Người chăn nuôi cần chủ động tiêm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi
Lạng Sơn là một trong những địa phương đã đăng ký sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) của Việt Nam sản xuất. Việc có vắc-xin đặc trị sẽ góp phần giúp phòng bệnh DTLCP đạt hiệu quả. Tuy vậy, số hộ chăn nuôi mua vắc-xin DTLCP còn rất ít.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, sản xuất thành công 2 loại vắc-xin DTLCP là NAVET và AVAC ASFLIVE. Trên cơ sở hướng dẫn của Cục Thú y, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, chi cục đã lựa chọn loại vắc-xin AVAC ASFLIVE để triển khai thực hiện tiêm phòng giám sát tại 2 huyện Văn Quan, Bắc Sơn. Qua tiêm phòng vắc-xin AVAC ASFLIVE cho 139 con lợn của 12 hộ chăn nuôi tại Văn Quan và Bắc Sơn, sau 30 ngày tiêm, những con lợn đã tiêm phòng vắc-xin DTLCP đều khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Trên cơ sở thực tế đó, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố về việc sử dụng vắc-xin DTLCP trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi triển khai mua và sử dụng vắc-xin DTLCP để tiêm phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn. Tuy nhiên theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, mặc dù vắc-xin DTLCP có trên thị trường từ tháng 9/2023 (vắc xin có bán tại trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố), nhưng tính đến hết ngày 30/11, người dân mới mua 890 liều vắc-xin DTLCP để tiêm phòng chó đàn lợn, tỷ lệ mua vắc-xin tiêm phòng như vậy là rất thấp.
Qua trao đổi với người chăn nuôi lợn, hiện giá vắc-xin DTLCP bán trên thị trường là 69 nghìn đồng/liều (loại tiêm 1 liều cho 6 tháng) và 34 nghìn đồng/liều (loại tiêm 2 liều). Giá như vậy theo người chăn nuôi là cao, vì thế người chăn nuôi chưa mua vắc-xin DTLCP để tiêm phòng cho đàn lợn.
Bà Lành Thị Thơm, thôn Bản Thìn, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình cho biết: Gia đình đang nuôi 10 con lợn, qua tính toán, nếu mua vắc-xin DTLCP để tiêm thì chi phí đầu tư nuôi lợn tăng cao, trong khi giá lợn xuất chuồng thời gian qua liên tục dao động theo hướng giảm, hiện giá lợn cũng chỉ ở mức 48 – 51 nghìn đồng/kg, tiền lãi bán lợn cũng không được bao nhiêu. Vì thế, gia đình chưa mua vắc-xin để tiêm phòng cho đàn lợn.
Tìm hiểu được biết, hiện các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi lợn với số lượng lớn do lo ngại chi phí chăn nuôi lợn tăng nên hiện cũng chưa chọn mua vắc-xin DTCLP để tiêm phòng cho đàn lợn.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Vi-rút DTLCP là vi-rút độc lực cao có thể tồn tại trong môi trường thời gian dài, vì thế tình trạng phát sinh các ổ bệnh DTLCP vẫn diễn biến khá phức tạp. Để phòng bệnh DTLCP hiệu quả thì cần áp dụng nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi. Ngoài ra, với việc đã có vắc-xin phòng bệnh DTLCP thì việc tiêm phòng vắc-xin DTLCP là một trong các biện pháp phòng bệnh DTLCP rất quan trọng mà người chăn nuôi cần thực hiện.
Thực tế, việc mua vắc-xin DTLCP tiêm phòng cho đàn lợn sẽ khiến chi phí chăn nuôi tăng, nhưng nếu bệnh dịch phát sinh, người chăn nuôi sẽ mất trắng. Trước “thiệt hại lớn” như vậy, người chăn nuôi nên chủ động mua vắc-xin DTLCP để tiêm phòng cho đàn lợn của mình.
Tin liên quan: Tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi thời điểm cuối năm