Người chuyển giới sinh con như thế nào?
Nếu chưa tiêm hormone sinh dục quá lâu, khi dừng một thời gian, người chuyển giới nam sẽ có kinh nguyệt trở lại và có thể mang thai.
Ngày 16/5 vừa qua, cặp vợ chồng chuyển giới Minh Khang – Minh Anh đón con gái đầu lòng sau hơn 2 năm làm đám cưới. Điều đặc biệt, “chồng” Minh Khang là người mang bầu và sinh thường tự nhiên.
Trái ngọt của cặp vợ chồng Minh Khang mang lại hy vọng, động lực rất lớn cho cộng đồng hơn 300.000 người chuyển giới tại Việt Nam.
Hình ảnh khi mang bầu của Minh Khang
Thực tế, trong cộng đồng người chuyển giới luôn chia thành 2 nhóm: Nhóm chuyển giới toàn phần và nhóm thay đổi một phần, dùng hormone ngoại sinh, không can thiệp bộ phận sinh dục. Minh Khang là trường hợp thứ 2.
PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, Phó giám đốc TT Hỗ trợ sinh sản quốc gia cho biết, để có thể mang thai, người chuyển giới phải có giới tính sinh học là nữ (giới tính ban đầu là nữ), chưa cắt bỏ buồng trứng và tử cung.
Trường hợp bộ phận sinh dục nữ vẫn còn, có thể sinh hoạt tình dục bình thường và thụ thai tự nhiên. Trường hợp có bạn tình là nam chuyển nữ, nếu dùng hormone nữ quá lâu, khả năng cương cứng giảm, cần phải làm thụ tinh nhân tạo.
Trước băn khoăn tại sao đã tiêm hormone sinh dục nam lại vẫn có thể đậu thai, PGS Hùng giải thích, với những người chuyển giới, hầu hết phải dùng hormone ngoại sinh suốt đời. Khi ngừng thuốc, cơ thể sẽ biến đổi dần về trạng thái ban đầu.
Như trường hợp của Minh Khang, đã từng tiêm hormone testosterone 2,5 năm để tăng đặc trưng nam giới nhưng sau đó đã tạm ngừng thuốc để quyết định mang bầu và sau 3 tháng có kinh nguyệt trở lại.
Hormone ngoại sinh có dạng uống, dạng tiêm, có liều hàng ngày, hàng tuần, 2-3 tuần/lần hoặc loại cao cấp nhất có thể kéo dài được 3 tháng.
Tuy nhiên PGS Hùng lưu ý, những trường hợp nữ chuyển nam khi mang thai sẽ cần theo dõi rất sát thai kỳ để sớm phát hiện những bất thường của thai nhi từ quá trình dùng thuốc, dùng hormone trước đó của người “bố”.
Đứng trên góc độ pháp luật, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trường hợp Minh Khang mang bầu rồi sinh con hoàn toàn đúng các quy định. Bản chất, giới tính sinh học của Minh Khang vẫn là nữ, Minh Anh là nam, giấy đăng ký kết hôn của cả 2 vẫn dựa trên giới tính sinh học này nên Minh Khang mang bầu, sinh con hoàn toàn phù hợp.
Thomas Beatie, sống tại Mỹ hiện 46 tuổi được biết đến là người chuyển giới đầu tiên mang bầu và sinh con. Anh sinh con gái đầu lòng vào năm 2007
Tại Việt Nam, Bộ luật Dân sự 2015 đã cho phép chuyển đổi giới tính nhưng hiện tại dự thảo luật Chuyển đổi giới tính vẫn đang chờ đưa vào chương trình của Quốc hội.
Khi dự thảo luật này được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý toàn diện để người chuyển giới được xác định lại đúng giới tính mong muốn của mình trên các thủ tục hành chính. Hiện nay, do chưa có văn bản hướng dẫn nên không ít địa phương còn lúng túng khi thực hiện.
Một điểm đáng lưu tâm khác, dù cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam khá đông, song phần lớn phải sống với hàng loạt rào cản như sợ bị kỳ thị, sợ phân biệt đối xử… nên chỉ có 37,6% người chuyển giới khi dùng hormone có tìm hiểu thông tin y tế, gần 73% còn lại dùng theo kiểu truyền miệng từ bạn bè và các nguồn chợ đen.
Mia Nguyễn (38 tuổi, tên thật là Nguyễn Công Đức, ở Bến Tre) tiết lộ, số tiền mua thuốc uống nội tiết mỗi tháng khoảng 2-3,5 triệu đồng, chi phí tiêm từ 2,5-3 triệu đồng/mũi. Bản thân cô đã phẫu thuật và duy trì dùng thuốc suốt 12 năm qua.
GS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, BV đa khoa Xanh Pôn chia sẻ thêm, việc dùng hormone cả đời khiến những người chuyển giới thay đổi đồng hồ sinh học, bị nhiều tác dụng phụ, tuổi thọ có thể bị giảm tới 25%.
“Nếu nữ tiêm hormone chuyển sang nam quá lâu, buồng trứng và nhiều bộ phận giới tính nữ cũng bị teo đi, sẽ rất khó có con”, GS Sơn nói.
Theo thư viện y khoa Hoa Kỳ, với những trường hợp nữ chuyển sang nam, trong vòng 3 tháng kể từ khi bắt đầu điều trị bằng testosterone, người phụ nữ sẽ chấm dứt kinh nguyệt, tăng râu ở mặt và lông ở cơ thể, da nhờn hơn, tăng mụn trứng cá, thay đổi phân bố chất béo và tăng khối lượng cơ bắp, tăng ham muốn.
Kèm theo đó, người chuyển giới sang nam sẽ bắt đầu thay đổi giọng nói, trầm hơn, teo biểu mô âm đạo, tăng kích thước âm vật, ngực xẹp bớt.
Với nam giới, khi tiêm hoặc uống estrogen sẽ làm tăng tuyến vú, tăng mỡ cơ thể, làm chậm sự phát triển của râu, tóc, giảm kích thước tinh hoàn và chức năng cương dương, da mướt hơn, giọng nói dần nữ tính.
Tùy từng người, khoảng thời gian để cơ thể thấy rõ sự thay đổi có thể mất 18-24 tháng.
Các nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng hormone ngoại sinh ở người chuyển giới nữ sang nam hay nam sang nữ đều cho thấy có tác dụng phụ như làm thay đổi cảm xúc, tăng bệnh lý về gan, các bệnh tim mạch, vô sinh…
Người đàn ông đầu tiên ở Anh mang bầu cũng dùng testosterone từ năm 25 tuổi và sinh con ở tuổi 32. Anh cũng từng cân nhắc cắt bỏ tử cung nhưng đã ngưng ý định đó vì nghĩ mình có thể có con.
Sau khi dừng hormone, McConnell mô tả anh có kinh nguyệt trở lại, tóc mềm hơn, hông nở ra, bụng mềm hơn và giọng nói cũng thay đổi đầy nữ tính.
Hiện thế giới chưa có thống kê bao nhiêu người đàn ông chuyển giới đã sinh con, nhưng riêng tại Anh, đã có ít nhất 6 trường hợp, tại Úc có hơn 70 trường hợp…