Người 'chiến sỹ' thầm lặng

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 có rất nhiều cán bộ, y, bác sỹ âm thầm đóng góp vào công tác phòng, chống dịch. Nhưng ít ai biết đến sự âm thầm, lặng lẽ ấy. Trong số đó có bác sỹ Lê Đào Bích, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y- Dược, Sở Y tế Tuyên Quang, Tổ trưởng tổ tổng hợp thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngành Y tế.

Không còn khái niệm thời gian

Lâu lắm rồi chị Lê Đào Bích cùng những cán bộ công tác tại Phòng Nghiệp vụ Y-Dược, Sở Y tế luôn làm việc với cường độ 12h/ngày. Là “trung tâm đầu não” của ngành Y tế tỉnh trong việc tham mưu, ban hành, xử lý các văn bản về công tác y tế nói chung và công tác phòng, chống dịch bệnh nói riêng, phòng luôn cập nhật những văn bản mới nhất về tình hình dịch để kịp thời tham mưu với lãnh đạo; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện và triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, tổng hợp các số liệu; cung cấp thông tin cho truyền thông về tình hình dịch Covid-19; trực đường dây nóng trả lời về dịch... Đó là công việc hàng ngày của bác sỹ Bích kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam.

Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, năm 1997 bước vào nghề cho đến nay, chị đã theo nghề y được 23 năm. Chị Bích tâm sự: “23 năm trong nghề nhưng có lẽ chưa bao giờ tôi cảm thấy áp lực như lần này. Tôi cùng các đồng nghiệp đang trực tiếp tham gia vào cuộc chiến với Covid-19, nên không có nhiều thời gian dành cho mình và gia đình”.

Từ ngày có ca nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam và khi có ca nhiễm trở lại tại Đà Nẵng ngày 25-7, chị và đồng nghiệp không có khái niệm ngày nghỉ, lúc nào cũng căng mình với công việc. Chị không còn thói quen đeo đồ trang sức, mái tóc dài ngày nào cũng được búi gọn. Chị Bích nói, những lúc này, trang phục phải đơn giản, gọn nhất có thể để thuận tiện cho việc mặc bộ đồ bảo hộ khi cần đi giám sát, kiểm tra các khu vực, những nơi có đối tượng nghi nhiễm và khu vực thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, để gọn nhẹ trong việc khử khuẩn cá nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Bác sỹ Lê Đào Bích kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19
tại Phòng khám 153 (TP Tuyên Quang).

Ngày 21-3-2020, có lẽ là ngày mà chị nhớ nhất trong quãng thời gian làm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sau khi nắm thông tin 2 trường hợp người nước ngoài, gồm 1 người quốc tịch Brazin, 1 người quốc tịch Đức nghỉ tại khách sạn Thành Trung (TP Tuyên Quang) có dấu hiệu sốt, ho, chị đã đến để điều tra dịch tễ. Qua điều tra được biết, 2 người này đã từng đi du lịch tại nhiều tỉnh, thành phố có người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành điều tra và chuyển 2 trường hợp này đi cách ly tại Khu cách ly Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cả 2 người không phối hợp, cùng với ngôn ngữ khi giao tiếp không được thuận lợi nên đã phải mời phiên dịch đến. Phải mất rất nhiều giờ đồng đồng hồ 2 trường hợp này mới chấp nhận đi cách ly để theo dõi tình hình sức khỏe. Cùng với đó, là phương án phong tỏa toàn bộ khách sạn để phun khử khuẩn và lấy mẫu xét nghiệm của các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với 2 người nước ngoài. Đến 22 giờ 30 ngày 22-3, cả 2 trường hợp người nước ngoài và trường hợp tiếp xúc trực tiếp đều có kết quả âm tính (không mắc bệnh). Chị và đồng nghiệp như vỡ òa trong sung sướng và cảm thấy cơ thể như được thả lỏng đến từng khớp xương nhỏ nhất sau một thời gian dài phải gồng mình.

Những bữa ăn vội

Bữa ăn, giấc ngủ trọn vẹn, hỏi han người thân, gặp gỡ bạn bè… dường như là một việc quá xa xỉ đối với bác sỹ Lê Đào Bích trong suốt thời gian qua. Lúc 13h ngày 28-3, vừa bưng bát cơm thì chuông điện thoại reo vang, nhận được thông báo có trường hợp đi từ vùng dịch về đang có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 với các triệu chứng ho, sốt… chị lập tức buông bát, đến tận nơi để kiểm tra, nắm bắt tình hình. Trường hợp được điều tra là một phụ nữ, trước đó đến Bệnh viện Bạch Mai để chăm sóc người nhà đang điều trị tại Bệnh viện. Chị này về địa phương từ ngày 26-3 đang được theo dõi tại nhà. Sau 5 phút chị cùng đội phản ứng nhanh trong trang phục bảo hộ kín mít hối hả tiếp cận căn hộ có người nghi nhiễm. Chọn chỗ ngồi chéo với bệnh nhân, chị cùng cán bộ điều tra dịch tễ trấn an: “Chị cứ bình tĩnh, không cần quá lo lắng vì không phải cứ có triệu chứng ho, sốt là mắc bệnh”. Nhờ đó, giúp đối tượng nghi nhiễm dần bình tĩnh trở lại. Sau một tiếng thì chị đã xâu chuỗi được đầy đủ lịch trình của đối tượng “đã đi đâu, làm gì, gặp những ai gần đây”. Khép lại cuộc điều tra dịch tễ, kỹ thuật viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy dịch hầu họng, mũi của người nghi nhiễm để xét nghiệm trước khi chuyển người này ra xe đến bệnh viện để cách ly. Kết thúc cuộc giám sát lúc đó cũng là hơn 15h… Và còn rất nhiều bữa cơm vội như thế đối với chị và các đồng nghiệp trong những ngày phòng, chống dịch Covid-19.

Bởi vậy, việc bỏ bữa, hay ăn vội đã trở nên quá quen thuộc đối với chị trong cuộc chiến này. Cùng với đó là những giấc ngủ không trọn vẹn khi có cuộc điện thoại vào lúc nửa đêm và rạng sáng. Rồi thời gian dành cho gia đình và các con cũng không có. Tuy nhiên, chị may mắn khi có một người chồng luôn thấu hiểu, động viên, chia sẻ, giúp đỡ chị. Các con cũng biết mẹ bận mà tự giác hơn trong công việc gia đình và học tập. Tất cả những điều đó đã tạo động lực để chị luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Bởi phòng, chống dịch không chỉ để bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà cũng chính là bảo vệ sức khỏe cho những người thân yêu trong gia đình chị.

Tham mưu kịp thời

Sau 99 ngày không xuất hiện bệnh nhân mắc Covid-19 mới trong cộng đồng thì từ ngày 25-7 đến nay, Việt Nam có thêm nhiều bệnh nhân có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi. Trước tình hình đó, ngay sau khi có Thông báo của Chính phủ, Công điện của Bộ Y tế, chị đã tham mưu với Ban Giám đốc Sở Y tế để xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện những biện pháp ngăn chặn kịp thời dịch xâm nhập vào tỉnh. Cùng với đó, ngành cũng chủ động, khẩn trương rà soát, cách ly phòng dịch đối với các trường hợp công dân đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi và các tỉnh có dịch.

Với nhiệm vụ được giao, chị đã cùng với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngành Y tế chủ động lập ra nhiều kế hoạch ứng phó với dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi hoặc đã mắc bệnh để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan. Các trường hợp đi về từ vùng dịch hiện đang được cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế. Từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Phần thưởng cho những nỗ lực hết mình của chị và những cán bộ làm trong ngành y tế chỉ cần có vậy. Đó chính là chiến công thầm lặng của những bác sỹ không mặc áo blouse. Và trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa có hồi kết, còn nhiều vất vả, nhưng chị và đồng nghiệp sẽ nỗ lực hết mình để hạn chế dịch xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. Từ đó, góp phần bảo vệ sức khỏe cho mỗi người dân.

Phóng sự: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nguoi-chien-sy-tham-lang-135730.html