Người bệnh có thể tra cứu thông tin trong Hệ thống thông tin về khám, chữa bệnh

Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh sẽ hỗ trợ việc gửi dữ liệu khám bệnh chuyển tuyến giữa các cơ sở y tế, giúp người dân tra cứu được lịch sử khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư quy định xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Hệ thống này sẽ hỗ trợ việc gửi dữ liệu khám bệnh chuyển tuyến giữa các cơ sở y tế, giúp người dân tra cứu được lịch sử khám chữa bệnh và hỗ trợ cơ quan quản lý kiểm tra tình trạng lạm dụng thẻ bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế cho biết, gần 100% các bệnh viện hiện nay đã sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh, và 99,5% cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế với cơ quan giám định và thanh toán bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, việc chưa có một hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh tập trung khiến công tác điều hành gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần một hệ thống thông tin tập trung để hỗ trợ công tác điều hành quản lý, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh và giảm thiểu thời gian thủ tục trong công tác giám định.

Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

Cũng theo Bộ Y tế, với quy mô triển khai toàn quốc, Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng nhu cầu truy cập, tra cứu, đối soát và quản lý dữ liệu. Hệ thống cũng cần hỗ trợ việc gửi dữ liệu khám bệnh chuyển tuyến giữa các cơ sở y tế, giúp người dân tra cứu được lịch sử khám chữa bệnh và hỗ trợ nhà quản lý kiểm tra tình trạng lạm dụng thẻ bảo hiểm y tế.

Hệ thống thông tin này được Bộ Y tế thống nhất quản lý, bảo đảm tuân thủ các quy định về an toàn, bảo mật thông tin, và phải có khả năng liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như hệ thống thông tin y tế khác. Hệ thống phải đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo mật, toàn vẹn dữ liệu, và khả năng truy cập cho các cơ quan có thẩm quyền.

Trong đó, thông tin sức khỏe cá nhân của người bệnh phải được bảo mật tuyệt đối theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; phải đảm bảo thông tin không bị tiết lộ trái phép, đồng thời bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật trong quá trình lưu trữ và trao đổi dữ liệu.

Thông tin của người bệnh được cập nhật trong hệ thống bao gồm: Thông tin dữ liệu dân cư (họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, nghề nghiệp, số định danh cá nhân hoặc số thẻ bảo hiểm y tế); thông tin về địa chỉ; thông tin nhập viện, xuất viện, chuyển viện; phẫu thuật, thủ thuật đã thực hiện; chẩn đoán xác định khi ra viện, bao gồm bệnh chính, biến chứng bệnh kèm theo, nguyên nhân, tình trạng sức khỏe liên quan khác kèm theo...

Hệ thống cũng sẽ cập nhật tóm tắt quá trình điều trị nhằm phục vụ liên thông dữ liệu lên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử và sổ sức khỏe điện tử. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin này cũng sẽ xây dựng thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chi trả, dịch vụ bảo hiểm y tế không chi trả và giá dịch vụ theo yêu cầu; giá dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và các chi phí liên quan đến điều trị.

Mã định danh người bệnh được xác lập dựa trên Số định danh cá nhân (ID) và sử dụng trên toàn bộ hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Điều này đảm bảo sự liên thông, kết nối dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế khác nhau, phục vụ cho việc quản lý và tra cứu thông tin sức khỏe của người bệnh một cách đồng bộ.

Đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, mã định danh người bệnh có thể sử dụng 10 số cuối của số thẻ bảo hiểm y tế để liên kết thông tin...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-benh-co-the-tra-cuu-thong-tin-trong-he-thong-thong-tin-ve-kham-chua-benh-177798.html