Người chiến binh lính đặc công tự bỏ tiền, miệt mài tìm hài cốt đồng đội

Nhớ lại lời đồng đội trước một trận đánh: 'Sau này hòa bình thống nhất đất nước, ai còn sống nhớ đi tìm người chết đưa về quê cha đất tổ', ông Nguyễn Viết Quản đã quyết tâm thực hiện lời dặn dò ấy.

Tự nguyện đi tìm hài cốt đồng đội sau khi về hưu

Ông Nguyễn Viết Quản, sinh năm 1951 tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, là một trong những tấm gương tiêu biểu được Đoàn đại biểu TP Hà Nội thăm hỏi và tặng quà nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Ông Nguyễn Viết Quản (thứ 2 từ trái sang), một trong những tấm gương tiêu biểu được Đoàn đại biểu TP Hà Nội thăm hỏi và tặng quà nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vào chiều 23/8. Ảnh: Tân Tiến.

Ông Nguyễn Viết Quản (thứ 2 từ trái sang), một trong những tấm gương tiêu biểu được Đoàn đại biểu TP Hà Nội thăm hỏi và tặng quà nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vào chiều 23/8. Ảnh: Tân Tiến.

Năm 1969, ông Quản nhập ngũ, đến tháng 1/1972, ông được điều vào miền Nam chiến đấu. Sau hơn 3 tháng hành quân xuyên rừng, lội suối vào đến Tây Ninh, đơn vị của ông được đổi tên thành Tiểu đoàn Đặc công miền Đông Nam Bộ (D18) Trung đoàn 426 đánh cứ điểm Tua Hai, núi Bà Đen.

“Trong lúc chờ đến giờ nổ súng, anh Đặng Quang Thắng (quê xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) nói: "Sau này hòa bình thống nhất đất nước, ai còn sống nhớ đi tìm người chết đưa về quê cha đất tổ".

Trận đánh này nhiều người hy sinh, trong đó có anh Thắng. Chúng tôi đã tổ chức tìm để đưa thi thể đồng đội ra ngoài nhưng không thấy anh Thắng”- ông Quản kể lại.

Sau khi nghỉ hưu vào năm 2008, ông Quản không chọn nghỉ ngơi mà cùng vài đồng đội cũ quyết định tự bỏ tiền túi để đi tìm hài cốt các liệt sĩ. Theo ông Quản, việc tìm kiếm dựa trên 3 nguồn thông tin chính: đồng đội tự tay chôn cất, những người dân sống quanh khu vực chiến sự, và từ các nghĩa trang liệt sĩ. Mỗi khi chôn cất đồng đội, đơn vị ông Quản thường kèm theo một lọ thuốc penicilin rỗng chứa thông tin như họ tên, năm sinh, quê quán, đơn vị, chức vụ, ngày nhập ngũ và ngày hy sinh của liệt sĩ.

16 năm tìm được 160 hài cốt liệt sĩ

Để có thêm thông tin chính xác, năm 2008, ông Quản liên hệ với Đại tá Vũ Hồng Ninh, nguyên Phó trưởng Phòng Đặc công Bộ Tư lệnh Quân khu 7, và được giới thiệu sang Phòng Chính sách Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Tại đây, ông được tiếp cận với hàng trăm hồ sơ liệt sĩ và được giới thiệu đến Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh. Sau đó, ông tìm đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hòa Thành và tìm thấy 20 ngôi mộ của các chiến sĩ D18 hy sinh trong trận Tua Hai, trong đó có liệt sĩ Đặng Quang Thắng.

Lý do vì sao trong những ngày đánh cứ điểm Tua Hai không tìm thấy thi thể ông Thắng, nhưng sau này lại thấy ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Hòa Thành? Ông Quản giải thích rằng vào thời điểm đó, địch đã gom xác quân ta định chôn tập thể. Tuy nhiên, những người dân sống quanh khu vực, đặc biệt là các bà mẹ, các chị, đã góp tiền vàng hối lộ quân địch để xin đưa xác chiến sĩ ra ngoài rồi cho người nhận diện và chôn cất tại các cơ sở khác.

Ông Quản (bìa trái) cùng đồng đội tìm, đưa hài cốt liệt sĩ hồi hương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Quản (bìa trái) cùng đồng đội tìm, đưa hài cốt liệt sĩ hồi hương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đến nay, sau 16 năm miệt mài tìm kiếm, ông Quản cùng những người đồng đội cũ đã tìm được tổng cộng 160 hài cốt liệt sĩ. Trong đó, 57 hài cốt đã được xác định danh tính chính xác và đưa về quê hương.

Khi được hỏi về số hài cốt chưa đưa được về quê, ông Quản trầm ngâm: "Khi xác định được địa chỉ của những hài cốt liệt sĩ này, tôi đã gửi thư cho thân nhân của liệt sĩ ở quê, nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm. Lý do có nhiều liệt sĩ không có anh em, trong khi cha mẹ mất hết; số còn người thân thì họ đi kinh tế mới ở Tây Nguyên, vùng sâu vùng xa; có những gia đình không có người thân nào dám đứng ra làm chủ sự vì nhiều lý do, trong khi tôi không bao giờ nhận tiền thù lao của thân nhân liệt sĩ".

Khi được hỏi về việc liệu có cơ quan nào xác nhận số liệu 160 hài cốt liệt sĩ đã tìm được, ông Quản chia sẻ rằng từ năm 2008, ông tự mình tìm kiếm mà không có sự hỗ trợ chính thức. Đến năm 2020, khi Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam TP Hồ Chí Minh thành lập, ông mới được kết nạp làm hội viên và tham gia vào Ủy viên Ban Chấp hành của Hội. Tuy nhiên, những hoạt động tìm kiếm trước đó vẫn do cá nhân ông thực hiện và không có cơ quan nào xác nhận.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến tranh và trong thời bình, ông Quản đã được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, bằng khen của quân đội, các bộ, ngành. Năm 2019 và 2022, ông được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tặng bằng khen vì những tấm gương thầm lặng mà cao cả. Ngoài ra, năm 2020, ông còn được tặng "Bảng vàng vinh danh" trong sự nghiệp "Tri ân Liệt sĩ".

Bằng khen, giấy khen của ông Quản phải cất vào rương, vì không còn chỗ treo. Ảnh: Tân Tiến.

Bằng khen, giấy khen của ông Quản phải cất vào rương, vì không còn chỗ treo. Ảnh: Tân Tiến.

Ông Quản cho biết, ông sẽ tiếp tục tìm kiếm và đưa 3 hài cốt liệt sĩ về quê hương. Ngoài ra, ông có kế hoạch xây dựng một nhà tình nghĩa hoặc nhà tình thương, và tiếp tục làm từ thiện, với tổng chi phí dự kiến khoảng 200 triệu đồng.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-chien-binh-linh-dac-cong-tu-bo-tien-miet-mai-tim-hai-cot-dong-doi.html