Phát triển kinh tế từ đặc sản địa phương
Thời gian qua, người dân huyện Đà Bắc đã có nhiều hướng đi trong phát triển các loại đặc sản của địa phương để trở thành hàng hóa. Qua đó giúp khai thác tiềm năng, lợi thế để cải thiện, nâng cao thu nhập.
Thời gian qua, người dân huyện Đà Bắc đã có nhiều hướng đi trong phát triển các loại đặc sản của địa phương để trở thành hàng hóa. Qua đó giúp khai thác tiềm năng, lợi thế để cải thiện, nâng cao thu nhập.
Tân Minh là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện. Tuy nhiên, mảnh đất này có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các cây, con đặc sản của địa phương. Thực tế những năm gần đây, bà con tận dụng tốt các tiềm năng để phát triển kinh tế, với những bước đi tiên phong của Hợp tác xã (HTX) đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh. Trong đó, lợn bản địa Tân Minh và gà đồi Tân Minh đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Bà Hà Thị Tâm, Giám đốc HTX chia sẻ: HTX có 17 thành viên chính thức và hàng chục hộ liên kết chăn nuôi lợn bản địa. Trong đó, nhiều hộ liên kết có hoàn cảnh khó khăn, HTX đã giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế. Đến nay, các sản phẩm của HTX tiêu thụ ổn định tại thị trường các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, TP Hà Nội.
Theo bà Tâm, các giống lợn, gà trên địa bàn hầu hết có nguồn gốc bản địa nên rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương, chất lượng thơm ngon, được khách hàng đánh giá cao. Để đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, gần đây HTX đã chế biến thêm một số sản phẩm mới, như dồi sụn, xúc xích, lợn hun khói, gà ủ muối. Bên cạnh đó, HTX chú trọng vào một số đặc sản khác của địa phương như: khoai sọ, gạo nếp nương. "Qua tiêu thụ tại một số hội chợ, khách hàng đánh giá cao chất lượng khoai sọ, gạo nếp nương được trồng ở Tân Minh. HTX tiếp tục khuyến khích bà con trồng, mở rộng diện tích để trở thành hàng hóa có số lượng lớn. Đồng thời tìm kiếm các thị trường tiêu thụ nhằm đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài”, bà Tâm nhấn mạnh.
Đồng chí Quách Công Khang, Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết: Là xã vùng cao của huyện, trước đây các hộ dân chủ yếu chăn nuôi con giống bản địa nên có nhiều kinh nghiệm. Do đó, các chương trình, dự án hỗ trợ cho bà con tập trung vào vật nuôi bản địa, như lợn bản địa sinh sản và dê. Từ những thành công của HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh, xã xác định việc phát triển chăn nuôi giống vật nuôi bản địa và các loại cây trồng đặc sản là hướng đi chủ yếu để khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương. Qua đó giúp người dân cải thiện, nâng cao thu nhập để giảm nghèo bền vững.
Ngoài xã Tân Minh, chăn nuôi lợn đen bản địa cũng là hướng phát triển kinh tế được nhân rộng ở nhiều xã trên địa bàn huyện Đà Bắc, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Như gia đình bà Triệu Thị Mai, xóm Tra, xã Toàn Sơn nhiều năm nay gắn bó với giống lợn đen bản địa. Trước đây, gia đình bà Mai nuôi trâu, bò rồi lợn trắng. Tuy nhiên mấy năm nay, nhận thấy lợn đen giá bán ổn định, tiêu thụ thuận lợi nên tập trung nuôi lợn đen. Hiện gia đình bà duy trì nuôi 6 con lợn nái và hàng chục con lợn thương phẩm. "Nuôi lợn đen an toàn hơn lợn trắng vì dễ bán, giá ổn định, nhất là vào dịp lễ, Tết không có lợn để bán. Việc chăm sóc cũng đơn giản hơn, nguồn thức ăn có thể tận dụng sẵn có ở địa phương”, bà Mai cho biết.
Được biết, huyện Đà Bắc đang triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản địa phương. Đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện, nền tảng xây dựng các sản phẩm OCOP đem lại giá trị kinh tế cao.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/195849/phat-trien-kinh-te-tu-dac-san-dia-phuong.htm