Người cao tuổi tích cực tham gia phát triển kinh tế
Toàn tỉnh hiện có trên 279 nghìn hội viên người cao tuổi (NCT), trong đó trên 70% NCT sống ở nông thôn, đã và đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Hưởng ứng phong trào NCT “Nêu gương sáng phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng”, những năm qua, NCT trong tỉnh luôn tích cực tham gia phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu.
Ông Đinh Xuân Mộc, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường), là hội viên Hội Cựu chiến binh. Sau khi xuất ngũ về địa phương, với niềm đam mê nghề cơ khí truyền thống của quê hương, từ xưởng cơ khí nhỏ ông đã xây dựng công ty chuyên sản xuất các loại máy chế biến nông, lâm sản. Ông còn nhận thuê 40ha ruộng tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường) và 73ha ruộng tại xã Giao Tiến (nay là thị trấn Giao Thủy) để cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi ha gieo trồng. Công ty đạt doanh thu mỗi năm trên 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 300 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng; đồng thời tham gia các hoạt động từ thiện mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ông đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN và PTNT, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, UBND tỉnh tặng Bằng khen; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 3 Bằng Lao động sáng tạo. Giai đoạn 2018-2023, ông được đề xuất vinh danh NCT làm kinh tế giỏi cấp tỉnh…
Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hà ở thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) nhiều năm qua đã phát triển kinh tế với ngành nghề kéo sợi và dệt cước PE. Công ty có 330-350 lao động nhận dệt gia công mặt hàng này, thu nhập bình quân từ 6-8 triệu/người/tháng. Tại xưởng sản xuất có 28 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân từ 15-18 triệu đồng/người/tháng. Công ty đạt lợi nhuận từ 1,5-2 tỷ đồng/năm đồng thời tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào an sinh xã hội, ủng hộ các chương trình từ thiện, nhân đạo. Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn điển hình NCT làm kinh tế giỏi trên toàn tỉnh.
Hàng năm, Ban đại diện Hội NCT tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” mà trọng tâm là phong trào NCT “Nêu gương sáng phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng”. Các tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện các phong trào: “NCT làm kinh tế giỏi”, “Thi đua lao động giỏi với năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, “Thi đua nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ mới vào sản xuất và đời sống”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn”… Bằng vốn tri thức và kinh nghiệm tích lũy được, NCT ở các địa phương đã trực tiếp tham gia lao động, sản xuất trên các lĩnh vực nông, ngư, diêm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, thu hút hàng trăm nghìn lao động có việc làm ổn định.
Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, nhiều cơ sở hội đã vận động hội viên giúp nhau về kinh nghiệm sản xuất, tư vấn những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình và điều kiện địa phương; phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư, các tổ chức tín dụng tạo nguồn vốn giúp đỡ những hộ NCT nghèo có vốn và phương tiện sản xuất. Phong trào NCT thi đua làm kinh tế giỏi phát triển sâu rộng, được đông đảo NCT trong tỉnh hưởng ứng đã đạt hiệu quả thiết thực. Từ đó đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, nhiều tấm gương điển hình mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như ông Cao Văn Ba, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản I Giao Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy) với mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Ông Phạm Văn Phong, xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) phát triển chăn nuôi lợn, mỗi năm thu về hơn 800 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Chinh, phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định), Giám đốc Công ty TNHH Cơ giới Hà Thành chuyên sản xuất, kinh doanh bê tông thương phẩm, doanh thu 12,5 tỷ đồng/năm; thu hút 45 lao động với mức lương bình quân từ 6-6,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Vũ Mạnh Hùng, xã Hải Giang (Hải Hậu), Giám đốc Công ty TNHH Sông Giang phát triển ngành nghề sản xuất gạch tuynen, gạch không nung và vận tải thủy nội địa; giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động với mức thu nhập bình quân 7,5-9 triệu đồng/người/tháng. Ông Trần Xuân Hòa, phường Trường Thi (thành phố Nam Định), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Việt Triều chuyên gia công lắp dựng khung thép nhà xưởng, gia công các sản phẩm ngôi sao, gạch bạch, cành tùng cho quân đội có doanh thu 10 tỷ đồng/năm, thường xuyên đảm bảo việc làm cho 15 lao động. Ông Trần Minh Xưng, Giám đốc Công ty TNHH Phương Ngọc (thành phố Nam Định) chuyên sản xuất quần áo bảo hộ lao động có doanh thu 5 năm qua đạt 115,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 60 lao động với mức lương bình quân từ 6-6,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Lê Văn Tỉnh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Cơ khí Bình Dương (Nam Trực) với ngành nghề sản xuất cơ khí; doanh thu 80 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Ông Đỗ Thanh Hiên, xã Nam Điền (Nam Trực) xây dựng trang trại, nhà vườn trồng hoa cây cảnh, thu nhập từ 7-10 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 50 lao động có thu nhập ổn định. Bà Vương Thị Nhị, Giám đốc Doanh nghiệp Nam Sơn (thành phố Nam Định), doanh thu đạt 35 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động có thu nhập từ 6-6,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Phạm Tiến Dũng, thị trấn Lâm (Ý Yên) phát triển ngành nghề kinh doanh xăng dầu, sản xuất đúc ép cọc bê tông, cơ khí; doanh thu hàng năm đạt 30-40 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động với mức lương từ 5-10 triệu đồng/người/tháng...
Trong giai đoạn 2018-2023, toàn tỉnh đã công nhận 1.243 điển hình NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi các cấp; trong đó cấp cơ sở 1.037 điển hình, cấp huyện 176 điển hình, cấp tỉnh và Trung ương 35 điển hình. Các mô hình NCT làm kinh tế giỏi được phát triển toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó, có 1.125 mô hình trong sản xuất nông nghiệp, 102 mô hình trong sản xuất công nghiệp - xây dựng, 153 điển hình trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 296 mô hình trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và 320 mô hình dịch vụ khác; giải quyết việc làm cho 6.340 lao động với mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 5-20 triệu đồng/người. Với sự tích cực tham gia phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, cán bộ, hội viên NCT trong tỉnh đã có những đóng góp tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phát huy vai trò của NCT và thực sự trở thành những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Thời gian tới, các cấp Hội NCT trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào NCT “Nêu gương sáng phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng”; động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để NCT phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Hội cũng phối hợp tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình tiêu biểu của NCT làm kinh tế giỏi; tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để áp dụng vào thực tế.