Người bệnh ung thư bị giảm cơ hội khỏi bệnh nếu đến viện trễ

Ung thư phổi và ung thư gan là 2 loại ung thư đứng hàng đầu ở Việt Nam về số mắc và tử vong. Song, nhiều người chủ quan không thăm khám sức khỏe định kỳ, hút nhiều thuốc lá, uống rượu, mắc viêm gan virus B, C nhưng không điều trị, dẫn tới khi phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn muộn, thậm chí tử vong. Có bệnh nhân tới viện khám mới biết nhiễm viêm gan B ở giai đoạn rất nặng, chuyển sang suy gan, chỉ còn cách ghép gan.

Ung thư phổi có di truyền?

Khoảng một tháng trước ngày nhập viện, bà Nguyễn Thị Mý (60 tuổi, Quảng Ninh) cảm thấy tức ngực, khó thở, mệt mỏi. Tưởng hậu COVID-19, bà đi khám ở bệnh viện tuyến huyện, phát hiện trong phổi có nhiều dịch, bà được chuyển xuống bệnh viện tuyến tỉnh. Điều trị nửa tháng bằng kháng sinh không đỡ, bà được chọc dịch để sinh thiết, kết quả nghi ngờ ung thư. Gia đình đưa bà lên Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) chụp chiếu và làm các xét nghiệm, kết quả bà mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn.

Một bệnh nhân bị suy gan cấp vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Một bệnh nhân bị suy gan cấp vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo lời kể của bà Mý thì bà không hút thuốc lá, gia đình không ai hút thuốc. Vài năm nay bà Mý không đi khám sức khỏe, thỉnh thoảng cảm hay đau họng tự mua thuốc uống. Khoảng 1 năm trước, bà bị tức ngực, nhưng cũng không đi khám, sau đó hết nên cũng không nghĩ mình mắc bệnh. “Tôi đã rất sốc khi biết mình mắc ung thư giai đoạn cuối, giờ chỉ trông chờ vào điều trị đích xem có đỡ không”, bà Mý cho biết.

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), rất nhiều người đến khám phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn. Có bệnh nhân chẩn đoán ung thư nhưng bỏ điều trị, đi uống thuốc nam. Ung thư phổi là một bệnh lý ác tính xuất phát tự sự tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào trong nhu mô phổi. Bệnh phổ biến trên toàn thế giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý ung thư ở cả 2 giới. Ước tính mỗi năm có khoảng 1,8 triệu ca tử vong trên toàn thế giới do ung thư phổi.

Theo BS Nguyễn Tiến Đồng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, hút thuốc lá được coi là yếu tố nguy cơ chính với ung thư phổi. Tuy nhiên, theo thống kê trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 10-15% người hút thuốc lá bị ung thư phổi và 10-25% những người bị ung thư phổi không hề hút thuốc. Hút thuốc lá thụ động được đặt ra trong trường hợp này, vì nó đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20%. Vậy nhưng hút thuốc lá thụ động cũng chỉ chiếm từ 16-24% các trường hợp ung thư phổi ở những người không hút thuốc. Khoảng 8% các trường hợp ung thư phổi là ung thư phổi di truyền.Việc xác định đột biến gen của tế bào dòng mầm liên quan tới ung thư phổi di truyền vẫn còn là một thách thức. Hiện nay, một số gen có liên quan tới bệnh ung thư phổi được xác định gồm: Gen EGFR (ước tính làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở những người không hút thuốc lên 31%), gen PT53, gen BRCA, gen HER2 và một số gen khác như HER2, YAP1, CHECK2…

Tử vong vì viêm gan B nhưng không biết

Ung thư gan là loại ung thư có tỷ lệ mắc mới hằng năm đứng đầu trong các loại ung thư tại Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư gan theo giới tính nam cao thứ 3 thế giới. Theo Bệnh viện K, có 5 nguyên nhân chính gây ra ung thư gan khiến người Việt có tỷ lệ mắc và chết cao là: Xơ gan, viêm gan B, viêm gan C, rượu bia và thừa sắt.

Với ung thư gan, người ta đã xác định được nguyên nhân hàng đầu là do virus viêm gan B hoặc C. Đây là 2 loại virus gây nhiễm trùng mạn tính, được ví là "sát thủ thầm lặng" dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Trên 80% bệnh nhân ung thư gan là do tiến triển từ viêm gan virus B, khoảng 5% bệnh nhân ung thư gan được xác định là do virus viêm gan C. Theo BSCKI Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), viêm gan B và C đều diễn tiến hết sức thầm lặng, thường khi người bệnh bước vào giai đoạn nặng như xơ gan, ung thư gan bệnh mới có biểu hiện rõ ràng hơn. Tại Bệnh viện 19-8 thời gian vừa qua tiếp nhận 4 bệnh nhân đến khám trong tình trạng mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, qua xét nghiệm cả 4 đều mắc viêm gan B. Điều đáng nói là các bệnh nhân này chưa đi khám bao giờ, chỉ tới khi thấy triệu chứng nặng mới tới viện thì đã ở giai đoạn suy gan. Cả 4 trường hợp không còn cách nào khác ngoài ghép gan mới cứu được tính mạng. Vào viện điều trị một thời gian thì 3 bệnh nhân tử vong. Còn theo BS Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong quá trình thăm khám và điều trị, có gia đình, nhiều thế hệ mắc viêm gan B và nhiều người trong đó đã mất vì ung thư gan. Viêm gan B nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả sẽ dẫn đến biến chứng xơ gan trong vòng 20 năm hoặc có thể sớm hơn. Virus viêm gan B làm tăng nguy cơ tăng sinh tế bào gan ác tính trong suốt thời gian diễn biến viêm gan cho đến xơ gan. Biến chứng ung thư thường xảy ra trong vòng 10 năm sau khi bị xơ gan.

Theo BS Phạm Thị Việt Anh, viêm gan B có thể phòng ngừa bằng tiêm vaccine viêm gan B 3 mũi. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, BS thấy nhiều người chưa tiêm vaccine phòng viêm gan B. Để biết người đã tiêm vaccine có kháng thể hay không thì phải xét nghiệm, nếu không có kháng thể thì phải tiêm lại từ đầu. Theo khuyến cáo của BS, với những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư gan cần phải tầm soát định kỳ bằng siêu âm ổ bụng, bộ 3 xét nghiệm chất chỉ định khối u trong máu. Người mắc viêm gan B, C thường xuyên khám bệnh theo lịch hẹn để giảm nguy cơ tiến triển thành ung thư ác tính. Bên cạnh đó, tất cả nam giới từ 40 tuổi trở lên có tình trạng xơ gan do bất cứ nguyên nhân gì cần phải tầm soát ung thư gan.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/nguoi-benh-ung-thu-bi-giam-co-hoi-khoi-benh-neu-den-vien-tre-i664277/