Người bị bạo lực gia đình có quyền và trách nhiệm gì?

* Bạn đọc Văn Trọng Nghĩa ở xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, người bị bạo lực gia đình có quyền và trách nhiệm gì?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 9 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Cụ thể như sau:

1. Người bị bạo lực gia đình có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình;

b) Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định của luật này;

c) Được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý và trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;

đ) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tài sản;

e) Được thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, xử lý hành vi bạo lực gia đình;

g) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

h) Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến hành vi bạo lực gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

* Bạn đọc Nguyễn Đình Trung ở xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, hỏi: Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 49 Luật Thanh tra năm 2022. Cụ thể như sau:

1. Chuẩn bị thanh tra, bao gồm các bước sau đây:

a) Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra;

b) Ban hành quyết định thanh tra;

c) Xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo;

d) Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.

2. Tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm các bước sau đây:

a) Công bố quyết định thanh tra;

b) Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra;

c) Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu;

d) Kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.

3. Kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm các bước sau đây:

a) Báo cáo kết quả thanh tra;

b) Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra;

c) Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra;

d) Ban hành kết luận thanh tra;

đ) Công khai kết luận thanh tra.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/nguoi-bi-bao-luc-gia-dinh-co-quyen-va-trach-nhiem-gi-780190