Người cao tuổi với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu

Bằng nhiều phương cách khác nhau, các già làng, người uy tín và những bậc cao niên vùng đồng bào Cơ Tu đã không ngừng nỗ lực gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Không chỉ vậy, họ còn góp phần làm cho các giá trị văn hóa ấy ngày càng phong phú, sinh động.

Nghe giọng hát ấm áp, truyền cảm của ông A Lăng Mỹ, ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Khách đến tham quan Khu du lịch sinh thái Tà Lang - Giàn Bí, không ai nghĩ ở tuổi gần 80 ông Mỹ còn thuộc và hát rất hay nhiều bài hát Cơ Tu đến vậy. Không chỉ hát giao duyên Cơ Tu hay, ông Mỹ còn biết chế tác, đệm đàn N’jưl, (một loại đàn 2 dây của người Cơ Tu) và trình diễn trống chiêng rất điệu nghệ. Ngoài giỏi đàn, hát hay, ông Mỹ là một trong số rất ít nghệ nhân đan lát, điêu khắc gỗ và làm mộ có tiếng trong vùng đồng bào Cơ Tu ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Ông A Lăng Mỹ kể, ngay từ nhỏ ông đã theo cha và ông nội lên rừng bứt mây về làm gùi, túi xách, rổ, rá... phục vụ trong gia đình. Đến nay, tuổi đã già, không thể tự mình lội suối, băng rừng, lên non cao để bứt mây nhưng ông vẫn đan lát để thỏa niềm đam mê nghề và cũng để níu kéo, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Ngoài đan lát, ông Mỹ còn có năng khiếu rèn, điêu khắc, chạm trổ… Những lúc rảnh rỗi ông lại đánh đàn, hát dân ca Cơ Tu cho con cháu nghe.

Ông A Lăng Mỹ tâm sự, chính niềm đam mê văn hóa dân tộc đã giúp ông trở thành một nghệ nhân chế tác đàn N’jưl, đan lát và điêu khắc gỗ giỏi. Ông Mỹ mong muốn quãng đời còn lại tiếp tục trao truyền những gì thuộc về văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu cho thế hệ tương lai:“Mình cũng dạy để kết nối với ngày xưa, đừng để mất truyền thống Cơ Tu. Cũng mong muốn du lịch phát triển để có đất để trình diễn và làm nghề, tiêu thụ sản phẩm, mình mới có tiền nên giờ tôi cũng cố gắng truyền lại cho con cháu mình”.

Nói đến văn hóa Cơ Tu không thể không nhắc đến hát Lý, nói Lý. Già làng Bùi Văn Siêng, người hát Lý, nói Lý giỏi nhất thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang cho biết: Hát Lý, nói Lý là môn nghệ thuật truyền khẩu, ứng khẩu rất độc đáo của người Cơ Tu, được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào. Đây cũng được xem là nghệ thuật “so tài” giữa các bậc cao niên, tiền bối của làng này với làng khác và giữa chủ nhà với khách. Nói Lý, hát Lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt, lễ hội và tâm linh của đồng bào Cơ Tu. Nó không đơn thuần chỉ sử dụng mỗi dịp giao lưu, hội hè mà còn dùng để giải quyết những vấn đề hệ trọng, hóa giải mâu thuẫn, bất đồng giữa người với người, giữa làng này với làng kia…

Cái khó của nói Lý, hát Lý là không có bài mẫu để học thuộc mà tùy thuộc vào tài ứng khẩu, trình độ, khả năng và kinh nghiệm sống của mỗi người. Vì vậy, hầu như người trẻ hiện nay không ai biết nói Lý, hát Lý và cũng không muốn đi sâu tìm hiểu bộ môn nghệ thuật này. Trong khi đó, thế hệ già biết hát Lý, nói Lý như già Siêng ở xã miền núi Hòa Bắc không còn mấy người, nên nguy cơ mai một, thất truyền hát Lý, nói Lý xảy ra. Điều này khiến những người nặng lòng với truyền thống Cơ Tu như già Bùi Văn Siêng hết sức lo lắng.

Hiện, mỗi ngày già Siêng đều dành hơn 1 tiếng đồng hồ để ghi chép, biên soạn những lời Lý hay cùng những kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của mình để truyền lại cho lớp trẻ với mong muốn bảo tồn và gìn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo trong nghê thuậ nói Lý, hát Lý của người Cơ Tu.

“Chúng tôi đang lập danh sách một số bạn trẻ để mỗi thôn bố trí một người già biết nói Lý, hát Lý để truyền đạt nói Lý, hát Lý cho lớp trẻ để duy trì, bảo tồn để sau này lớp già mất đi thì hát lý, nói lý, văn hóa truyền thống lâu đời của người Cơ Tu vẫn còn, không bị mất đi. Tôi đang soạn giáo án, từng chuyên mục cụ thể để dạy cho lớp trẻ, mỗi ngày dùng 1 tiếng để soạn giáo án, ghi lại kinh nghiệm, những phong tục tập quán để truyền lại cho bà con trong làng”, già Siêng nói.

Những năm gần đây, du lịch sinh thái cộng đồng ở xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang ngày càng thu hút ngày càng đông du khách bốn phương tìm về. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, du lịch là giải pháp tốt nhất để bảo tồn văn hóa. Thông qua du lịch, bà con có cơ hội để phục dựng, trình diễn, giới thiệu và bảo tồn văn hóa truyền thống Cơ Tu. Chính vì thế, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách và triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa, lễ hội truyền thống của người Cơ Tu.

Cụ thể, thành phố đã hỗ trợ việc nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và truyền thông về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào; bảo tồn khẩn cấp ngôn ngữ đồng bào Cơ Tu; xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù của đồng bào Cơ Tu; mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể, mô hình di sản kết nối với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng dân tộc Cơ Tu… Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng có chế độ phụ cấp cho các già làng người Cơ Tu tương đương với mức phụ cập cho cán bộ thôn; hỗ trợ nghệ nhân người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu khi triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ kế cận…

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Quốc gia của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ- Quỹ Môi trường toàn cầu Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (GNDP) cho rằng, những chính sách hỗ trợ bảo tồn văn hóa của thành phố Đà Nẵng, trong đó có việc hỗ truyền dạy, gìn giữ văn hóa truyền thống là nguồn động viên, khích lệ người cao tuổi tham gia gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống Cơ Tu.

“Tôi cho rằng, vai trò của già làng, người cao tuổi ở đây rất quan trọng cho nên tính cộng đồng rất cao và rất có hiệu quả. Vì thế, họ giữ vai trò rất lớn trong việc dẫn dắt, bảo tồn văn hóa Cơ Tu. Nhờ lực lượng này, chúng ta triển khai các hoạt động du lịch, bảo tồn văn hóa hoặc phát triển kinh tế rất thuận lợi và hiệu quả, vì họ chính là những người dẫn dắt con cháu”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho hay.

PV/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nguoi-cao-tuoi-voi-bao-ton-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-co-tu-post1055090.vov