Người chăn nuôi dè dặt tái đàn lợn phục vụ Tết

Thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi lợn đang rục rịch tái đàn để phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm. Hiện giá cám vẫn ở mức cao trong khi giá sản phẩm bấp bênh nên người nuôi vẫn thận trọng, dè chừng khi tái đàn.

Hiện đàn lợn trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng lên, dự kiến sẽ bảo đảm nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm

Hiện đàn lợn trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng lên, dự kiến sẽ bảo đảm nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm

Vẫn lo ngại

Trang trại của chị Nguyễn Thị Chiên ở thôn Quàn, xã Bình Xuyên (Bình Giang) nuôi gần 65 con lợn nái và 800 con lợn thịt. Mỗi tháng, trang trại này xuất bán hơn 100 con lợn thương phẩm. Gần đây, nhận thấy tình hình chăn nuôi ổn định hơn trước, chị Chiên nuôi thêm hơn 20 con lợn nái hậu bị để mở rộng quy mô đàn. “Tôi đang tập trung tăng đàn, tái đàn để phục vụ thị trường Tết. Dự kiến dịp cuối năm, trang trại sẽ cung cấp gần 500 con lợn thịt ra thị trường, tăng khoảng 20% so với bình thường”, chị Chiên nói.

Không tăng đàn mà duy trì ổn định đàn lợn là cách mà ông Lê Viết Nho ở xã Liên Hồng (TP Hải Dương) áp dụng để ứng phó với bão giá. Từ khi phục hồi đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), trang trại của ông duy trì 10 con lợn nái và gần 100 con lợn thịt. Mặc dù nuôi ít nhưng ông vẫn thực hiện mô hình khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ. Mỗi tháng ông xuất bán khoảng 2 tấn lợn thịt ra thị trường. Ông Nho cho biết: “Những năm gần đây, ngành chăn nuôi lợn liên tiếp trải qua nhiều đợt biến động, có đợt giá lợn thấp chạm đáy chỉ hơn 20.000 đồng/kg, lại có thời điểm giá cao tới gần 100.000 đồng/kg. Giá lợn không ổn định là do nhu cầu của thị trường. Mặc dù vậy, chưa năm nào thị trường cuối năm rơi vào khủng hoảng do thiếu nguồn cung thịt lợn. Hiện tại, tuy giá cám tăng khoảng 35% so với thời điểm cuối năm 2020 song giá lợn hơi ở mức cao, gần 70.000 đồng/kg, người chăn nuôi vẫn lãi khoảng 1 triệu đồng/con lợn khoảng 1 tạ”.

Theo nhận định của ông Tăng Đức Tuệ ở thôn Bá Thủy, xã Long Xuyên (Bình Giang), một thương lái có nhiều năm kinh nghiệm, hiện tổng đàn lợn đang có xu hướng tăng. Dịch bệnh khiến nhiều hộ chăn nuôi bỏ nghề nhưng những trang trại quy mô từ vừa trở lên lại tăng đàn so với trước. Theo ông Tuệ, những năm gần đây, giá lợn không tuân theo quy luật thị trường nên khó dự đoán, nhất là vào dịp cuối năm.

Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh ước đạt 395.000 con, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và đạt khoảng 70% tổng đàn lợn so với năm 2019 (trước khi DTLCP xảy ra). Theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ nay tới cuối năm, lúc cao điểm tổng đàn lợn có khả năng sẽ đạt từ 420.000 – 430.000 con. Với xu thế tăng đàn như hiện nay sẽ bảo đảm nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm.

Chủ động phòng dịch

Cuối năm 2021, trang trại của chị Nguyễn Thị Chiên tiếp tục bị nhiễm DTLCP, phải tiêu hủy gần 30 con lợn nái và khoảng 100 con lợn con theo mẹ. Sau đợt ấy, quy trình phòng dịch ở trang trại khắt khe hơn. Công nhân phụ trách chăn nuôi từng khu vực, thuốc sát trùng được phun hằng ngày ở chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi. Người lạ không được phép ra vào khu chăn nuôi. Trước khi tái đàn, gia đình chị đã vệ sinh toàn bộ chuồng trại và các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi. Đối với con giống, sau khi kiểm tra hồ sơ kiểm định chất lượng sẽ nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi trước khi cho nhập đàn. Quy trình phòng dịch bệnh cũng khắt khe và hoàn thiện hơn trước.

Trước khi ra vào trang trại, các xe đều được phun khử trùng

Trước khi ra vào trang trại, các xe đều được phun khử trùng

Từ sau khi DTLCP xảy ra, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ nghề do không đủ điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh. Các hộ còn lại muốn gắn bó với nghề thì tiếp tục mở rộng quy mô, xây dựng chuồng trại khép kín, chăn nuôi theo hướng công nghiệp thay vì chỉ bán công nghiệp như trước. Do bảo đảm an toàn dịch bệnh nên các trang trại này duy trì hoặc liên tục mở rộng quy mô chuồng trại.
Hiện DTLCP vẫn xảy ra ở các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, mới đây một số chợ trên địa bàn tỉnh đã phát hiện mẫu thịt lợn nhiễm virus DTLCP. Điều này cho thấy virus đang lưu hành trong môi trường và dễ gây thiệt hại nếu người chăn nuôi lơ là khâu phòng chống dịch bệnh. Do vậy, chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp duy nhất bảo vệ đàn vật nuôi khỏi dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro cho người chăn nuôi.

Theo ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các hộ chăn nuôi nên nghiên cứu kỹ thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp, duy trì chăn nuôi ở mức hợp lý, tránh cung vượt cầu. Khi tái đàn, cần chọn con giống tốt, sạch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo hướng dẫn của cơ quan chức năng… Thực hiện đồng bộ các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó cần tiếp tục triển khai xây dựng các chuỗi sản xuất tuần hoàn, theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học để nâng cao giá trị sản phẩm.

TH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/nguoi-chan-nuoi-de-dat-tai-dan-lon-phuc-vu-tet-212000