Người chăn nuôi ngại tái đàn
Từ đầu tháng 2 đến nay giá thịt lợn liên tiếp giảm. Ngày 19/2 tại thị trường miền Bắc giá lợn hơi dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg.
Cụ thể tại tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình giá lợn hơi ở mức 52.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình giá lợn hơi ở mức thấp hơn 50.000 đồng/kg.
Tại thị trường miền Trung, theo các thương lái giá lợn hơi giảm hơn so với miền Bắc với mức giá dao động từ 49.000 - 52.000 đồng/kg. Tương tự tại thị trường miền Nam giá thu mua cũng chỉ quanh ở mức 50.000 - 52.000 đồng/kg. Với mức giá này phần lớn người chăn nuôi bị thua lỗ. Liên tiếp giá thịt lợn giảm trong nhiều tháng đã khiến người chăn nuôi có tâm lý e dè ngại tái đàn thậm chí nhiều hộ chăn nuôi đã phá chuồng chuyển đổi mô hình sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - chủ trang trại nuôi lợn xã Thanh Lanh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho biết, giá lợn hơi ở mức 56.000 - 57.000 đồng/kg mới có khả năng hòa vốn, bởi vậy với giá bán ra 52.000 đồng/kg hơi như hiện nay người chăn nuôi cầm chắc phần lỗ. Vì vậy năm nay gia đình ông đã giảm số lượng nuôi từ 150 con xuống còn 50 con.
Thực tế việc giá heo hơi giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi. Những năm trước, đầu năm, người chăn nuôi thường có xu hướng tái đàn, tăng đàn để phục vụ nhu cầu thị trường nhưng năm nay thì ngược lại. Không chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ gặp khó mà các doanh nghiệp chăn nuôi cũng lâm vào lỗ ròng vì giá thịt lợn giảm sâu.
Theo dự báo, chăn nuôi heo trong năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó chí ít là đến hết quý I, nhưng khả năng kéo dài đến hết quý III là rất cao. Lý giải điều này, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho rằng, phải đến đầu quý II, nền kinh tế mới phục hồi dần và tăng tốc trở lại từ quý III. Khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động mới được cải thiện trở lại giúp sức tiêu thụ tăng lên. Thứ hai là chúng ta đã có vaccine dịch tả heo châu Phi nên rủi ro dịch bệnh trong chăn nuôi cũng giảm đi và thứ ba là giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi thế giới đang có xu hướng giảm, nhưng do giá thức ăn trong nước có độ trễ hơn giá nguyên liệu nên phải đến đầu quý II, giá thức ăn chăn nuôi trong nước mới có khả năng hạ nhiệt.
Trước thực trạng giá lợn hơi xuống thấp như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần sớm có những giải pháp mạnh mẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi; đặc biệt là chăn nuôi nông hộ, bởi theo sau mỗi đàn lợn là sinh kế của hàng trăm nghìn hộ dân. Ở nước ta, chăn nuôi lợn theo nông hộ vẫn khá phổ biến, chiếm hơn 60% tổng đàn, cung cấp hơn một nửa sản lượng thịt cho thị trường.
Theo ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đánh giá, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực chăn nuôi ngày càng tăng, nhất là lĩnh vực giết mổ, chế biến phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng phải đối mặt với sự gia tăng áp lực về thị trường, đó là cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu xuất khẩu vào thị trường Việt Nam.
Song bên cạnh đó, theo ông Thắng, ngành chăn nuôi Việt Nam, trong đó có chăn nuôi lợn phát triển khá nhanh trong thời gian qua nhưng lại thiếu bền vững. Chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán chiếm tỷ lệ cao, năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao. Cán cân xuất - nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi mất cân đối.
“Công tác dự báo thị trường cung - cầu, đánh giá, phân tích thị trường lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều bất cập dẫn đến biến động về giá cả, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người chăn nuôi và lợi ích của người tiêu dùng” - ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định đây đang là vấn đề mà ngành chăn nuôi cần phải tháo gỡ để phát triển bền vững.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-chan-nuoi-ngai-tai-dan-5710199.html