Người Bahnar ở Kon Pne 'sống khỏe' nhờ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng
Nhờ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mà đồng bào Bahnar ở xã Kon Pne (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) từng bước cải thiện đời sống, phát triển sinh kế và gắn bó hơn với rừng.
Huy động sức dân bảo vệ rừng
Thời gian qua, 386 hộ dân ở các làng Kon Hleng, Kon Ktonh, Kon Kring “sống khỏe” nhờ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ hơn 2.761 ha rừng. Hưởng lợi trực tiếp từ chính sách chi trả DVMTR với mức chi trả 412.000 đồng/ha/năm, thu nhập bình quân của các hộ nhận khoán hàng năm trên 10 triệu đồng, qua đó giúp họ cải thiện cuộc sống và ra sức bảo vệ rừng.
Ông Đinh Ủi-Bí thư Chi bộ làng Kon Ktonh-cho biết: Làng Kon Ktonh có 4 tổ quản lý, bảo vệ rừng (mỗi tổ từ 16 đến 20 người) thay phiên nhau đi tuần tra khu vực rừng nhận khoán. Diện tích rừng nhận khoán của làng gần 1.100 ha, nằm ở những khu vực đồi núi cao nên việc tuần tra rất gian khổ. Vào mùa mưa, đường trơn trượt, nhiều vực sâu nguy hiểm, cây ngã đổ, nhưng người dân sợ lâm tặc lợi dụng thời điểm này xâm hại đến rừng nên ai nấy cũng đều ra sức bảo vệ.
“Nằm vùng” từ nhiều năm nay, tham gia cùng người dân trong việc tuần tra bảo vệ rừng, ông Trịnh Quốc Dân-Kiểm lâm địa bàn (Hạt Kiểm lâm huyện Kbang) cho hay: Việc thường xuyên cùng đoàn liên ngành của xã đến tuyên truyền ở các thôn, làng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Một khi họ thấy được lợi ích của việc bảo vệ rừng tạo ra sinh kế lâu dài làm làm thay đổi cuộc sống, cho thu nhập ổn định thì việc gây tác hại đến rừng tự khắc sẽ không còn.
Được giao nhiệm vụ quản lý diện tích rừng tại xã Kon Pne nên ông Dân thường xuyên trao đổi thông tin với lãnh đạo xã, tham mưu lập kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng. Đồng thời, thành lập Tổ liên ngành của xã gồm các thành phần: Ban Chỉ huy Quân sự, Công an và các đoàn thể của xã. Trạm bảo vệ rừng số 6 (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) thường xuyên tuần tra rừng, đôn đốc, nhắc nhở các tổ bảo vệ rừng của làng kiểm tra rừng theo lịch đã phân công.
Ổn định thu nhập, phát triển sinh kế
Từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, anh Hnhrát (làng Kon Ktonh) cũng như các hộ dân trong làng đều nỗ lực ngăn ngừa các hành vi xâm hại rừng, chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy. Số tiền “giữ rừng” đã trở thành thu nhập chính của gia đình. Với mức hỗ trợ 200.000 đồng/ngày cho việc đi tuần tra bảo vệ rừng, mỗi quý, anh nhận được hơn 3 triệu đồng.
Ngoài việc chi tiêu trong gia đình, anh Hnhrát còn mua hơn chục con gà mái để nuôi. Đến nay, đàn gà đã lên đến hơn 60 con. Thu nhập từ tiền bán trứng và gà thịt giúp gia đình anh cải thiện đời sống.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh vừa tổ chức chương trình “Đồng hành cùng học sinh đến trường” tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne. Ngoài việc giúp các em học sinh có được những hiểu biết cơ bản về chính sách chi trả DVMTR, đơn vị này còn tặng 119 suất quà và 25 suất học bổng (200.000 đồng/suất) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tương tự, ông Đinh A Phir-Trưởng thôn Kon Hleng-cho biết: Dân làng Kon Hleng thống nhất, hàng năm, khi chi trả tiền DVMTR cho những người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng sẽ trích lại từ 10 đến 30 triệu đồng để gây quỹ cho các hộ khó khăn vay phát triển sản xuất.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ thỏa thuận với làng nâng mức gây quỹ lên 50 triệu đồng/năm, khi đó suất cho vay sẽ nhiều hơn và số tiền cho người dân vay cũng được tăng lên. Đồng thời, xây dựng kế hoạch mua bò giao cho các hộ khó khăn nuôi đến khi sinh được bê con thì chuyển cho hộ khác”-Trưởng thôn Kon Hleng cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Dương Quốc Điệp-Chủ tịch UBND xã Kon Pne-khẳng định: Những năm qua, việc nhận khoán bảo vệ rừng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân các làng đồng bào Bahnar. Do vậy, ngoài kiện toàn Tổ quản lý bảo vệ rừng của xã, phân công từng thành viên phụ trách, hỗ trợ người dân ở các làng triển khai thực hiện, xã còn thành lập tổ giám sát cộng đồng về công tác quản lý bảo vệ rừng, chi trả tiền DVMTR.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND xã Kon Pne cho biết thêm: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X cũng xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Theo đó, UBND xã xây dựng kế hoạch chuyên đề về phát triển rừng giai đoạn 2020-2025. Trước mắt là chuyển đổi đất trồng lúa, mì kém hiệu quả ở các triền dốc sang trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn (từ 10 năm trở lên) để tăng thu nhập cho người dân trong thời gian đến.