Cái lợi của môn giáo dục kinh tế và pháp luật

Với chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, ngoài các môn học bắt buộc, các em học sinh THPT còn được lựa chọn 4 môn học từ các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý hoặc giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc.

 Các mẫu sách giáo khoa môn giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 11. Ảnh: Bảo Phước

Các mẫu sách giáo khoa môn giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 11. Ảnh: Bảo Phước

Trong các môn học lựa chọn, nhiều cha mẹ học sinh đã định hướng cho con học môn giáo dục kinh tế và pháp luật. Khi hỏi lý do, một phụ huynh khi đăng ký cho con học đã chia sẻ rằng: “Đây là môn học giúp cho các cháu có nhiều kiến thức để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Kinh tế và pháp luật đều cần thiết, có kiến thức kinh tế để còn biết kinh doanh mua bán mà kiếm sống, kiến thức pháp luật càng cần phải trang bị cho các cháu để áp dụng vào cuộc sống và làm việc theo pháp luật, dù có học giỏi, có thành công mà vi phạm pháp luật thì cũng không sống tốt được”.

Trên thực tế, môn học nào cũng có vai trò và ý nghĩa nhất định, môn học nào có tính vận dụng cao, phù hợp với bản thân học sinh hơn là tùy thuộc vào sự nhìn nhận, đánh giá và sự lựa chọn của chính các em. Tuy nhiên, việc chọn học môn giáo dục kinh tế và pháp luật, học sinh sẽ được trang bị hai lĩnh vực kiến thức cơ bản, cần thiết trong cuộc sống của chính các em.

Học pháp luật trước hết giúp học sinh trang bị kiến thức về các quy định của pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật. Khi có kiến thức pháp luật sẽ giúp các em tự giác điều chỉnh hành vi của bản thân, không vi phạm pháp luật; đồng thời có hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân, của gia đình và người thân. Ngoài ra, khi định hướng nghề nghiệp, các em có thể chọn học ngành luật nếu muốn làm những công việc như: Luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý, tư pháp, chuyên viên tài chính; chuyên viên lập pháp, tư vấn pháp lý trong các tổ chức, doanh nghiệp; chuyên gia pháp lý trong các tổ chức phi chính phủ; công chức hoặc viên chức tại các cơ quan nhà nước...

Luật là một trong những ngành học đang “hot” ở nước ta, với sự đa dạng của các chuyên ngành như: Luật Dân sự; Luật Hình sự; Luật Kinh doanh; Luật Thương mại quốc tế; Luật Tài chính – Ngân hàng; Luật và Chính sách công; Quản trị – Luật... Để chọn học ngành luật khi vào đại học thì ở cấp THPT các em nên chọn học môn giáo dục kinh tế và pháp luật.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới, cùng với sự hội nhập quốc tế trong những năm qua, kinh tế Việt Nam đang phục hồi và dần dần có nhiều bước phát triển mới. Đây là cơ hội tìm kiếm việc làm và khẳng định năng lực bản thân cho các học sinh chọn ngành kinh tế. Ngành kinh tế rất đa dạng các nhóm ngành để các em lựa chọn, như: Kinh tế học, kinh tế quốc tế; kinh tế tài chính, kế toán; thống kê, tin học kinh tế… hoặc các ngành kinh tế tiềm năng đang “hot” như marketing, logistics và quản trị chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, quản trị nhân lực, kinh tế quốc tế...

Sau khi tốt nghiệp, các em có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau, chẳng hạn như: Chuyên viên phân tích tài chính, nhân viên kinh doanh quốc tế, nhân viên marketing quốc tế sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế quốc tế; hoặc nhân viên quản lý sàn thương mại điện tử… Hay sau khi học ngành thương mại điện tử, ngành marketing, các em có thể làm nhân viên nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm dịch vụ, truyền thông...

Việc xác định môn học lựa chọn nào để học khi vào trường THPT là rất cần thiết để định hướng nghề nghiệp tương lai và vận dụng vào thực tế cuộc sống hàng ngày của bản thân người học. Vì vậy, phụ huynh và học sinh cần suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra sự lựa chọn phù hợp.

Nguyễn Thị Hoa Phượng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/cai-loi-cua-mon-giao-duc-kinh-te-va-phap-luat-146031.html