Người biểu tình đốt phá hàng chục ngôi nhà của chính trị gia Sri Lanka
Loạt công trình xây dựng, bao gồm nhà cửa của nhiều chính trị gia Sri Lanka đã bị người biểu tình đốt phá.
"Những người biểu tình ở Sri Lanka đã đốt phá nhà cửa của 38 chính trị gia, trong bối cảnh nước này đang chìm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Ngoài những ngôi nhà bị phá hủy, 75 công trình đã bị hư hại, trong khi những người biểu tình giận dữ tiếp tục phản kháng lệnh giới nghiêm toàn quốc" - kênh CNN dẫn nguồn tin cảnh sát Sri Lanka hôm 10-5 (giờ địa phương) cho biết.
Đám đông người biểu tình Sri Lanka giận dữ vì cho rằng chính phủ đã xử lý sai lầm cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước kể từ năm 1948. Cuộc biểu tình biến thành bạo loạn đã khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, hơn 200 người khác bị thương.
Trong bối cảnh đó, Bộ Quốc phòng Sri Lanka đã ban hành lệnh giới nghiêm, đồng thời hạ lệnh cho binh sẽ sử dụng "các biện pháp cứng rắn" đối với bất cứ ai cố tình phá hoại tài sản nhà nước hoặc hành hung các quan chức. Theo kênh CNN, đạn hơi cay và vòi rồng đã được quân đội Sri Lanka sử dụng để đối phó với đám đông quá khích.
Quốc gia 22 triệu dân này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng chưa từng có trong suốt 74 năm qua. Giá cả hàng hóa hàng ngày tại Sri Lanka tăng vọt và tình trạng thiếu điện trên diện rộng trong nhiều tuần.
Do đó, kể từ tháng 3, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ đã xuống đường. Nhằm xoa dịu tình hình, Thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã phải từ chức. Chỉ vài giờ sau tuyên bố rời chính trường, ông Mahinda Rajapaksa phải nhờ quân đội giải cứu rạng sáng 10-5 (giờ địa phương). Nguyên do bởi người biểu tình 2 lần cố gắng đột kích khu tư dinh Temple Trees của thủ tướng trong đêm, theo CNN.
Nhiều người biểu tình Sri Lanka nói rằng mục đích cuối cùng của họ là gây áp lực buộc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa - em trai của Thủ tướng Mahinda Rajapaksa - cũng phải từ chức.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa hôm 10-5 đã kêu gọi người dân Sri Lanka giữ bình tĩnh, ngừng bạo lực và các hành động trả thù, bất kể đảng phái chính trị. "Tất cả các nỗ lực sẽ được thực hiện để khôi phục ổn định chính trị thông qua sự đồng thuận trong phạm vi hiến pháp và giải quyết khủng hoảng kinh tế" - Tổng thống Rajapaksa viết trên mạng xã hội Twitter.