Người bệnh gan nên tập thể dục như thế nào?
Với người bệnh gan ngoài việc dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng hợp lý thì tập luyện thể dục cũng góp phần hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Lợi ích của việc tập luyện đối với người bệnh gan
Khi mắc bệnh gan người bệnh thường hay có triệu chứng chán ăn nên ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc men thì nên nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc. Tuy vậy, người bệnh vẫn nên tập thể dục thường xuyên, hợp lý để có thể nâng cao thể chất, tăng cường chức năng tim phổi, tăng tốc độ trao đổi chất có thể cải thiện chức năng gan.
Các ghi nhận cho thấy, thể dục hợp lý có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh gan do nghỉ ngơi quá nhiều như cải thiện tình trạng mệt mỏi, chán ăn… đồng thời có thể giảm căng thẳng tinh thần cho người bệnh. Ngoài ra, khi tập thể dục có thể giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm xung huyết gan, tăng cảm giác thèm ăn, cải thiện chức năng tiêu hóa và hấp thu v.v.
Thực tế cho thấy lợi ích rõ nhất với người bệnh gan khi luyện tập phù hợp có thể giúp cải thiện tình trạng căng thẳng giúp giảm các triệu chứng thần kinh của bệnh nhân viêm gan mạn tính như hồi hộp, mất ngủ, trầm cảm…, cải thiện phản ứng của vỏ não và hệ thần kinh tự chủ, điều hòa chức năng gan, tăng cường sức đề kháng và miễn dịch cho toàn cơ thể.
Lưu ý tập thể dục với người bệnh gan
Nhiều người bệnh gan thường thắc mắc tập luyện như thế nào, cần chú ý những gì? Trên thực tế trước khi tập luyện môn thể thao như thế nào người mắc bệnh gan nên có sự tư vấn cụ thể của bác sĩ.
Tùy từng người bệnh cụ thể mà các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp. Thông thường người bệnh gan có thể lựa chọn tập thể dục nhịp điệu hoặc luyện tập thể dục thể lực như: đi bộ, đi bộ nhanh hay đạp xe, thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ, bơi, yoga…
Tuy nhiên, đối với các bệnh lý gan kèm theo hoặc có liên quan với các bệnh như: tiểu đường, tăng huyết áp thì khi luyện tập cần phải biết được mức đường huyết tăng hay giảm để còn luyện tập hợp lý. Huyết áp như thế nào để điều chỉnh tốc độ, thời gian luyện tập.
Đối với các bệnh lý về gan có ảnh hưởng cơ xương khớp, thoái hóa thì hãy chọn cho mình những động tác thể dục ít làm tác động trọng lượng của cơ thể lên các khớp nhằm giảm tổn thương khớp nặng thêm.
Người bệnh gan nên tránh các môn thể thao thiếu oxy, chẳng hạn như bóng đá, chạy nước rút, v.v.
Cần lưu ý khi tập không quá vội vàng, nên tuân thủ nguyên tắc từ từ, nhất là tốc độ vận động và thời gian vận động nên tăng dần. Một vài bài tập khởi động luôn luôn được thực hiện đầu tiên để làm ấm cơ thể trước khi thực hiện những bài tập thể lực.
Cần chú ý đến những thay đổi cơ thể khi vận động, thời gian và tần suất vận động cho phù hợp với sức khỏe của mình. Việc tập luyện cường độ vừa phải, tức là khi vận động hô hấp và nhịp tim tăng lên, nếu cảm thấy mệt mỏi nhẹ và đổ mồ hôi nên nghỉ ngơi. Không nên tập quá sức cảm thấy chóng mặt, khó thở.
Sau khi tập thể dục, sự mệt mỏi có thể biến mất nhanh chóng, năng lượng, thể lực và cảm giác ngon miệng được duy trì ở tình trạng tốt. Thời gian tập không dưới 30 phút, tuần 3 lần. Nếu là gan nhiễm mỡ cấp tính hoặc gan nhiễm mỡ đang hoạt động, hoặc kèm theo suy gan, thận, tim v.v., nên khống chế và giảm bớt lượng vận động hợp lý, chủ yếu là nghỉ ngơi.
Cần lưu ý, những người bị xơ gan đã có biến chứng dãn tĩnh mạch thực quản nên tránh tập luyện thể lực. Điều này là do trương lực của thành thực quản có thể gia tăng mạnh với việc tập thể lực, mà điều đó sẽ đẩy nhóm này đến nguy cơ vỡ dãn tĩnh mạch thực quản và chảy máu.
Tóm lại: Việc tập luyện thể dục là điều tốt ngay cả với người có bệnh lý về gan. Tuy nhiên, tập như thế nào, cường độ ra sao, có nên tập hàng ngày không? là những lưu ý rất cần thiết cho từng bệnh nhân cụ thể.
Do đó, trước khi luyện tập người bệnh nên có sự tư vấn kỹ càng của bác sĩ. Bởi khi mắc bệnh gan người bệnh cần có các biện pháp nghỉ ngơi, điều tiết trong làm việc, sinh hoạt thể lực sao cho phù hợp để tăng cường sức lực, chống chọi với bệnh tật và giúp bệnh mau hồi phục.