Người bệnh vật vã vì thiếu thuốc, vật tư y tế

Theo phản ánh của bạn đọc, hiện nay, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tại khu vực miền Trung vẫn rơi vào cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế khiến người bệnh khốn khổ vì phải chờ đợi.

Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, nơi xảy ra tình trạng thiếu thuốc khiến người nhà bệnh nhân phải tìm mua thuốc bên ngoài lúc 1 giờ sáng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, nơi xảy ra tình trạng thiếu thuốc khiến người nhà bệnh nhân phải tìm mua thuốc bên ngoài lúc 1 giờ sáng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Chạy mua thuốc cấp cứu giữa khuya

Hơn 23 giờ ngày 19-8, anh N.T.V đưa người thân chuyển từ bệnh viện Thăng Bình vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trong tình trạng nguy kịch để cấp cứu. Các bác sĩ sau thời gian cấp cứu đã yêu cầu người nhà ra ngoài mua thuốc liên quan đến nhồi máu cơ tim, lúc đó đã gần 1 giờ ngày 20-8.

Anh N.T.V đã phải chạy quanh TP Tam Kỳ để tìm mua loại thuốc mà bác sĩ yêu cầu nhưng tất cả nhà thuốc đã đóng cửa. Anh N.T.V đã phải gõ cửa từng nhà thuốc nhằm tìm kiếm cơ hội để cứu người thân. “Sau khi tìm đến hàng chục nhà thuốc thì có một nơi mở cửa, nhưng lại không có thuốc. Khi về đến bệnh viện thì người thân đã chuyển lên phòng Hồi sức tích cực”, anh N.T.V kể.

Sau đó, anh N.T.V chia sẻ thông tin này lên mạng xã hội. Nhiều người bình luận tỏ vẻ bức xúc về việc khoa cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam không có thuốc, để người nhà bệnh nhân phải ra ngoài mua, nhất là thuốc liên quan đến nhồi máu cơ tim. Một số bình luận cũng cảm thông với người nhà bệnh nhân về việc tình trạng thiếu thuốc, vật tư của các bệnh viện.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà cả bệnh nhân và thân nhân gặp khó khăn khi đi khám chữa bệnh trong hoàn cảnh bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế. Theo ghi nhận của PV SGGP tại Bệnh viện Đà Nẵng, chiều 20-8, tại khoa Dược thuộc Bệnh viện Đà Nẵng vẫn có người dân cầm đơn thuốc của bệnh viện và ra tiệm thuốc bên ngoài để mua.

Ông Nguyễn Văn M. (58 tuổi, trú xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết, ông mắc bệnh về đại tràng và được nhập viện. Bệnh viện Đà Nẵng kê toa thuốc có 2 mục. Trong đó, có mục về kim luồn tĩnh mạch thì bác sĩ bảo ông phải ra ngoài mua vì hiện tại bệnh viện không có.

Tương tự, vợ chồng bà Nguyễn Thị L. (51 tuổi, trú xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, chuẩn bị xuất viện sau 5 ngày nằm viện do bị viêm dạ dày, hai ông bà đến nhận thuốc thì dược sĩ thông tin không có loại enterogermina (men ống vi sinh) và levofloxacin 500mg. Vợ chồng bà L. đành ra tiệm thuốc đối diện bệnh viện để mua bổ sung.

Ngày 21-8, PV SGGP ghi nhận thực tế tại một số bệnh viện trên địa bàn TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và nhận thấy vẫn còn tình trạng nhà thuốc bệnh viện thiếu thuốc, bệnh nhân phải chật vật ra ngoài tìm mua nhiều loại thuốc. Ghi nhận trong gần 1 giờ đồng hồ tại nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, cứ 10 bệnh nhân vào mua thuốc có 4 bệnh nhân phải ra ngoài tìm mua vì bệnh viện không có thuốc.

Tại tỉnh Phú Yên, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra từ năm 2023, có thời điểm gây rất nhiều khó khăn cho ngành y tế và người dân của tỉnh. Tuy nhiên, hiện “cơn khát” đã được cải thiện, chỉ xảy ra cục bộ ở một số cơ sở, bệnh viện.

Nhiều thời điểm, nhà thuốc bệnh viện tuyến tỉnh Bình Định xảy ra tình trạng thiếu thuốc, người nhà bệnh nhân phải ra ngoài mua

Thiếu thuốc vì nhà thầu không tham gia đấu thầu

Trao đổi về trường hợp thiếu thuốc trong cấp cứu của người thân anh N.T.V, BS Nguyễn Ngọc Văn Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, xác nhận, hiện vẫn còn một số loại thuốc đã thông qua đấu thầu nhưng chưa cung ứng được hoặc hết nên buộc phải dùng thuốc bên ngoài.

BS Nguyễn Ngọc Văn Khoa cho rằng, không phải 100% các loại thuốc đều tham gia đấu thầu được, trong đó có một số lô thuốc không có nhà thầu tham dự, vượt giá kế hoạch… Do đó, bệnh viện đang xúc tiến để tổ chức đấu thầu trở lại để có thuốc phục vụ khám chữa bệnh.

Trong khi đó, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho rằng, hiện nay, các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế tập trung cấp địa phương cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị khẩn trương ký kết hợp đồng và tiến hành mua sắm theo kết quả lựa chọn nhà thầu. Do đó, có thể khẳng định, thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế.

Về vấn đề này, TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết, đơn vị vừa công bố kế hoạch trúng thầu 2 gói thuốc (1 gói cách đầy gần 10 ngày, 1 gói cách đây gần 7 ngày). Về vật tư, thiết bị y tế, đơn vị cung ứng gần như đầy đủ. Điển hình như, kim luồn tĩnh mạch trong ngày 21-8 sẽ có, chỉ còn một số mặt hàng nhỏ lẻ đang làm hồ sơ mời thầu, tầm nửa tháng mới có kết quả.

Theo BS Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, vấn đề thiếu thuốc hay vật tư y tế chỉ mang tính chất gián đoạn tạm thời. Bởi theo quy định, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc tại các cơ sở y tế dự kiến mất ít nhất 2-3 tháng, dẫn đến tình trạng gián đoạn cung ứng một số thuốc, bao gồm thuốc bảo hiểm y tế.

Trao đổi nhanh với PV Báo SGGP, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết, từ 2 năm trước, kể cả thời điểm diễn ra dịch Covid-19, địa phương đã chủ động thực hiện nhanh các gói thầu về thuốc, thiết bị, vật tư y tế để đón bắt thời kỳ sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu. Vì vậy, đến nay, cơ bản địa bàn không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh.

Nhóm PV

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nguoi-benh-vat-va-vi-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-post116466.html