Người biểu tình Chile tấn công lực lượng cảnh sát bằng bom xăng
Nhóm phóng viên hiện trường của hãng thông tấn Reuters (Anh) đã chụp được khoảnh khắc hai nữ cảnh sát chống bạo động Chile bị trúng bom xăng từ người biểu tình và bốc cháy.
Sự việc xảy ra vào ngày 4/11 gần ga tàu điện ngầm Baquedano (thủ đô Santiago, Chile). Khi lực lượng cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình, thì một loạt bom xăng được ném về phía cảnh sát.
Hai nữ cảnh sát đã bị trúng bom và bắt đầu bốc cháy. Ngay lập tức, họ được đồng nghiệp nhanh chóng giúp đỡ dập lửa.
Theo một tuyên bố từ sở cảnh sát, cô María José Hernández Torres (25 tuổi) và Abigail Catalina Aburto Cardenas (20 tuổi), đều là thành viên của đội đặc nhiệm Santiago, đang được chữa trị tại bệnh viện với tình trạng hết sức nghiêm trọng. Hiện người nhà cũng như bệnh viện đều từ chối bình luận về tình trạng sức khỏe của hai nữ cảnh sát này.
Bộ trưởng Nội vụ Chile ông Gonzalo Blumel đã tới thăm hai nữ cảnh sát vào tối cùng ngày. Ông chỉ trích cuộc tấn công hoàn toàn xuất phát từ “động cơ bạo lực… không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của công dân”.
Henry Romero, một trong ba phóng viên Reuters có mặt tại hiện trường hôm đó, cho biết: “Từ thời điểm đó, mọi chuyện dường như căng thẳng hơn. Cảnh sát bắt đầu sử dụng nhiều hơi cay hơn và súng bắn đạn cao su. Tiếng súng bắn nổ liên tiếp và rất lớn”, nhiếp ảnh gia Henry chia sẻ.
Theo một nguồn tin cảnh sát giấu tên, lực lượng chống bạo động chỉ được phép sử dụng vòi rồng và xịt hơi cay đối với người biểu tình. Súng cao su chỉ được dùng trong trường hợp cảnh sát nhận thấy có “nguy hiểm sắp xảy ra”.
Cô María José Hernández Torres và Abigail Catalina Aburto Cardenas là hai trong số 800 cảnh sát bị thương trong các cuộc biểu tình vừa bước sang tuần thứ 3 tại Chile.
Chile rơi vào một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng sau khi chính phủ của Tổng thống Sebastian Pinẽra quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm, tạo cớ để các nhóm xuống đường biểu tình phản đối những chính sách xã hội bất công, cũng như những bất bình đẳng xã hội mà mô hình kinh tế của Chile tạo ra.
Các cuộc biểu tình đã buộc chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong nhiều ngày liên tiếp. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chức năng đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và trên 3.000 người bị bắt giữ.
Tổng thống Pinera ngày 7/11 đã công bố một loạt biện pháp nhằm siết lại an ninh trật tự công cộng ở quốc gia Nam Mỹ này sau 3 tuần diễn ra các cuộc biểu tình khiến 20 người thiệt mạng.
Gói văn bản luật nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo lực và lợi dụng biểu tình để cướp bóc, trục lợi này bao gồm cả những biện pháp cụ thể như cấm người biểu tình mang mạng che mặt và đốt chướng ngại vật, cũng như cung cấp sự bảo vệ lớn hơn cho cảnh sát.
Tổng thống Pinera tin tưởng gói biện pháp trên sẽ góp phần quan trọng cải thiện năng lực của nhà chức trách trong việc lập lại an ninh trật tự. Chiều cùng ngày, ông Pinera cũng đã triệu tập họp Hội đồng an ninh quốc gia để thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Nhà lãnh đạo Chile đưa ra tuyên bố trên sau khi người biểu tình lần đầu tiên đã kéo đến khu ngoại ô thịnh vượng nhất ở thủ đô Santiago.