Người âm thầm kết nối phụ nữ Việt Nam tại Nhật Bản

Nhiều năm qua, chị Lê Thị Thương (SN 1987, quê Quảng Bình), hiện là Chủ tịch Hội người Việt và Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Kansai, Nhật Bản đã nỗ lực tạo sân chơi, gắn kết và hỗ trợ những người phụ nữ Việt Nam vơi bớt khó khăn nơi đất khách.

Những việc "không tên, không lương"

Nhiều người nghĩ, phụ nữ Việt lấy chồng Nhật Bản sẽ có cuộc sống sung túc, thoải mái nhưng ít ai biết rằng có người trầm cảm vì cuộc sống bó hẹp, ít được giao lưu, có người dù trình độ cao tại Việt Nam nhưng sang nước bạn cũng phải tạm gác công việc.

Trong hoàn cảnh đó, rất cần những người làm công tác cộng đồng để tạo sân chơi, gắn kết và chia sẻ. Và chị Thương đã trở thành cầu nối giúp đỡ, hỗ trợ những người phụ nữ Việt Nam tại Kansai nói riêng và người Việt tại Nhật Bản nói chung vơi bớt khó khăn và giải tỏa tâm lý nơi đất khách.

Chị Lê Thị Thương (bên trái) chụp ảnh tại Lễ Mít tinh 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và ra mắt thư viện áo dài cho người Việt tại Nhật Bản (Ảnh: NVCC).

Chị Lê Thị Thương (bên trái) chụp ảnh tại Lễ Mít tinh 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và ra mắt thư viện áo dài cho người Việt tại Nhật Bản (Ảnh: NVCC).

Trong lúc trao đổi với phóng viên, chị Lê Thị Thương đang tư vấn tâm lý cho ba trường hợp phụ nữ người Việt tại Nhật Bản gặp khó khăn trong hôn nhân, thậm chí có người bị chồng đánh đập.

Chị Thương kể, chị xa quê hương hơn 15 năm, nhưng trung bình khoảng 1 tháng, lại về Việt Nam một lần, đa phần là để tham gia làm cầu nối các sự kiện kết nối cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, xúc tiến đầu tư, hợp tác giao lưu văn hóa giữa hai nước và đặc biệt là hỗ trợ cộng đồng phụ nữ người Việt tại Nhật Bản có môi trường để giao lưu, chia sẻ và phát triển bản thân.

Bởi chị hiểu, những người con xa quê nhất là phụ nữ Việt tại Nhật Bản gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, hoàn cảnh sống.

Sự kiện vui tết Trung thu tại Kansai, Nhật Bản thu hút rất động gia đình người Việt tại Nhật Bản tham dự (Ảnh: NVCC).

Sự kiện vui tết Trung thu tại Kansai, Nhật Bản thu hút rất động gia đình người Việt tại Nhật Bản tham dự (Ảnh: NVCC).

Như những ngày này, chị cùng các hội đoàn người Việt tại Kansai đã chuẩn bị sự kiện kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), gồm lễ mít tinh 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và ra mắt thư viện áo dài cho người Việt tại Nhật Bản vừa diễn ra vào ngày 18/10, tiếp nối một sự kiện xúc tiến đầu tư vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Góc khuất của phụ nữ Việt tại Nhật Bản

Chị Thương chia sẻ: "Phụ nữ Việt Nam lấy chồng tại Nhật Bản gặp khá nhiều khó khăn. Đa phần họ dù có học thức cao nhưng khi sang Nhật Bản nếu không giỏi tiếng thì chỉ có thể làm công việc bình thường hoặc ở nhà chăm chồng con. Cuộc sống quanh quẩn trong nhà, ít khi giao lưu, tham gia các sự kiện cộng đồng vì vậy, không ít trường hợp rơi vào trầm cảm".

Bản thân chị Thương thời gian đầu mới bước chân sang Nhật cũng gặp rào cản lớn về ngôn ngữ. Tuy từng làm công tác ngoại vụ ở Việt Nam chị có vốn tiếng Anh tốt nhưng lại không rành về tiếng Nhật Bản nên vẫn gặp vô vàn trắc trở.

Chị Lê Thị Thương chụp cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (trái) trong lễ phát động ngày tôn vinh Tiếng Việt (Ảnh: NVCC).

Chị Lê Thị Thương chụp cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (trái) trong lễ phát động ngày tôn vinh Tiếng Việt (Ảnh: NVCC).

Xác định ngôn ngữ là chìa khóa quan trọng, chị nỗ lực học tốt tiếng Nhật và học hỏi, tìm tòi làm nhiều công việc khác nhau. Đặc biệt, thay vì khép kín, bó hẹp trong cuộc sống gia đình, chị tích cực đi đầu trong các công tác cộng đồng.

Chị trở thành Chủ tịch Hội người Việt Nam tại vùng Kansai Nhật Bản từ ngày đầu thành lập - năm 2008. Hội người Việt Nam vùng Kansai Nhật Bản là tổ chức đại diện cho những người Việt Nam sinh sống và làm việc tại vùng Kansai và những vùng lân cận, được Chính phủ Việt Nam công nhận.

Rút kinh nghiệm từ bản thân, chị chú trọng mở các lớp dạy tiếng Nhật cho phụ nữ người Việt tại Nhật Bản để người phụ nữ có vốn liếng sớm tự tin hòa nhập với người dân bản địa, mở rộng quan hệ xã hội.

Song song với đó chị cũng tổ chức các sự kiện như Tết cổ truyền, Trung thu để những người phụ nữ Việt Nam tại Nhật Bản có dịp xúng xính quần áo đẹp, chia sẻ trò chuyện gắn kết với nhau, giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là gìn giữ nét văn hóa truyền thống tới những thế hệ sau sinh sống tại Nhật Bản.

Gần đây nhất, chị cùng Hội Phụ nữ Việt Nam vùng Kansai, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, kêu gọi các mạnh thường quân, nhà tài trợ để xây dựng Trường Việt ngữ Cây Tre.

Hiện trường thu hút hơn 100 học sinh lứa tuổi từ 5 đến 14, chia làm 6 lớp. Trong đó có 30 em học trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa thành phố Higashi Osaka. 70 em ở 20 tỉnh, thành phố trên khắp nước Nhật học online.

Trường có 2 giáo viên cơ hữu, 6 tình nguyện viên cùng đội ngũ cố vấn đến từ giảng viên môn Tiếng Việt, Trường Đại học Osaka và Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Một buổi học tại Trường Việt ngữ Cây tre do chị Lê Thị Thương là Hiệu trưởng (Ảnh: NVCC).

Một buổi học tại Trường Việt ngữ Cây tre do chị Lê Thị Thương là Hiệu trưởng (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về lý do dành tâm sức xây dựng ngôi trường này, chị Lê Thị Thương cho biết: "Thế hệ người Việt thứ 2, 3 được sinh ra trong các gia đình đa văn hóa Việt - Nhật với sự hòa trộn của 2 nền văn hóa, 2 ngôn ngữ, 2 chữ viết... Giỏi tiếng Việt, thấm nhuần văn hóa Việt giúp các em có thêm nhiều cơ hội để phát huy các giá trị của bản thân trong bối cảnh giao lưu giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản phát triển trên nhiều phương diện".

Mỗi buổi học, bên cạnh các con, các bà mẹ cũng có dịp giao lưu trao đổi với nhau để gắn kết cộng đồng hơn.

Ngược lại, những lớp học cũng tạo cơ hội để những nữ tình nguyện viên người Việt được thể hiện chuyên môn của mình sau thời gian dài lui về chăm sóc gia đình chồng con tại Nhật Bản, phải gác lại công việc.

Trong Trường Việt ngữ Cây Tre, có một tình nguyện viên từng là giáo viên dạy học tại Việt Nam nhưng sau đó sang Nhật Bản kết hôn và vì không biết tiếng Nhật nên phải làm công việc tay chân đơn thuần. Khi được mời tham gia giảng dạy tại Trường Việt ngữ Cây Tre, nữ tình nguyện viên dành khoảng 1 giờ/ngày để lên lớp.

Ban đầu, nữ tình nguyện viên này cũng mệt mỏi vì bị chồng phản đối gay gắt và còn phải lo công việc riêng, chăm sóc con cái gia đình. Tuy nhiên chị vẫn nỗ lực, sắp xếp thời gian và quyết tâm theo đuổi. Có công việc này, chị được sống lại quãng thời gian dạy học trước kia, có thêm mối quan hệ với gia đình các học sinh người Việt tại Nhật Bản.

Có lần, nữ tình nguyện viên này gặp tai nạn trên đường, trong lúc bị thương không thể di chuyển, loay hoay không biết làm sao thì may mắn có phụ huynh của một học sinh theo học tại trường Việt ngữ nhận ra và giúp đỡ đưa tới bệnh viện, chăm sóc, hỏi han chu đáo.

"Xúc động khi được nghe lại tiếng cô giáo thân thương, được gắn kết với thêm nhiều người Việt, cô gái ấy càng yêu công việc của mình dù đây là tình nguyện và hoàn toàn không lương", chị Thương chia sẻ.

Dạy con vững vàng, độc lập

Là một người phụ nữ, bên cạnh công việc riêng và việc cộng đồng, chị Thương cũng bộn bề với công việc chăm lo cho gia đình, con cái. Chưa kể, tại Nhật Bản, đa phần phụ nữ lấy chồng Nhật đều ở nhà chăm sóc con cái.

Nhưng chị có lối suy nghĩ khác mọi người, dù là vợ, mẹ nhưng chị vẫn cần sống với đam mê của chính mình. Tham gia hoạt động cộng đồng cũng là giúp chính chị giải tỏa áp lực, tiếp xúc với cộng đồng, thỏa đam mê được tham gia công tác xã hội.

Chị Thương tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người Việt gặp khó khăn do ảnh hưởng không chỉ bởi trận bão Yagi tại Việt Nam mà còn cả trong trận động đất mạnh tại Nhật Bản (Ảnh: NVCC).

Chị Thương tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người Việt gặp khó khăn do ảnh hưởng không chỉ bởi trận bão Yagi tại Việt Nam mà còn cả trong trận động đất mạnh tại Nhật Bản (Ảnh: NVCC).

Với con cái, chị cũng muốn con học được kỹ năng tự lo cho bản thân nên đã rèn con tự lập ngay từ đầu và kể cả không tham gia hoạt động cộng đồng, chị vẫn để các con tự lo còn mình chỉ quan sát, hướng dẫn.

Nhiều thời điểm, tất bật lo cho các sự kiện của cộng đồng, chị Thương cũng không thể dành nhiều thời gian cho các con. Nhưng chị cho rằng, bù lại các con sẽ có thêm sự quan tâm của các cô, các bác trong cộng đồng. Và chị tin khi con nhìn thấy mẹ trên bục phát biểu, theo dõi hành động mẹ làm vì cộng đồng, các con cũng sẽ tự hào và noi gương.

Với chồng, chị Thương cũng làm công tác tư tưởng để chồng hiểu đam mê, mong muốn cũng như mục đích trong công việc của chị.

"Chúng ta chỉ sống một lần nhưng nếu sống đúng thì một lần là đủ" - chị Thương cho biết đây là câu nói mà chị rất tâm đắc và lấy đó làm kim chỉ nam để sống một cuộc đời không cần cao sang nhưng tràn đầy tình yêu thương.

Vì những nỗ lực của mình, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Kansai Lê Thị Thương nhiều năm nhận được Giấy khen của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài về công tác Hội đoàn vào các năm 2019, 2022, 2024; Giấy khen của Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka năm 2024...

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-am-tham-ket-noi-phu-nu-viet-nam-tai-nhat-ban-192241019171428404.htm