Người bộ hành của mùa thu

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đã sang thu rồi mà thời tiết còn oi bức, ngột ngạt quá! Sáng nay, trường tổ chức buổi họp hội đồng để phân công chuyên môn cho năm học mới. Tôi đến sớm hơn chừng nửa tiếng, vừa để kiểm tra những chậu cây của lớp chủ nhiệm có bị héo không, vừa để tránh cái gay gắt của “nắng tháng tám rám trái bưởi”.

Đến cổng trường, đã thấy thầy Tự đang thơ thẩn quanh khuôn viên. Tôi cười vui: “Thầy sắp nhận sổ hưu có khác, phấn khởi nên đến sớm hơn giáo viên trẻ chúng em rồi!”. Thầy khẽ cười, gật đầu chào và trìu mến nhìn tôi.

Cuộc họp bắt đầu muộn hơn vài phút bởi những tiếng cười, những câu chuyện của đồng nghiệp vừa gặp lại nhau. Sau khi cô hiệu trưởng triển khai một số công việc trước mắt, phòng họp bỗng nghiêm trang hơn khi đến phần dự kiến phân công chuyên môn. Nghe qua, ai cũng hiểu lãnh đạo trường dù đã bảo đảm tính công bằng, song vẫn chú ý đến những giáo viên trẻ vừa khỏe, vừa nhiệt huyết. Thế nhưng, khi lấy góp ý của hội đồng sư phạm thì thầy Tự - người nhiều tuổi nhất trường, xin có ý kiến trước:

- Tôi đề nghị ban giám hiệu cân nhắc trường hợp của tôi! Sao lại phân công cho tôi số tiết ít vậy, lại là mấy môn dạy nhẹ nhàng.

Đỡ lời thầy Tự, cô hiệu trưởng tươi cười, nhỏ nhẹ:

- Kính thưa thầy Tự và các đồng chí! Thầy Tự đã cống hiến hết mình cho việc dạy học, chỉ còn bốn tháng nữa là thầy được nghỉ theo chế độ. Nhà trường muốn thầy dành thời gian để đóng góp thêm nhiều ý kiến xây dựng trường ạ!

- Cảm ơn các đồng chí! Nhưng tôi còn đủ sức khỏe. Với lại, trường đang còn thiếu giáo viên. Vì vậy, đề nghị nhà trường cứ phân công chuyên môn cho tôi như bình thường. Ngày nào tôi nghỉ hưu thì tính sau.

Phòng họp chợt lặng đi giây lát. Ai cũng ngước lên nhìn thầy Tự. Rồi cũng có người khẽ cúi xuống. Bao năm nay, mọi người đều biết tính của thầy như thế. Những ngày gần cuối của đời làm nghề giáo, thầy vẫn như vậy.

*

Chẳng rõ cái biệt danh “lập dị” gắn với thầy Tự từ bao giờ, chỉ biết khi tôi học lớp 8 đã thấy nhiều người gọi như thế. Tôi còn nhớ như in buổi đầu tiên được tiếp xúc với thầy. Hôm đó, thầy bước vào lớp, mỉm cười rồi gật đầu và vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. “Chào các em! Tôi là Phạm Đại Tự, dạy Văn và chủ nhiệm lớp ta năm học này!”. Cả lớp bỗng “ồ” lên một tiếng bởi cái tên khá độc đáo của thầy. Tên gì mà “vuông thành sắc cạnh”, nghe nặng như viên gạch. Chợt phía cuối lớp có tiếng nói với lên, dù nhỏ nhưng cũng đủ cho cả lớp nghe thấy: “Thầy Tự "lập dị" đấy, chúng mày ạ!”. Chúng tôi giật thót mình. Thế nhưng, thầy Tự lại có vẻ tự hào về cái biệt danh ấy nữa chứ. Thầy nhìn khắp lượt chúng tôi rồi nói:

- Con người sống phải có cá tính! Tôi thích những em nào giỏi, có tài hoặc tật gì đó. Nghĩa là phải khác mọi người một chút.

Qua mấy buổi học, tôi mới có dịp quan sát kỹ thầy Tự. Người thầy chẳng “ăn nhập” gì với cái tên cả. Thầy cao, trông lúc nào cũng có vẻ ốm yếu. Giọng thầy lên bổng xuống trầm, thay đổi ngữ điệu có chủ ý kết hợp với những cử chỉ, điệu bộ của đôi tay, nét mặt, ánh mắt khiến ai mới nhìn lần đầu cũng sẽ cảm thấy rất “dị”. Có khi thầy đang giảng rất say sưa, giọng cao thì bất chợt hạ giọng xuống, chậm rãi nhỏ nhẹ, hoặc thầy đang nói thì ngừng lại nhìn cả lớp, tạo khoảng lặng để thu hút học sinh.

Chúng tôi bắt đầu nhận ra sự hấp dẫn của những giờ Văn, không phải do lĩnh hội được những ý tưởng cao siêu mà bị hút hồn bởi vốn ngôn từ phong phú và vốn kiến thức uyên bác của thầy. Khi nói, thầy Tự thường lựa chọn những từ ngữ đắc địa, bóng bẩy diễn tả chính xác nhất, biểu cảm nhất những điều cần truyền đạt. Nhiều lúc, thầy lồng kiến thức môn Sử, Địa vào giờ Văn bằng những câu chuyện mới lạ, khiến giờ học rất sinh động.

Thầy thường bảo một bài viết sâu sắc, hành văn nhuần nhuyễn mà không có “cái mới” thì cũng chỉ được “điểm tám” là cùng. Muốn được điểm tối đa thì bài văn ấy phải có “nét riêng”, có những “phát hiện”, “khơi những nguồn chưa ai khơi”. Còn nhớ hôm thầy ra đề bài "Phân tích diễn biến tâm trạng của cậu bé Xi-mông trong truyện ngắn “Bố của Xi-mông”", thằng Tiến chép gần hết bài văn mẫu trong sách tham thảo, hí hửng thế nào cũng được thầy khen. Không ngờ, đến khi trả bài kiểm tra, nó chưng hửng bởi chỉ được “con ngỗng” (điểm 2) to tướng. Nó đang hậm hực định hỏi thì thầy nói:

- Tôi rất “dị ứng” với văn mẫu bởi đó là con dao hai lưỡi. Nếu không cẩn thận, nó sẽ làm “tê liệt” thói quen suy nghĩ, khả năng sáng tạo của chúng ta. Các em học cách khai thác nội dung và lối hành văn chứ đừng “mô phỏng” những bài văn mẫu như thế này!

Thầy còn bảo học văn phải thẩm thấu dần dần, cần phải đọc nhiều để bồi bổ kiến thức và trau dồi vốn ngôn từ thì mới viết văn hay được. Và nếu muốn đọc sách thì hãy đến nhà thầy. Phần vì bị những cuốn sách thu hút, phần vì rất muốn biết nhà thầy như thế nào nên khi nghe thế, chúng tôi phấn khởi lắm!

Dù nhà cửa đơn sơ nhưng thầy vẫn có một giá sách lớn kê ở phòng riêng. Những cuốn sách thuộc đủ các lĩnh vực được phân loại, đóng bìa cẩn thận, xếp ngay ngắn trên kệ. Phòng sách như một thư viện nhỏ chứa đựng bao kiến thức khiến tôi hoa mắt. Có nhiều cuốn dày cỡ ba đốt ngón tay như "Truyện cổ An-đec-xen", "Cổ tích các dân tộc Việt Nam" hay các tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy!", "Chiến tranh và hòa bình", "Xung kích",... Thầy còn giữ những tờ báo Nhân Dân, Văn Nghệ, Lao Động, Tiền Phong,… xuất bản từ mấy chục năm trước. Thầy chọn cho chúng tôi mấy cuốn truyện và thơ thiếu nhi kèm theo những lời hướng dẫn cách đọc. Bắt đầu từ đó, tôi có thói quen đọc và sưu tầm các loại sách, báo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và càng ngày càng yêu văn chương hơn.

Tốt nghiệp trường sư phạm, tôi được phân công về dạy ở ngôi trường đã học khi xưa. Thầy Tự đã yếu nhiều nhưng vẫn giữ thói quen đi khắp đây đó để ghi chép và sưu tầm sách, báo cũ. Và tôi cũng được nghe mọi người nói nhiều hơn về cái sự “lập dị” của thầy. Nào là thầy cứ hay “ý kiến” để tìm sự công bằng cho mọi người, mà là thứ “công bằng ngược”. Đó là khi được giao việc nhẹ, việc dễ hơn chút thì thầy lại muốn bằng như mọi người. Nào là quanh năm suốt tháng, thầy cứ hì hụi ghi ghi, chép chép những chuyện đẩu đâu. Trong con mắt của không ít người thì thầy Tự thuộc thành phần “chập chập... cheng cheng”. Thông cảm hơn thì họ chép miệng thở dài, bảo rằng người như thầy sẽ chẳng bao giờ sướng.

Ai nói gì nói, thầy Tự cứ cần mẫn, say sưa làm công việc mà mình yêu thích. Có một dạo, thầy làm việc miệt mài quá khiến tôi cũng lấy làm lạ. Tôi định hỏi thì dường như đoán trước được, thầy nói:

- Mình (thầy thường xưng là mình với chúng tôi) thích thì sưu tầm chơi thế thôi chứ chẳng có tham vọng gì đâu. Nhưng mà trong ấy nhiều cái hay lắm, rồi sẽ đến lúc phải cần đến nó đấy!

Thấy tôi im lặng, thầy bảo:

- Mà nói thật nhé! Lớp trẻ các cậu có tí vốn kiến thức mà cứ tưởng đã đủ, chẳng chịu đọc thêm gì cả! Ông Lê Quý Đôn xưa từng nói đại ý là muốn làm thầy, bụng phải chứa ngàn cuốn sách cơ mà! Văn chương nó mênh mông lắm, thu nạp cả đời cũng chưa đủ đâu!

Tôi vội vàng bao biện:

- Ngày trước, các thầy vì đam mê văn chương nên mới đi dạy Văn, còn thế hệ chúng em chủ yếu vì mưu sinh nên hiếm người thực sự yêu văn chương lắm.

- Có lẽ vì thế nên mình thấy cậu dạy “buồn” lắm. Dạy Văn gì mà cứ “chan chát” như chặt gỗ ấy. Dạy Văn gì mà cứ thao thao bất tuyệt, cố gắng nhồi nhét sao cho hết bài vừa lúc hết giờ là xong, chẳng cần biết học sinh có rung động gì không? Dạy Văn là phải tạo được cảm hứng, phải thực sự say mê và phải biết chọn lọc những cái gì cần thiết để giảng thật sâu, thật kỹ thì mới hy vọng giúp học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp của mỗi tác phẩm.

- Nhưng thưa thầy! Nếu thế thì không bảo đảm được thời lượng tiết dạy và kiến thức truyền thụ không được đầy đủ.

- Cậu này nói lại khuôn mẫu rồi! Cũng vì người ta thường đánh giá một giờ giảng hoặc một bài làm của học sinh dựa vào cái khuôn mẫu ấy nên học sinh mới ngại học Văn. Ai đời viết văn mà cứ phải theo một cái mẫu sẵn, phải đủ bằng ấy cái ý chính, ý phụ, phải viết như thế này thế nọ, rồi phải viết bằng ấy dòng, bằng ấy trang mới đạt yêu cầu. Vậy thì còn gì là văn chương, là sáng tạo nữa. Mà xét cho cùng, văn chương thì làm gì có khuôn mẫu và dạy Văn cũng là một dạng sáng tác đấy thôi!

Trong các cuộc trao đổi về chuyên môn như thế này, tôi học hỏi được nhiều vì nói đến văn chương là chạm đến đúng sở trường của thầy Tự nên thầy cởi mở và nhiệt tình lắm.

Rồi thầy Tự viết cuốn sách tổng hợp về địa phương - một dự định mà thầy đã ấp ủ mười mấy năm nay. Thầy bảo rằng cuốn sách đó sẽ giới thiệu khá chi tiết về lịch sử hai trăm năm, về phong thủy, văn hóa và cộng đồng dân cư của xã. Thấy thầy vất vả quá, tôi e ngại:

- Bây giờ thầy có tuổi rồi nên dành thời gian để nghỉ ngơi. Thầy cứ đi suốt như thế, hại sức khỏe ạ!

- Mình phải tranh thủ làm khẩn trương, không thì sốt ruột lắm! Đáng lẽ cuốn sách này phải được hoàn thành từ lâu rồi.

- Vậy thầy làm cho tổ chức nào và họ trả cho thầy bao nhiêu?

Thầy nhìn tôi, tỏ vẻ không hài lòng và giọng trầm hẳn xuống:

- Chẳng ai nhờ mình làm cả! Mình thích thì làm thôi! Đây là tình cảm của mình đối với mảnh đất chôn rau cắt rốn nên ngày nào chưa xong là mình còn thấy mắc nợ, ăn ngủ không ngon.

Tôi ân hận vì trót lỡ lời.

- Hay là thầy cho em tham gia với ạ!

Thầy nhìn tôi ngần ngại:

- Thôi! Mình làm cũng đã gần xong. Cậu không coi việc này lập dị là tốt lắm rồi!

Thầy nói thế cho vừa lòng tôi chứ tôi biết công việc này phải tự làm thì thầy mới yên tâm. Chợt thầy phấn chấn hẳn lên, bảo rằng chỉ cần khoảng một tháng nữa sẽ hoàn chỉnh bản thảo, sau đó lên tỉnh, xin giấy phép để xuất bản cuốn sách này, một phần sẽ tặng cho các cơ quan, đoàn thể trong xã và những ai quan tâm, một phần sẽ tặng cho “tủ sách lớp học”, bổ sung kiến thức cho môn học Giáo dục địa phương trong trường trên địa bàn để mai này con cháu biết được truyền thống của quê hương, thêm yêu và tự hào về mảnh đất này.

*

Rồi công trình tâm huyết kết tinh bao sức lực, trí tuệ và tình yêu của thầy Tự đối với quê hương đã được ghi nhận khi tác phẩm nghiên cứu sưu tầm này đoạt giải thưởng văn học - nghệ thuật 5 năm của UBND tỉnh. Tôi mang hoa đến chúc mừng mà cứ nghĩ đến những việc thầy đã lặng lẽ, cần mẫn làm bấy lâu nay. Thầy vẫn là người bộ hành của mùa thu, người đi qua bao đổi thay của nền giáo dục từ thời bao cấp đến những năm tháng khó khăn sau bao cấp rồi gần hai thập niên đầu của thế kỷ XXI này. Cuộc đời thầy như một cuốn sách dày nhưng vẫn chưa muốn khép lại những trang cuối cùng...

Trần Văn Lợi

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguoi-bo-hanh-cua-mua-thu-a182028.html