Người cha cụt 2 chân mong có tiền để cho con học lên cao
'Sức khỏe của tôi ngày càng yếu nên giờ chỉ mong con gái nhận được sự hỗ trợ học phí để tiếp tục học lên cao, sau này có cái nghề ổn định cho đỡ khổ', anh Nguyễn Thanh Trung (44 tuổi, cha của em Nguyễn Lê Vy) tâm sự.
Hơn 25 năm trước, sau khi thi đại học xong, do thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Trung (ngụ ấp Giồng Tre, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh) lên Đồng Nai để làm thêm. Sau đó, anh Trung gặp tai nạn giao thông và bị cụt hai chân.
Tỉnh dậy thấy cơ thể không còn lành lặn, anh Trung đau đớn đến mức không thể thốt nên lời. Một khoảng thời gian dài sau đó, anh học cách chấp nhận và lạc quan với những gì đang diễn ra.
Anh được gia đình đưa đến trường khuyết tật để học sửa chữa các thiết bị điện tử. Làm ở thành phố một thời gian, anh Trung trở về Tây Ninh để làm song song hai nghề: sửa chữa đồ điện và bán đồ cúng ở núi Bà Đen.
Tại quê nhà, anh kết hôn và có một người con là Nguyễn Lê Vy (sinh năm 2012). Khi Vy vừa được 18 tháng tuổi, vợ chồng anh Trung quyết định ly hôn. Anh Trung giữ quyền nuôi con và vào năm 2021, mẹ của Vy đã mất vì bệnh ung thư.
Cuộc sống của anh Trung vất vả hơn từ ngày có con. Thu nhập giảm, sức khỏe của anh cũng yếu dần. Nhất là vào lúc trái gió trở trời, vết thương ở chân từ vụ tai nạn lại nhức mỏi. Hiện tại, hai cha con anh chủ yếu sống nhờ vào tiền trợ cấp cho người khuyết tật khoảng 1 triệu đồng/tháng và tiền bán vé số của mẹ anh Trung ở khu du lịch núi Bà Đen.
Đúng 5 giờ sáng, anh Trung cùng mẹ thức dậy, bắt đầu một ngày tất bật. Anh Trung sẽ chuẩn bị đồ ăn sáng, đánh thức Vy và chở em đến trường cách nhà khoảng 30 phút chạy xe (loại xe 3 bánh dành cho người khuyết tật). Còn mẹ anh Trung sẽ chuẩn bị đồ đạc và tự chạy xe máy đến khu du lịch núi Bà Đen bán vé số.
Năm nay, mẹ anh Trung đã 65 tuổi, xương khớp không khỏe nhưng bà vẫn ráng làm để có tiền lo cho cháu nội được đến trường đầy đủ. Nhờ địa phương hỗ trợ nên năm học mới đến, bé Vy mới có sách vở kèm đồng phục để đi học.
Lê Vy hiện đã là học sinh lớp 6, những năm học vừa rồi, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Kết quả này là nhờ vào sự cố gắng của cả hai cha con Vy. Ngoài giờ học ở trường, anh Trung sẽ nhắc nhở, kèm cặp con học thêm tại nhà.
"Bây giờ Vy học lên thêm một cấp, lịch học cũng dày hơn. Một ngày tôi đưa rồi đón con đi học, về nhà, đến chỗ học thêm cũng cỡ chục lần. Vy mắt kém, sức khỏe yếu nên tôi không an tâm để con tự đi.
Việc đưa rước đôi khi cực lắm, nhất là với người bố không còn lành lặn, bị cụt hai chân như tôi. Cũng nhiều hôm, tôi đưa nó đến trường mà tôi sợ cháu mắc cỡ với bạn bè. Tôi hỏi thì con nói "con chưa bao giờ buồn hay mắc cỡ vì ba như vậy nên ba đừng lo".
Tôi biết, học càng lên cao thì tiền học phí sẽ càng mắc, việc đưa đón có thể cực nhọc hơn nhưng là một người cha, tôi sẵn sàng làm tất cả để con mình được đến trường.
Bây giờ, tôi chỉ mong con nhận được sự hỗ trợ để tiếp tục được đi học, càng cao càng tốt. Sau này, tôi hy vọng Vy có công việc ổn định để đỡ vất vả như cha nó bây giờ", anh Trung tâm sự.
Cháu Nguyễn Lê Vy nằm trong số 280 trẻ được giới thiệu để nhận học bổng của Chương trình Mottainai "Trao yêu thương, nhận hạnh phúc" năm 2023. Mọi sự đóng góp, hỗ trợ vui lòng gửi về Chương trình Mottainai "Trao yêu thương, nhận hạnh phúc" (ủng hộ bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản).
Địa chỉ tiếp nhận ủng hộ:
- Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối, Hà Nội
- Văn phòng Đại diện phía Nam: 38 Võ Văn Tần, Q.3, TPHCM
Tài khoản nhận ủng hộ:
- Tên tài khoản: Báo Phụ nữ Việt Nam
- Số tài khoản: 111000024670
- Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) - chi nhánh TP Hà Nội.