Người canh giữ Tràm Chim với hy vọng đàn sếu đầu đỏ trở về
Nửa cuộc đời gắn với rừng Tràm Chim, ông Đỗ Minh Chánh coi nơi đây là nhà và mong một ngày không xa, Tràm Chim sẽ lại rộn ràng tiếng sếu như trước đây.
Vườn quốc gia Tràm Chim rộng khoảng 7.500 ha, có rừng tràm và đồng cỏ ngập nước. Nơi đây có nhiều loài sinh vật quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ. Thế nhưng những năm gần đây, sếu về ít, có những năm sếu không về.
Theo ông Bùi Thanh Phong, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, trước đây môi trường khu bảo tồn rất phù hợp cho sếu tìm về. Tuy nhiên do việc trữ nước chống cháy rừng cùng hoạt động thâm canh lúa quanh vùng đã khiến môi trường thay đổi. Thức ăn chính của sếu là cỏ năn không phát triển nên sếu về ít dần rồi biến mất trong 2 năm gần đây.
Nặng nợ với những đàn sếu, ông Đỗ Minh Chánh (59 tuổi) đã làm bảo vệ ở Vườn quốc gia Tràm Chim hơn 30 năm. Ông Chánh kể, ông Chánh nhiều lần là người đầu tiên phát hiện sếu đầu đỏ đáp xuống lõi vườn quốc gia. Với ông, cảnh những cánh sếu chao nghiêng trên vạt rừng tràm luôn là huyền thoại, khiến lòng ông xốn xang như thấy người thương về qua trước ngõ.
Trong ký ức của người bảo vệ rừng, những năm 90 của thế kỷ trước, có khi cả ngàn con sếu cùng đáp xuống rừng. Chim tung cánh che mờ cả ánh mặt trời.
Ngày nào cũng lái tắc ráng (thuyền nhỏ) đi tuần tra, ông thuộc mọi góc của khu rừng. Có khi nhìn vào vạt rừng rộng lớn, một tổ chim vừa xuất hiện tôi cũng nhận ra ngay.
"Đến mùa nhưng sếu chưa về, tôi ngủ không yên. Nhiều khi nằm nghỉ trưa, nghe tiếng na ná sếu kêu là tỉnh liền, lao vội lên chòi ngóng coi phải sếu đến không", người đàn ông chia sẻ.
Ông Chánh chia sẻ: Sếu thường về dịp gần Tết ta. Loài chim này cao lớn đặc biệt, nổi bật giữa rừng với cái đầu đỏ vươn cao. Tiếng sếu rất đặc trưng, vang vọng đến 5km giữa tán rừng.
Ngóng trông sếu là thế, nhưng từ năm 2017 đến nay, có năm chỉ vài ba con sếu về Tràm Chim, có năm sếu chỉ đáp xuống rồi cất cánh bay đi, có những năm ngóng mãi nhưng sếu không về, khiến ông Chánh và những đồng nghiệp "rất đau lòng".
Khi biết tin UBND tỉnh Đồng Tháp đang cùng các đơn vị triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032 để đón những cánh sếu về lại Tràm Chim, ông Chánh không giấu được vui mừng.
Ông Chánh cho biết, không chỉ riêng ông hay cán bộ vườn quốc gia mà tất cả người dân quanh Tràm chim đều rất vui khi đề án bảo tồn sếu được triển khai.
"Chúng tôi từng rất sợ con cháu mai sau sẽ chỉ biết sếu qua lời kể. Mọi người đều mong chờ một ngày nào đó sếu lại bay rợp trời Tràm Chim. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để bảo vệ đàn sếu. Mong rằng một ngày không xa, Tràm Chim sẽ lại rộn ràng tiếng sếu như trước đây”. - ông Chánh trải lòng.
Không chỉ bảo vệ rừng, ông Chánh còn đóng vai trò như một “đại sứ thiên nhiên”. Những ngày dẫn khách tham quan Tràm Chim, ông luôn hào hứng chia sẻ câu chuyện về sếu đầu đỏ, về hệ sinh thái đặc biệt của Vườn Quốc gia. Những trải nghiệm thực tế tích lũy suốt nhiều năm đã trở thành kiến thức quý giá mà ông truyền lại cho du khách.
.
Tiến sĩ Trần Triết, chuyên gia có hơn 30 năm nghiên cứu về sếu đầu đỏ nhận định đề án bảo tồn sếu của Đồng Tháp là "tham vọng", nhưng tính khả thi cao. Chuyên gia cho biết Thái Lan đã thực hiện đề án tương tự và đã thành công.
Ông Triết cho rằng yếu tố quyết định thành công của đề án là khôi phục sinh cảnh Tràm Chim và vùng phụ cận, việc này cần sự quyết tâm của ngành chức năng và sự chung tay của cộng đồng. Vị chuyên gia đánh giá mọi yếu tố cần thiết đã hội tụ, ông tin Đồng Tháp sẽ thực hiện được đề án, Tràm Chim sẽ mãi là "đất lành chim đậu".
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-canh-giu-tram-chim-voi-hy-vong-dan-seu-dau-do-tro-ve.html