Người bệnh tiểu đường ăn bao nhiêu mít để không ảnh hưởng sức khỏe?

Mít là loại trái cây thơm ngon được nhiều người yêu thích, tuy nhiên người mắc bệnh tiểu đường cần ăn liều lượng phù hợp để không ảnh hưởng tới đường huyết.

Chứa hàm lượng dinh dưỡng lớn

Mít giàu chất dinh dưỡng như: Vitamin C, vitamin B, magie, kali và chứa nhiều chất chống oxy hóa tăng cường sức khỏe, có thể giúp ngăn ngừa viêm mãn tính.

Mít là loại trái cây thơm ngon được nhiều người yêu thích

Mít là loại trái cây thơm ngon được nhiều người yêu thích

Đặc biệt, kali có tác dụng điều chỉnh huyết áp bằng cách làm giãn mạch máu và thúc đẩy bài tiết natri qua nước tiểu. Các nghiên cứu cho thấy, những người lượng kali thấp có nhiều khả năng bị huyết áp cao hơn.

Ngoài kali, mít còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác có lợi cho tim, chẳng hạn như magie và chất xơ. Magie cũng rất quan trọng trong việc điều hòa huyết áp, còn chất xơ giúp hỗ trợ mức cholesterol khỏe mạnh. Vì thế, mít được coi là một loại thực phẩm có tác dụng giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.

Tuy nhiên, về mặt các chất dinh dưỡng đa lượng, mít bao gồm chủ yếu là carbs. Những carbs này ở dạng đường tự nhiên, làm tăng lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, mít nằm trong nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết trong khoảng từ 50 - 60. Vì vậy, người bị tiểu đường có thể được ăn mít nhưng chỉ nên ăn với lượng vừa phải, điều độ, mỗi lần chỉ nên ăn khoảng 75 gram mít.

Những tác dụng không ngờ từ mít non

Không giống như mít chín, mít xanh, mít non lại rất tốt cho bệnh tiểu đường. Các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện tại Dịch vụ nghiên cứu chỉ số Glycemia của Đại học Sydney đã phát hiện ra mít xanh có tải lượng đường huyết thấp hơn nhiều so với gạo và lúa mì.

Bên cạnh đó, thành phần của mít non có nhiều chất chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do, qua đó có khả năng phòng ngừa một số bệnh như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch…

Do đó, đây là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và rất thích hợp với người bị bệnh tiểu đường. Hơn nữa, mít non cung cấp nhiều chất xơ, chất đạm giúp quá trình tiêu hóa diễn ra một cách từ từ và hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Chất xơ trong mít non cũng giúp no lâu, giảm cảm giác thèm ăn, giúp người bệnh tiểu đường giảm cân một cách khoa học.

Ngoài ra, người bệnh tiểu đường có nguy cơ viêm nhiễm cao hơn bình thường, do đó, chất chống oxy hóa trong mít non có tác dụng làm giảm nguy cơ và biến chứng của bệnh .

Ngoài tác dụng với người bệnh tiểu đường thì mít non còn được khuyến cáo trong việc hỗ trợ giảm cholesterol xấu. Khi còn non, mít chứa hàm lượng xơ cao nhất và rất tốt để cải thiện tình trạng cholesterol. Chất xơ nguồn gốc từ trái cây có tác dụng loại bỏ cholesterol hiệu quả. Vì vậy, dùng mít non như một loại rau để chế biến thành các món ăn hàng ngày sẽ giúp loại bỏ cholesterol xấu ra khỏi cơ thể.

Giúp giảm cân: Mít non chứa nước và chất xơ cao hơn cơm hoặc bánh mì. Vì vậy, tiêu thụ loại thực phẩm này tốt hơn nhiều cho sức khỏe. Theo tính toán, một bát mít non chứa ít calo hơn hai cái bánh mì, và số calo thấp hơn nhiều so với một bát cơm. Vì thế, mít non mang lại cảm giác no lâu và là thực phẩm phù hợp cho việc giảm cân.

Với nhiều giá trị dinh dưỡng như: Calo, protein, chất xơ, vitamin C, kali, thậm chí cả omega-3, quả mít non còn được nhiều đầu bếp trên thế giới sử dụng để thay thế hoàn toàn thịt lợn trong các món ăn chay, bổ dưỡng.

* Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh tiểu đường cần đặc biệt chú ý tới chế độ dinh dưỡng để không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-benh-tieu-duong-an-bao-nhieu-mit-de-khong-anh-huong-suc-khoe-329494.html