, anh chia sẻ câu chuyện cuộc đời và hành trình 10 lần chinh phục đỉnh Everest của bản thân với mong muốn 'truyền lửa' để sớm có những người trẻ Việt Nam chinh phục được nóc nhà thế giới.
Trưởng thành từ một porter (người gùi đồ) trong 20 năm làm nghề hướng dẫn viên leo núi, Temba Bhote đã 10 lần chinh phục đỉnh Everest; có “bộ sưu tập” 9/14 đỉnh núi cao trên 8.000m của dãy Himalaya; 2 lần đứng trên đỉnh K2 - cao thứ 2 thế giới; 21 lần trên đỉnh Ama Dablam - một trong những đỉnh khó, biểu tượng của vùng Himalaya - đòi hỏi nhiều kinh nghiệm mới có thể chinh phục. Lần đầu tiên đến Việt Nam, Temba Bhote đã dành cho phóng viên Tiền Phong một cuộc trò chuyện.
Tôi sẽ lên đỉnh Everest nhiều lần nữa
Lần đầu tiên chinh phục đỉnh Everest, anh có cảm giác thế nào?
Đa phần mọi người mường tượng lần đầu tiên leo lên đỉnh Everest sẽ rất phấn khích, vui sướng. Với tôi lúc đó, cảm xúc là bình thường, bởi với tính chất công việc của mình, tôi nghĩ mình sẽ - phải lên nhiều lần nữa. Từ mốc 8.000m khi lên đến đỉnh Everest, tôi gần như không còn tri giác, tôi không nhớ điều gì, cứ như đi trong vô thức. Đến giờ, tôi không còn nhớ nhiều chi tiết về chuyến lên đỉnh Everest lần đầu tiên ấy. Chuyến đi ấy, tôi đã mất một bên Crampon (đế đinh gắn vào bốt leo núi, dụng cụ bắt buộc phải có khi chinh phục Everest) và chỉ đi một bên một bên Crampon thôi. Khi về đến trạm 4, mọi người hoan hỉ, chúc tụng nhau và uống bia. Tôi ngả lưng một lúc. Thời điểm đó, tôi cảm thấy có một điều gì đó đã đến trong cuộc đời mình.
Sau khi làm một porter tôi trưởng thành làm guider (hướng dẫn leo núi) rồi vươn lên làm guider expedition (hướng dẫn viên thám hiểm). Sau khoảng 10 năm trong nghề và từ từ nâng cấp trình độ bản thân một cách tự nhiên, tôi chinh phục được đỉnh cao 7.000m trên dãy Himalaya. Sau lần đó, tôi được trao cơ hội chinh phục Everest và thành công ngay trong lần đầu tiên năm 2011.
Anh đã đưa nhiều người lên đỉnh Everest thành công. Điều quan trọng nhất để chinh phục Everest là gì?
Hành trình chinh phục các đỉnh núi cao đã dạy cho tôi những bài học về sự sinh tồn. Tôi phải bảo vệ tính mạng của nhiều người trong đoàn leo núi, thì trước hết, bản thân tôi phải vững vàng. Nếu tôi không vững vàng, những người đi cùng tôi sẽ rất hoang mang. Đây là công việc nặng nhọc, có thể phải đánh đổi bằng cả tính mạng chứ không phải bằng sức lao động thuần túy nữa. Mỗi lần chinh phục một đỉnh núi cao, tôi phải rất tin ở khả năng của bản thân mình. Có niềm tin, sự vững vàng sẽ vượt qua được khó khăn. Tôi cũng đến với ngọn núi bằng sự tôn trọng, tâm thức kính ngưỡng. Tôi tôn trọng tất cả hành trình leo núi của mình. Trong hành trình đó, có những người hỗ trợ chúng ta, có cây cối, cảnh vật trong chuyến đi cũng có vai trò hỗ trợ.
“Tôi đã chinh phục 9/14 đỉnh núi cao trên 8.000m, đều nằm ở vùng Himalaya. Mục tiêu tiếp theo của tôi là hoàn thành chinh phục 14 đỉnh này. Mốc này không nhiều người trên thế giới có thể đạt được. Năm 2024, tôi sẽ lại chinh phục Everest và đang lên kế hoạch xác lập kỷ lục số lần chinh phục Everest trong thời gian ngắn nhất. Tôi cũng có kế hoạch chinh phục một đỉnh núi cao gần 7.000m với nhóm các bạn trẻ ở Việt Nam vào tháng 3/2024; đỉnh Ama Dablam (cao 6.812m); ngọn núi Manaslu (8.163m), còn có tên gọi khác là Kampunge, cao thứ 8 thế giới".
Mong bạn trẻ Việt Nam sớm đứng trên “nóc nhà thế giới”
Anh có thể chia sẻ bí quyết trong việc tập luyện? Làm sao để có thể chất phù hợp với môn leo núi?
Đồ ăn của tôi không có gì đặc biệt cả. Mọi người ăn thế nào tôi cũng ăn như vậy. Tôi còn gần như không tập luyện gì. Nhưng tôi xuất thân trong một gia đình nghèo ở vùng xa xôi của Nepal. Nơi tôi sinh ra đã có độ cao 2.400m. Từ nhỏ tôi phải đi chân đất trên đá, cả năm có một bộ quần áo mới vào dịp Tết của người Tây Tạng. Tôi làm việc từ rất nhỏ, và khá nặng nhọc so với sức của trẻ em.
Trường học của tôi cách nhà khá xa, tôi phải đi bộ 4 đến 5 tiếng mỗi ngày. Khi học cấp 2, trường xa hơn, tôi phải đi bộ mất cả ngày nên cả tháng mới về nhà một lần. Sau này, tôi quyết tâm học và đậu vào đại học Kathmandu, học ngành kinh doanh. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi học mất nhiều thời gian hơn và hoàn thành sau 7 năm. Để hỗ trợ cho gia đình, tôi tập làm porter, đi với các guide để có thu nhập. Nhờ đó mà tôi có cơ hội trưởng thành, gắn bó với hành trình chinh phục đỉnh Everest.
“Nhiều người liều lĩnh và điên cuồng đến mức họ bán hết tài sản, nhà cửa để thực hiện giấc mơ chinh phục Everest một lần, dù kể cả phải đánh đổi bằng cả mạng sống. Cũng có những người ở lại Everest mãi mãi. Nhìn thấy những xác chết trên đường lên đỉnh Everest, chúng ta có sợ không? Rõ ràng ai cũng sợ. Tôi nghĩ rằng, khi chấp nhận cuộc chơi thì cần nhìn về phía trước. Lên núi mà cứ nhìn vào phía sau thì sẽ bị rất choáng ngợp”.
Temba Bhote
Với các bạn trẻ Việt Nam, theo anh, cần làm gì để có thể leo lên đỉnh Everest?
Tôi có trải qua một quá trình huấn luyện để có chứng chỉ của chính phủ Nepal cho những người leo núi chuyên nghiệp. Để đạt được chứng chỉ này cũng không có gì ghê gớm. Tôi cho rằng, nếu muốn chinh phục Everest, các bạn có thể tập luyện trong chính ngôi nhà của mình. Bạn sống ở chung cư thì có thể leo thang bộ chung cư hàng ngày. Đừng chờ đợi khi đến được các dãy núi mới rèn luyện, bởi như thế chưa biết đến lúc nào mới tập được. Điều quan trọng nhất là tập hằng ngày. Và khi chúng ta có cơ hội tập luyện với các ngọn núi, chúng ta cần tận dụng để rèn luyện một cách thực tế hơn.
Tôi mong sớm có nhóm người trẻ Việt Nam cùng đứng trên nóc nhà thế giới. Thậm chí, tôi hy vọng sớm có người trẻ Việt Nam lập kỷ lục mới ở đỉnh 8.848m này.