Người Anh hùng bước ra từ trang sách

Những ngày đầu tháng chín vừa qua trở nên thật đặc biệt đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (tức Tô Hoài Đức). Ở tuổi xấp xỉ bát tuần, lần đầu ông được hưởng cái Tết Độc lập tại Thủ đô. Người lính già đầu bạc trong bộ quân phục gọn gàng giản dị, hơi lạc điệu trong nhịp sống thường nhật, lặng lẽ vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong một ngày thu nắng vàng như rải mật.

Những ngày đầu tháng chín vừa qua trở nên thật đặc biệt đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (tức Tô Hoài Đức). Ở tuổi xấp xỉ bát tuần, lần đầu ông được hưởng cái Tết Độc lập tại Thủ đô. Người lính già đầu bạc trong bộ quân phục gọn gàng giản dị, hơi lạc điệu trong nhịp sống thường nhật, lặng lẽ vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong một ngày thu nắng vàng như rải mật.

Trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, người lính già bồi hồi ôn lại kỷ niệm thời kỳ khốc liệt của chiến tranh, đặc biệt ở vùng Củ Chi đất thép quê hương ông. Đó là những tháng năm dài sống trong lòng địa đạo, mơ ước đến ngày độc lập, thèm được thư thái ngồi trên mặt đất, uống một ngụm trà, hít thở khí trời, chỉ một tiếng đồng hồ thôi cũng đủ lắm rồi...

Tháng hai năm 1962, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Tô Văn Đực, mọi người thường gọi là Út Đực, với khát khao được tham gia chiến đấu đánh đuổi đế quốc xâm lược, đã gia nhập vào đội ngũ dân quân du kích xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Vốn có sở thích tìm tòi về cơ khí, máy móc, thật duyên, Út Đực được tổ chức phân công phụ trách công xưởng của địa phương với nhiệm vụ chính là sửa chữa những vũ khí hỏng hóc trong quá trình chiến đấu. Đúng sở trường, như cá gặp nước, chàng trai trẻ ngày đêm mày mò tìm hiểu đủ thứ vũ khí mà anh em thu lượm về. Với niềm say mê hiếm có và nỗ lực tìm tòi, Út Đực đã liên tục đưa ra các sáng kiến trong cải tiến các loại vũ khí để cung cấp cho dân quân du kích địa phương đánh giặc. Mảnh đất Củ Chi cũng như nhiều vùng trên cả nước, những năm 1960 lạc hậu, nghèo đói xác xơ vì chiến tranh. Gọi là công xưởng, thực chất chỉ là cái lò rèn cũ của địa phương, đồ đạc máy móc chẳng có gì ngoài cái bễ thổi lò và mấy cái dũa. Thật kỳ diệu, chàng thanh niên chân chất Tô Văn Đực trình độ học vấn chỉ mới dừng lại ở đọc thông tính thạo, có thể cải tiến và sản xuất ra được hàng loạt các loại vũ khí chiến đấu nhạy bén với độ sát thương cao. Nhiều năm sau, trong một dịp vào Bảo tàng Củ Chi, ông Tô Hoài Đức mới biết khẩu súng ngắn do ông tự tạo hiện diện trong bảo tàng như một phần không thể thiếu ghi lại những ngày tháng vượt lên khó khăn với niềm tin vô bờ sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ của nhân dân thời kỳ đó.

Tái hiện lại câu chuyện quân và dân Củ Chi đánh Mỹ, Anh hùng Tô Hoài Đức vừa lật qua lật lại khẩu súng hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam do mình làm ra gần 60 năm trước, vừa thuyết minh từng chi tiết nhỏ cấu tạo nên khẩu súng, cái này được làm từ mẩu sừng trâu, cái kia được cưa từ thanh tà vẹt đường ray xe lửa, này là mảnh vỏ pháo sáng... “Ăn chơi” hơn, khẩu súng của Út Đực so với nguyên bản còn có thể bắn liên thanh, còn tăng được số viên đạn. Vốn không biết vẽ, Út Đực chỉ nung nấu suy nghĩ mãi trong đầu rồi cứ thế triển khai giữa lằn ranh bom đạn, giữa những trận càn. Sau 5 năm, anh đã cải tiến, sản xuất được nhiều loại vũ khí đặc thù, độc nhất vô nhị từ những thứ như súng trường, súng lục, các loại mìn, lựu đạn hư hỏng đế quốc Mỹ vứt lại. Lượng bom đạn đế quốc Mỹ đã quăng xuống mảnh đất Củ Chi những năm 1960 không biết bao nhiêu mà kể. Ẩn họa từ những quả bom chưa phát nổ luôn khiến người dân Củ Chi thời đó sống thấp thỏm bất an. Nhận nhiệm vụ của cấp trên, Út Đực “đuổi” hết đồng chí đồng đội, dân làng ra khỏi khu vực nguy hiểm, một mình ở lại lần mò tìm hiểu cách tháo gỡ. Thành công, anh phổ biến cho mọi người cách làm, lấy thuốc từ những quả bom xịt về làm thuốc súng, chế thành mìn, lựu đạn... Những sáng kiến, cải tiến của Út Đực thời kỳ đó khiến quân dân phấn khởi. Gần 5.000 xe tăng Mỹ bị phá hủy trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất ở Củ Chi hầu hết đều từ vũ khí là mìn gạt do anh chế tạo.

 Anh hùng Tô Văn Đực thuyết minh với cán bộ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sản phẩm súng tự tạo của mình. Ảnh trong bài. TIẾN LINH

Anh hùng Tô Văn Đực thuyết minh với cán bộ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sản phẩm súng tự tạo của mình. Ảnh trong bài. TIẾN LINH

Với những sáng kiến đặc biệt xuất sắc, năm 21 tuổi, Tô Văn Đực được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trên chiến hào địa đạo Củ Chi. Tiếp đó, anh đã vinh dự được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1968, từ nguyên mẫu Tô Văn Đực, truyện ký Anh hùng mìn gạt của nhà thơ Viễn Phương ra đời. Tác phẩm không chỉ được bạn đọc trong nước đón nhận mà được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp không lâu sau đó, để thấy sức “công phá” của người thanh niên trẻ thời kỳ đó chẳng thua kém gì những vũ khí do anh cải tiến. Nhiều nhà báo nước ngoài tìm đến phỏng vấn Tô Văn Đực cảm thấy tò mò và rất khó tin, bởi đối với họ, một thanh niên nông thôn trình độ văn hóa dừng lại ở biết đọc biết viết, sao có thể chế tạo, cải tiến vũ khí chiến đấu có tính chuyên môn cao đến vậy. Bằng cách nào, một người thanh niên thuần hậu chất phác học hành hiểu biết có hạn trở thành một dũng sĩ, Anh hùng.

Nước nhà thống nhất, Anh hùng Tô Văn Đực tiếp tục có những cống hiến trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, trong vai trò là Phó Chủ nhiệm kỹ thuật Quân khu 7. Nghỉ hưu, vợ chồng ông quyết định rời thành phố trở về quê hương ở ấp Xóm Bưng sau một đời cống hiến. Siêng năng cần cù và với đầu óc luôn tư duy sắc bén, ông những năm 1990 lại một lần nữa thành người nổi tiếng với mô hình làm giàu từ chăn nuôi trồng trọt. Chỉ một vài năm trằn mình lao động, từ mảnh đất sình lầy úng trũng hố bom hầm hào nguyên trạng lúc mua, ông đã cải tạo thành vườn cây ăn quả xanh mướt, rồi chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao...

Hơn 50 năm theo Đảng, trải qua bao thăng trầm cuộc sống, điều đáng quý nhất của Anh hùng mìn gạt Tô Hoài Đức là vẫn luôn thiết tha yêu cuộc sống, trọn vẹn một lòng tin yêu Đảng. Trong những bài học lịch sử, những buổi học trải nghiệm của học sinh, sinh viên ở địa phương cũng như bè bạn khắp nơi khi đến Củ Chi, trong các buổi gặp mặt truyền thống, các dịp kỷ niệm... Ông luôn ý thức phải kể lại cho các thế hệ con cháu, ôn lại câu chuyện lịch sử của cha ông trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho nước nhà. Câu chuyện của người bước ra từ cuộc chiến luôn chân thực, sinh động khiến người nghe thấy thấm thía và giàu sức thuyết phục. Nhìn lại, ôn lại quá khứ, cũng là cách để trân quý hơn những gì đang có của hiện tại...

BÌNH NHI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/doi-song-xa-hoi-hangthang/nguoi-anh-hung-buoc-ra-tu-trang-sach--618742/